Đăng bởi - 12/07/2018 | Lượt xem: 1216
Hạnh phúc lứa đôi không phải cứ muốn là được, đó là một quá trình mà hai nhân vật chính phải vun đắp, xây dựng mới mang đến một kết thúc đẹp theo kiểu "Happy Ending".
Bất cứ cặp đôi nào trước khi cưới cũng đều mong trải qua một cuộc sống hạnh phúc lứa đôi viên mãn, vẹn toàn. Tuy nhiên, có về sống chung mới nảy sinh nhiều rắc rối. Sau
đêm tân hôn, đối diện với cuộc sống gia đình, ít nhiều người nhận ra rằng hôn nhân không phải lúc nào cũng nên thơ như những câu chuyện tình yêu Hàn Quốc lãng mạn, toàn màu hồng.
Bạn quy kết người bạn đời của mình "cứng đầu", không hợp tác. Hai người không tìm được tiếng nói chung. Bạn nghĩ rằng lỗi hoàn toàn là do người "chung giường" với mình?
Giữ lửa hạnh phúc đâu quá khó
Bình tâm suy nghĩ kỹ 3 vấn đề dưới đây, có thể bạn sẽ khách quan hơn khi suy xét về mọi chuyện đã và đang xảy ra giữa hai người. Thậm chí, bạn sẽ nhận ra rằng mình đã sai ngay từ khi mọi chuyện chưa bắt đầu.
Không tạo sự kết nối với người bạn đời
Hôn nhân rất dễ rơi vào tình trạng "suy dinh dưỡng" khi hai người chỉ tập trung vào trách nhiệm công việc, nghĩa vụ nuôi dạy con cái hay những câu chuyện bên lề cuộc sống. Mải mê với chúng khiến nhiều cặp đôi quên đi chuyện phải
chăm dưỡng cho hôn nhân, duy trì sự kết nối vợ chồng.
Bạn luôn nghĩ mình là "Mr Right" trong mọi chuyện. Tuy nhiên, đối tác của bạn chưa hẳn đã phục tùng điều đó. Bạn cũng cho rằng mình là một nửa quan trọng hơn trong mối quan hệ. Bạn tự tin với thắc mắc của mình: Tại sao cô ấy không quan tâm gì đến tôi? Có chuyện gì với cô ấy vậy? Tôi đang nhận được gì và không nhận được gì từ cô ấy?
Tất cả những cảm xúc, suy nghĩ này đã tạo ra sự mất kết nối tạm thời. Bất cứ lúc nào, nếu bạn chỉ nghĩ cho bản thân, người ấy và bạn trở thành hai nửa xa lạ sống chung dưới một mái nhà. Và kết quả là hai bạn đang đấu tranh với sự "ngắt nguồn" đột ngột này mà không biết rõ nguyên nhân từ đâu.
Thực tế cho thấy có rất nhiều cặp đôi mắc phải lỗi lầm này. Họ không tạo được mối dây liên kết giữa hai người. Người này không biết người kia đang phải đối diện với khó khăn gì. Để rồi khi mọi chuyện xảy ra họ bắt đầu đổ lỗi và không tìm được tiếng nói chung.
Không biết người kia đang cần gì ở mình
Cảm giác mong đợi điều gì đó đến với mình mà không được đáp ứng sẽ mang đến thất vọng, thậm chí gây oán hận. Hôn nhân cũng chịu cảnh tương tự. Bạn luôn tập trung vào những gì bạn đã (hoặc không) nhận được, để khi sự mong đợi không được đáp ứng, bạn sinh cảm giác oán giận, trách móc.
Bạn có biết rằng những khi bạn cảm thấy như vậy, bạn lại càng "cho" đi rất ít. Và, chính điều này lại khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Đôi khi bạn muốn bảo vệ suy nghĩ của mình hoặc đưa ra lời khuyên cho đối tác. Tuy nhiên, tất cả những gì nửa kia cần là muốn được lắng nghe. Họ muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ bạn. Luôn "cố thủ" với suy nghĩ của mình sẽ làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Có rất nhiều cặp đôi bị mắc kẹt trong "mối tơ rối nùi" này. Điểm chung của họ là muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ người bạn đời, thế nhưng không ai chịu hạ mình để mở lời trước. Để đến khi hạnh phúc lứa đôi bị đe dọa, thậm chí đổ vỡ họ mới nhận ra thì đã quá muộn để sửa sai.
Không xác định được rõ ràng bạn cần gì ở nửa kia
Cũng giống như nửa kia, chính bản thân bạn cũng đang không biết rằng mình cần gì ở đối tác. Khi ở bên họ, bạn bị cuốn vào sự căng thẳng, khó kiểm soát. Những cảm xúc này khiến bạn bị mắc kẹt trong những cuộc tranh cãi về những điều nhỏ nhặt, không đáng kể, thậm chí bạn sẽ quên ngay sau đó.
Thực tế cho thấy những cuộc
cãi vã vợ chồng đến từ những lý do rất nhỏ nhen. Thế nhưng, "chuyện bé xé ra to" là đặc trưng kinh điển, chưa có lời giải cho hôn nhân của lứa đôi hiện đại.
Nếu như thế hệ, ông bà, cha mẹ luôn nằm lòng câu nói "chín bỏ làm mười", "cơm sôi bớt lửa" thì hôn nhân thế hệ trẻ ngày nay lại khác. Mọi cuộc tranh luận đều được đẩy cao đến đỉnh điểm. Cái "tôi" to như đại dương dào dạt sóng vỗ. Chỉ đến khi bình tâm trở lại, họ mới tự thầm trách mình: "Chuyện có đáng không? Vì sao mình lại hành xử như thế?"...
Hôn nhân hạnh phúc nằm trong tầm tay của bạn
Đừng chờ đợi mà hãy hành động. Hành động như thể ngày mai sẽ là ngày cuối để yêu thương. Tận dụng những phút giây hiện tại để sống cho nhau.
Mỗi ngày hãy dành ra chút thời gian quan tâm đến nhau. Không cần quá nhiều, tranh thủ những khi hai người có thể ngồi cùng nhau như trong bữa cơm tối, thời gian xem tivi hay trước khi chìm vào giấc ngủ. Một vài câu hỏi han, chia sẻ những khó khăn trong công việc, chuyện con cái học hành... cũng đủ để hai người duy trì sợi dây kết nối.
Đừng thụ động trao lời yêu thương. Nếu lời yêu thương khó nói, bạn nên thể hiện bằng hành động. Pha cho nhau ly nước cam sau buổi chiều tan sở về nhà, giặt giúp nửa kia bộ đồ đi làm, xới cho nhau chén cơm... những việc tuy đơn giản nhưng giúp cho ngọn lửa yêu thương luôn âm ỉ cháy mãi.
Bạn có đồng ý rằng chỉ có yêu thương và sẻ chia, hạnh phúc lứa đôi mới thêm bền chặt. Nếu đồng ý, nghĩa là bạn đang nắm trong tay "vũ khí" lợi hại để duy trì hôn nhân bền vững rồi đấy!