Đăng bởi Marry Doe - 13/04/2012 | Lượt xem: 2191
Sau đám cưới, hai người xa lạ về ở chung một mái nhà vì vậy, cả hai đều phải tự chuẩn bị một hành trang, tự thay đổi chính mình để thích nghi với cuộc sống mới, thích nghi với việc làm dâu, làm rể. Trong đó, sự chuẩn bị về mọi mặt của các bạn nữ luôn được chú trọng:
Chuẩn bị tâm lý, kỹ năng ứng xử
Hôn nhân là một phần rất quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, để cuộc sống ấy thành công, hai vợ chồng phải đạt được sự hòa hợp nhất định ở mọi mặt, bằng cách giảm thiểu những khác biệt hoặc dung hòa khác biệt đó.
Hôn nhân, tất nhiên không phải để “chôn vùi” tất cả những mơ mộng, lãng mạn của thời yêu nhau, nhưng các cô dâu mới cũng đừng nên mơ mộng, lãng mạn và đòi hỏi thái quá từ chồng mình. Chuẩn bị tâm lý để thích nghi với chính người ngày xưa là người yêu nay đã thành chồng cũng là điều vô cùng quan trọng. Điều này giúp cô dâu không bị hẫng hụt, thất vọng. Ngày xưa yêu nhau thì tối tối có thể chở đi chơi, có khi còn lãng mạn đi dưới mưa nhưng giờ đã là vợ chồng thì không thể lúc nào cũng như vậy; ngày xưa yêu nhau, lúc nào cũng thấy anh ấy bảnh bao, chải chuốt, thơm tho, nay về làm vợ thấy chồng tuềnh toàng thì nhiều cô vợ phát hoảng, rồi thất vọng… Đặc biệt, người vợ khi về nhà chồng, môi trường sống thay đổi, nề nếp khác đi, chắc hẳn sẽ gây một cảm giác hoang mang và khó chịu. Sự chuẩn bị, tìm hiểu để hòa hợp với gia đình chồng trước hôn nhân chắc chắn sẽ không đủ cho cô dâu mới. Lúc yêu, đến nhà nhau, bạn thấy gia đình của người yêu thật dễ chịu, thật hòa đồng và thân thiện. Bạn sẽ nghĩ rằng thật hạnh phúc khi được về làm dâu nhà họ. Đến lúc sống chung, hiện thực có thể không như bạn nghĩ, bạn mong đợi; khả năng xảy ra những bất hòa, xô xát là điều khó tránh khỏi. Bạn cần chuẩn bị tâm lý để đón nhận và có cách xử lý thông minh, khôn khéo những điều này.
Đối với phong cách, lối sống, nguyên tắc của gia đình chồng, hãy cố gắng thích nghi. Nếu bạn có kế hoạch hoặc điều gì muốn thay đổi thì nên hỏi ý kiến mọi người trong nhà, đặc biệt là người lớn tuổi (ông bà, cha mẹ).
Bạn cần lưu ý, không nên có những cử chí thân mật quá trớn ngoài không gian thân mật của hai vợ chồng. Điều này sẽ gây khó chịu với những người xung quanh, nhất là bố mẹ chồng. Cũng đừng bao giờ xem người nhà chồng là “đối thủ” bên kia chiến tuyến. Hãy sống thật lòng, tình cảm, hỏi han, chăm sóc mọi người ân cần chu đáo. Nếu bạn thật sự có lòng, yêu thương mọi người thì sớm hay muộn mọi người cũng sẽ hiểu bạn.Trong mối quan hệ với mẹ chồng, nàng dâu cần vui vẻ tiếp thu lời dạy bảo có thiện chí của bà. Có thể, trong một vài trường hợp bạn thấy những ý kiến ấy không hợp lý nhưng cũng đừng phản ứng một cách nóng vội, vì dễ tạo không khí căng thẳng. Ý kiến của bạn nên bày tỏ vào lúc khác, hoặc có thể nói chuyện với chồng trước khi đưa ra thái độ ứng xử thích hợp.
Kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân
Thông thường, trước hôn nhân, cặp vợ chồng ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ thì chỉ quan tâm đến việc chuẩn bị tâm lý, còn vấn đề sức khỏe sinh sản hầu như không được nhắc đến. Các chuyên gia đã chia sẻ một thực tế trong công tác tư vấn là nhiều trường hợp chỉ vài ngày sau khi kết hôn đã cãi vã, người chồng nghi vợ đã mất trinh trước khi cưới vì lần đầu sinh hoạt vợ chồng không thấy "dấu hiệu"; có trường hợp người phụ nữ ngay sau lần đầu giao hợp đã rơi vào tình trạng lãnh cảm do bị đau đớn bởi sự quá "hào hứng" của chồng. Hay rất nhiều tình huống khác như: người vợ có tử cung thấp nên có chửa là sảy thai, sau 3 lần sảy đi khám mới biết nguyên nhân; có bạn nữ bị bệnh phụ khoa nhưng không dám đi khám chỉ vì chưa có chồng; rồi rất nhiều đứa trẻ sinh ra bị dị tật không được cha mẹ thừa nhận phải đưa vào các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi… Thời gian khám sức khỏe trước khi kết hôn tối thiểu 3-6 sáu tháng. Nên khám tổng quát, xét nghiệm máu, khám phụ khoa, cần tìm hiểu rõ các tiền căn về rối loạn tâm thần, bệnh truyền nhiễm, kém phát triển trí tuệ, bệnh tim, gan, thận, bệnh sử gia đình... Bên cạnh đó, cô dâu cần trang bị những kiến thức về tránh thai (nếu hai bạn đang kế hoạch); những kiến thức phòng the; kiến thức về thai giáo và đặc biệt là kỹ năng về nữ công gia chánh, kiến thức quản lý tài chính, giữ gìn hạnh phúc gia đình….
Chuẩn bị thật kỹ trước hôn nhân luôn luôn rất quan trọng, nó sẽ giúp người phụ nữ trở thành dâu hiền, vợ thảo. Quan trọng hơn, sự sẵn sang về mọi mặt mang đến cho người phụ nữ một cuộc sống gia đình thoải mái, hạnh phúc.
Khắc Huy
Ảnh minh họa: Internet