Hãy học cách buông bỏ những oán giận bất bình để đổi lấy sự bao dung độ lượng, hãy khiến nhiệt tình bồng bột trở thành sự điềm tĩnh trung dung. Hãy nhìn mọi việc một cách nhẹ nhàng hơn và hãy ung dung đối diện với sóng gió…
Có 3 loại cơm không nên ăn
1. Ăn quá no
Sức khoẻ là vấn đề vô cùng hệ trọng, cần ưu tiên hàng đầu. Ăn đừng ăn quá no, cũng chớ nên ăn nhanh, uống nhanh bởi cái tuổi ăn to nói lớn của ta đã qua lâu rồi. Khi bưng bát cơm ăn, hãy ghi nhớ vì bao tử, vì huyết áp của mình ăn uống vừa đủ. Ông cha ta nói: “Họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào” là có ý tứ như thế.
2. Ăn thức ăn nhiều mỡ
Trăm thứ bệnh đều bắt nguồn từ chất béo mà ra, các loại dầu mỡ là thực phẩm chứa nhiều năng lượng. Chúng tích tụ trong cơ thể chúng ta lâu ngày sẽ chuyển biến thành chất béo. Đối với sức khỏe mà nói thì đây là vấn đề rất nguy hại nên cần hạn chế tối đa thức ăn có nhiều dầu mỡ. Thay vào đó bạn nên ăn nhiều món luộc, món không dầu mỡ. Đừng vì để chế biến thức ăn thêm nhiều hương vị hấp dẫn mà cho nhiều dầu mỡ, ăn càng nhiều thì nguy cơ bệnh tật càng lắm.
3. Ăn cơm tiếp khách, tạo mối quan hệ
Chúng ta đã qua những năm tháng phấn đấu, nỗ lực không ngừng trên đường đời, cũng đã có được nhiều kinh nghiệm tích luỹ, các mối quan hệ làm ăn cũng ngày một phong phú. Chính vì vậy đôi khi không tránh khỏi những lúc có người nhờ vả, giúp đỡ, mời tiệc rượu. Loại cơm này tốt nhất vẫn là không nên ăn nếu không muốn há miệng mắc quai. Việc làm được thì làm, việc không làm được thì từ chối thẳng, chớ nên vì cả nể, lưỡng lự mà miễn cưỡng tự làm khó bản thân.
Những bữa tiệc không cần thiết không nên ăn nếu không muốn há miệng mắc quai. (Ảnh minh hoạ: internet)
3 loại tình không nên động đến
1. Làm người trung gian
Những vấn đề phát sinh về phương diện tình cảm sẽ ngày một nhiều. Bạn bè thân hữu sẽ có xu hướng tìm chúng ta để trợ giúp một số vấn đề khúc mắc trong chuyện tình cảm, quan hệ ứng xử. Ví như ai đó bất đồng với nhau, ai đó có thù oán hay có chuyện vợ nọ con kia, họ đều tìm đến xin bạn một lời tư vấn.
Nhưng những việc này tốt nhất chúng ta không nên can thiệp. Tình cảm là chuyện tế nhị, lỡ lời là có thể kết oán hận, lỡ làm cũng có thể hối hận muôn đời. Hai người xung đột đến mức không thể hòa giải thì rất khó lại hòa hợp được với nhau. Bạn nhúng tay can thiệp có khi còn làm tình hình xấu tệ.
Tình cảm con người là một thứ phức tạp, không dễ đoán định. Hơn nữa, Phật gia cũng giảng về chữ “duyên”. Duyên phận, duyên tình đều là những điều đi theo người ta không chỉ ở trong một kiếp. Duyên rắc rối như dây tơ hồng, bạn nghĩ mình có thể gỡ bỏ chúng không?
2. Say nắng tình cảm bên ngoài
Với một số người, khi cuộc sống gia đình trở nên không còn êm ấm, hoặc người bạn đời của họ quá đam mê công việc mà bỏ bê việc chăm sóc gia đình, hoặc hai người từ lâu đã không còn có thể ngồi xuống cùng nhau chia sẻ. Cũng chính vì lý do đó mà rất nhiều người bắt đầu tìm nguồn vui bên ngoài, bắt đầu bằng việc cảm mến và “say nắng” người khác.
Nhưng bạn hãy nhớ kĩ rằng ở tuổi này, chỉ cần một một phút không thanh tỉnh đi nhầm đường thì coi như bao nhiêu cố gắng mấy chục năm qua như gia đình, sự nghiệp, con cái đều thành dã tràng xe cát hết cả. “Say nắng”, cảm mến ai đó không phải vợ chồng mình chính là bước đi đầu tiên dẫn người ta đến con đường ngoại tình, phản bội vậy.
Hãy nhớ kĩ rằng ở tuổi này, chỉ cần một một phút không thanh tỉnh đi nhầm đường thì coi như bao nhiêu cố gắng mấy chục năm qua như gia đình, sự nghiệp, con cái đều thành dã tràng xe cát hết cả.
3. Không yêu người chênh lệch tuổi tác quá nhiều
Thời buổi hiện nay, văn hoá suy đồi, sở thích của giới trẻ ngày một có nhiều biến dị. Có một số thanh niên thích được yêu những người phụ nữ lớn tuổi, có kinh nghiệm. Lại có một số thanh thiếu nữ thích những người đàn ông trung niên chín chắn, ổn định. Vậy nên thường xuất hiện những kiểu tình cảm chị em, chú cháu. Với những mối tình chênh lệch tuổi tác, thế hệ như thế một khi đã bước vào rồi thì rất khó có thể bước ra. Hơn nữa, nhiều trường hợp không bị lừa gạt tiền bạc thì cũng là lừa dối tình cảm, sau cùng trở thành thân tàn ma dại, oán hận chẳng nguôi.
3 loại người không nên qua lại
1. Người không đứng đắn
Tuổi trung niên là lúc xuất hiện nhiều nguy cơ tình cảm nhất, đàn ông thì có bồ bên ngoài, phụ nữ thì có chồng không chung thuỷ. Nhưng có nhiều người không hiểu đó là sự bại hoại của đạo đức trái lại còn thích qua lại với những người “ông ăn chả, bà ăn nem” như thế. Họ không hạnh phúc và sẵn sàng gật đầu với những mối quan hệ bên ngoài.
Như vậy đôi khi, chúng ta nghiễm nhiên trở thành kẻ thứ ba, là người tăng thêm nguy cơ phá vỡ hạnh phúc gia đình khác. Với những người không đứng đắn trong tình cảm, hãy có thái độ thích hợp, lịch sự nhưng dứt khoát, chớ nên chỉ vì một phút ngã lòng mà hủy đi hạnh phúc đã vun vén được cả hàng chục năm.
2. Người có cuộc sống sa đọa
Người sống sa đọa, chìm trong tệ nạn, tật xấu thói hư chính là đã đánh mất thiện lương của bản thân mình. Cuộc sống của chính mình, họ còn không quý tiếc thì mong chi họ quý tiếc ai? Tiếp xúc với hạng người này chính là thất sách vậy. Ông bà ta nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” quả không hề sai vậy.
Ông bà ta nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” quả không hề sai vậy.
3. Người tính khí lên xuống thất thường
Người tính khí thất thường thì không làm chủ được cảm xúc, vui buồn đều không đoán trước được. Họ cũng khá ích kỷ, thường bảo thủ. Khi thành đạt họ không có thói quen giúp đỡ người khác, lúc sa cơ lỡ vận họ lại thường cầu cạnh nhờ vả. Họ là một loại đa nhân cách, không ổn định, không kiên trì, dễ làm tổn thương người khác và không khoan dung.
Đến tuổi trung niên, bạn đã có thể nhận rõ được người tốt kẻ xấu, người dở kẻ hay. Đối với những dạng người này, có lẽ bạn cũng cần cân nhắc. Nếu có đi lại, hãy giữ quan hệ bình thường, không cần thân quen quá mức. Nếu không đi lại thì tốt nhất từ sau cũng đừng nên tìm hỏi, làm thân.
Minh Vũ
Theo ĐKN