Bắt bệnh chán nản
Hoàng My người Hà Nội, vì yêu nên lấy Hùng quê Thanh Hóa và chấp nhận ở nhà thuê. Cuộc sống mới, mọi thứ đều thiếu thốn. Trong khi đó, My thấy Hùng gần như thay đổi hoàn toàn, anh trở nên gia trưởng, không đụng chân tay vào bất cứ việc gì. Không những thế, chi tiêu hàng tháng trong gia đình cái gì cũng đến tay My. Tài chính eo hẹp, phải tính toán chi tiêu khiến My như bị khủng hoảng, cô không ngờ cuộc sống hôn nhân lại chán tới vậy.
Từ ngày lấy vợ Nam thấy rất mất tự do. Vợ cứ kè kè, đi đâu cũng đòi đi cùng, lại suốt ngày giận dỗi. Sau tuần trăng mật cũng là lúc giải bóng đá Euro khởi tranh. Khi chưa có vợ, những dịp như thế này, nhóm bạn thời cấp 3 lại tụ tập cùng xem, cá cược vui và ăn uống thoải mái. Nam sợ vợ ở nhà buồn nên đành phải chia tay với nhóm bạn, ở nhà xem. Đêm nào Nam cũng xem hết các trận nhưng vợ anh lại không thích, cô hậm hực nói chồng yêu bóng đá hơn yêu vợ, rồi kể lể anh không giữ lời hứa là thường xuyên đi chơi cùng nhau… Mới có một tháng sau ngày cưới mà Nam đã thấy ngộp thở, cảm thấy như bị “đeo gông vào cổ”.
Những khác biệt trong suy nghĩ, lối sống gây cảm giác chán nản
Lý do mà Nam và Hoàng My đưa ra chỉ là một, hai trong rất nhiều lý do khiến các tân lang, tân nương thấy thất vọng về bạn đời, về cuộc sống hôn nhân. Trường hợp của Nam có lẽ là tâm trạng của rất nhiều đàn ông sau khi lấy vợ. Những người đàn ông sau khi lấy vợ thường thực tế hơn và mong muốn người vợ của mình là những cô gái độc lập chứ không phải nũng nịu như xưa. Hoàng My và chồng lại do môi trường sống khác nhau, chồng My không có sự chia sẻ về mọi mặt nên dễ tạo nên những thất vọng cho My.
Ngoài ra còn rất nhiều những nguyên nhân khác như: cả đống hóa đơn phải thanh toán sau ngày cưới, thói quen sống khác biệt. Đặc biệt, với nhiều cô dâu trẻ không hiểu rõ đặc điểm tâm, sinh lý nam giới, sẽ rất dễ sốc, thất vọng khi thấy những "mặt trái" của đàn ông từ chồng như: ngại làm việc nhà, bừa bộn, hay xem phim - ảnh sex..., thậm chí sự tâm trạng chán nản, có khi sợ sệt này còn đến do không hợp nhau trong vấn đề chăn gối. Sự thiếu tế nhị, thiếu khéo léo trong cách ứng xử với cha mẹ vợ, chồng, anh chị em cũng có thể gây xung đột giữa hai vợ chồng son.
Giữ lửa sau hôn nhân
Việc buồn chán sau đám cưới ai cũng sẽ có, ít hay nhiều đều phụ thuộc vào cách bạn xác định và chuẩn bị tinh thần để đón nhận nó như thế nào?
Trước khi cưới, hai bạn nên tham gia vào các lớp học tiền hôn nhân để trang bị cho mình và bạn đời kiến thức về hôn nhân, gia đình. Các bạn sẽ có những kinh nghiệm làm thế nào để nhận ra sự khác biệt của bạn đời và hòa hợp về cả tình cảm và tình dục. Cách ứng xử trong mối quan hệ với gia đình vợ, gia đình chồng. Rèn các kỹ năng như quản lý tiền bạc, cảm xúc, tư duy tích cực, cách giải quyết các mâu thuẫn hay hiểu biết về các vấn đề sức khỏe sinh sản…
Nợ nần là kẻ thù trực tiếp khiến bạn mệt mỏi. Để không phải đối mặt với nợ nần cho việc chuẩn bị đám cưới, hãy tổ chức đám cưới thật tiết kiệm, phù hợp với tình hình tài chính của hai người. Nếu phải vay mượn, hai bạn hãy tính toán để sau khi cưới có thể thanh toán được và thanh toán mọi thứ trước khi đi trăng mật.
Tiền bạc cũng là một nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng hụt hẫng sau tuần trăng mật
Không tô hồng hôn nhân và bạn cần phải hiểu rằng, tình yêu mỗi giai đoạn có những điểm khác nhau. Khi yêu, người ta thường xây dựng hình ảnh đẹp về bản thân trong mắt nửa kia, đồng thời lúc này, các bạn dễ dàng bỏ qua, tha thứ. Khi chung sống, con người thật, với tất cả những thói quen tốt xấu của hai bên đều dần hiện ra, nếu không biết chấp nhận và thông cảm, hai bên sẽ xuất hiện những cảm giác chán nản về nhau.
Một điều cũng rất quan trọng là hai bạn cần phải tôn trọng nhau, biết tiết chế cảm xúc để lúc tranh luận nóng giận không có những câu nói xúc phạm nhau. Nhường nhịn là một đức tính được nhắc đến nhiều trong cuộc sống vợ chồng như ông bà ta vẫn nói “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Đồng thời, cả hai cần biết cách để chia sẻ, thỏa thuận, đi đến thống nhất, hòa hợp với nhau.
Để duy trì cuộc sống hôn nhân, cần sự cố gắng, hy sinh từ cả hai phía
Dù vẫn đang ở chung với gia đình hay ở riêng, hai bạn cũng cần phải tạo không gian riêng cho hai người. Giữ một vài thói quen lúc đang yêu như đi cà phê cùng nhau tuần một lần, một món quà nhỏ tặng nhau trong những dịp đặc biệt… để cả hai đều có cảm giác vẫn được quan tâm, chiều chuộng và yêu thương.
Giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng như mọi người vẫn thường tưởng tượng. Khi này, các bạn đang là những miếng ghép đơn lẻ, hôn nhân đang ghép chúng lại vì thế cũng sẽ có những điểm lệch, điểm bằng. Để vượt qua những xung đột giữa những cá thể (mỗi cá thể có một cá tính riêng biệt) thì rất cần sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ từ cả hai phía để giữ hạnh phúc gia đình được bền lâu.
Yến Minh