Đăng bởi Marry Doe - 14/11/2017 | Lượt xem: 1612
Cư trú chủ yếu trên miền núi cao, dân tộc Lô Lô gìn giữ được nhiều phong tục truyền thống đặc sắc. Trong đó tập tục hôn nhân của người Lô Lô phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa của dân tộc này.
Hôn nhân của người Lô Lô thực hiện theo chế độ một vợ, một chồng. Đặc điểm nổi bật trong quan niệm truyền thống về hôn nhân của người Lô Lô xưa là chỉ kết hôn với người cùng tộc. Họ cho rằng làm như vậy sẽ tạo dựng được một gia đình bền vững dựa trên nền tảng của sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau.
Ảnh minh họa
Trong hôn nhân, các bậc cha, mẹ người Lô Lô thường đưa ra một số tiêu chí để con cái chọn người chồng hay người vợ tương lai. Người chồng phải khoẻ mạnh, cần cù, giỏi cày bừa, săn bắn, đánh cá, làm giỏi các nghề thủ công như đẽo cày,đan lát hay dựng nhà cửa, đặc biệt là phải biết cúng bái. Với người vợ lý tưởng cũng vậy, phải nết na, lễ phép với bố mẹ, với họ hàng, làng xóm, bên cạnh đó phải thạo dệt, may, thêu thùa, trồng trọt…
Thanh niên nam, nữ Lô Lô đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu nhau, nhưng việc đi đến hôn nhân lại do cha mẹ quyết định. Thông thường các chàng trai cô gái Lô Lô gặp gỡ tìm hiểu nhau qua các hoạt động lao động sản xuất, qua những dịp lễ hội, chợ phiên hay những lần gặp gỡ với bạn bè…Khi đã cảm mến nhau thì các chàng trai cô gái bày tỏ tình cảm trong những buổi hát giao duyên.
Sau những lần gặp gỡ, hát giao duyên như thế, chàng trai cô gái về nói chuyện với cha mẹ, hai gia đình qua lại thăm hỏi đồng ý cho con cái cưới nhau, thì các thủ tục hôn nhân mới được tiến hành.
Trước khi sang nhà gái, nhà trai nhất định phải nhờ đến thày mo trong bản chọn ngày giờ thực hiện các nghi lễ cưới. Ông Lò Dì Páo ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cho biết: “ Có gia đình không mời thày mo dự lễ cưới, nhưng cũng phải gặp bàn riêng với thày để chọn ngày. Thày cho ý kiến ăn cưới to hay nhỏ, rồi thày xem hai bên có phù hợp với nhau. Làm đám cưới to quá không được, mà làm bé quá cũng không đủ. Bây giờ thì làm đơn giản hơn một chút.
Khi hai bên đã thống nhất chọn được ngày lành tháng tốt thì nhà trai phải mang lễ vật đến nhà gái để dạm hỏi. Nhà gái đồng ý thì bên nhà trai sẽ làm cỗ và ấn định ngày cưới.
Bên nhà gái được quyền thách cưới và lễ vật thách cưới thường là gạo tẻ, gạo nếp, thịt lợn, rượu ngoài ra còn có thể yêu cầu thêm như áo, váy, trang sức cho cô dâu. Gia đình nhà trai không đưa lễ vật cho cha mẹ của cô dâu mà lại đưa cho ông cậu (anh vợ), bởi ông cậu trong xã hội người Lô Lô rất được coi trọng.
Ông cậu là người quyết định các nghi lễ hôn nhân và là người có quyền phân chia tài sản trong gia đình. Ông Lò Dì Páo cho biết thêm: "Thách cưới bây giờ không nhiều đâu, bình thường ăn hỏi là một đôi gà, 2 lít rượu, một gói xôi nữa là đi ăn hỏi...Nhưng ở bên ngoại có ông cậu ( là anh vợ) nó có quyền. Ông cậu bảo mổ bò thì bắt buộc phải đi mua. Khi mổ con bò ông cậu được một cái đùi đấy. Ông cậu phải có một đùi ngon nhất. Không có bò ông cậu không cho cưới đâu..."
Khi nhà trai làm xong thủ tục ăn hỏi, thì thường sau ba năm mới tổ chức lễ cưới. Trong suốt ba năm đó, cô dâu tương lai cùng bố mẹ chuẩn bị những vật dụng cá nhân, của hồi môn để sau này mang sang nhà chồng. Với chú rể tương lai, vào dịp lễ Tết, trong ba năm phải làm lễ sêu tết bố mẹ vợ, lễ vật gồm: cá, gà, gạo nếp… Đến ngày cưới, họ hàng nhà trai qua nhà gái, lễ vật mang theo có: gạo, rượu, thịt lợn, chè, thuốc lá và một khoản tiền mặt. Toàn bộ lễ vật do nhà trai mang sang được đại diện nhà gái đón nhận và đưa thẳng vào gian bếp để góp thêm cho việc nấu cỗ cưới.
Khi về đến nhà trai cô dâu, chú rể phải làm lễ cúng gia tiên nhà chồng. Sau lễ cúng gia tiên thì cô dâu chú rể mới được vào cuộc vui chung cùng họ hàng và bạn bè gần xa. Đám cưới rộn ràng cùng tiếng kèn, tiếng nhị và những điệu múa truyền thống của người Lô Lô. Mọi người chúc phúc để đôi vợ chồng mới cưới sống với nhau đến đầu bạc răng long.
Tô Tuấn/vovworld