1. Nhà trai đến
2 bên gia đình nhớ bàn bạc kỹ trước các thứ như vị trí đỗ xe, chỗ cho đoàn nhà trai ổn định đội hình, nhất là trong trường hợp nhà gái ở đường hay hẻm nhỏ, giao thông khó khăn.
2. Trao lễ vật
Theo phong tục tập quán xưa thì nhà gái thắp hương trước rồi nhà trai mới vào. Lễ cưới ngày nay thì không còn phong tục này. Đội bưng quả (hay bê tráp) của nhà gái xếp hàng sẵn, đội bưng quả của nhà trai tiến vào, đứng thành 2 hàng mặt đối mặt, rồi tiến tới trao quả cho đội hình bên nhà gái. Người phù rể là nhân vật quan trọng sẽ đi đầu đội bưng quả, chỉ sau chú rể và ông chủ hôn, tay bê khay rượu và nữ trang tiến vào. Đội bưng quả 2 bên là những người còn độc thân và thường là bạn bè, người thân của cô dâu và chú rể. Nếu không thể nhờ bạn bè hay người thân thì có thể thuê đội bưng quả theo dịch vụ.
3. Nhận quả và mang lên bàn thờ gia tiên
Đội bưng quả nhà gái sẽ mang quả đặt ở bàn thờ gia tiên. Thông thường, quả trầu cau đặt ở vị trí chính giữa để “đánh dấu”, vì khi mở quả sẽ mở quả này đầu tiên.
4. Trình lễ
Người chủ hôn của nhà trai mở đầu buổi lễ xin phép, mở nắp tráp, hoặc lật khăn đỏ phủ trên tráp lên và giới thiệu lễ vật gồm những gì.
5. Cô dâu được dắt ra mắt
Cô dâu từ đầu ngồi trong phòng của mình đợi được cha hoặc mẹ dắt ra chào họ hàng hai bên, chuẩn bị làm lễ.
6. Làm lễ gia tiên
Tiến hành thắp hương để cô dâu, chú rể làm lễ gia tiên. Hương thường do người đàn ông trong gia đình cô dâu thắp (bố, anh trai hoặc em trai cô dâu). Ngoài ra, còn có thêm tục lệ đốt đèn long phụng. Nhà trai khi mang lễ sang sẽ mang theo cặp đèn cầy gọi là “đèn long phụng”, nhà gái chuẩn bị sẵn 2 chân đèn, khi làm lễ thì thắp lên. Sau khi cha (hoặc anh/em) của cô dâu thắp hương xong, cô dâu – chú rể làm lễ khấn bái. Ngày nay, phong tục đã được giản lược đi nhiều nên CD-CR chỉ cần thắp hương khấn vái và lạy trước bàn thờ, không nhất thiết phải lạy bao nhiêu lạy, bao nhiêu lễ.
7. Trao nhẫn cưới
Chú rể đeo nhẫn cưới vào ngón áp út của cô dâu và ngược lại để hoàn thành lễ trao tín vật trăm năm
8. Cô dâu – chú rể nhận tiền/quà (thường là vàng, nữ trang) của cha mẹ, mà chủ yếu là cô dâu
Mẹ đẻ và mẹ chồng tặng nữ trang cho con gái – con dâu. Tiếp đến sẽ là các bậc ông bà, chú bác, ng thân trong gia đình cô dâu tặng quà mừng, có khi có đôi lời gửi gắm, dặn dò.
9. Mời trầu cau và mời rượu
Khi mời rượu, ng rót rượu là chàng phù rể (nên nói chung, phù rể rất quan trọng, cần phải tuyển người nhã nhặn, điềm đạm, có kinh nghiệm làm phù rể vài ba lần càng tốt). Cô dâu – chú rể làm động tác xé cau, xếp trầu cho đúng phong tục. Tiếp đó là mời 2 người chủ hôn trước, rồi đến ông bà, cha mẹ.
10. Tiệc nhà gái
Ngày xưa nhà gái sẽ tổ chức phần tiệc ăn uống, nhưng ngày nay thì phần này giản lược đi với bánh, trái cây và trà nước. Vì thường đón dâu đều được “coi giờ lành” nên cần có lễ rước ngắn gọn ở nhà gái để còn kịp thời gian rước dâu về làm lễ ở nhà trai.
11. Trả lễ
Hay còn gọi là lại quả. Nhà gái sẽ trả lại mâm quả (thường là còn 1/2) cho nhà trai. Khi xếp mâm quả để trả, nếu là quả có nắp đậy thì lật ngược nắp lên, nếu là quả phủ khăn thì lật 1/2 khăn lên. Cũng có thêm một thủ tục nữa là lì xì cho đội bưng quả, vừa để cảm ơn, vừa để mọi người cùng vui, mang đến may mắn cho đám cưới.
12. Đưa nàng về dinh
Mẹ chồng dắt cô dâu ra xe hoa, chú rể đi theo bên cạnh. Khi đi, cô dâu không được ngoái đầu nhìn lại. Cô dâu cần chọn trước cho mình 1 ng phù dâu (chưa chồng) đi cùng để phụ giúp nhiều thứ khi về đến nhà trai (và đến cả nhà hàng đãi tiệc. Theo phong tục tập quán là “cha đưa mẹ đón” – tức cha đưa con gái đến nhà trai và mẹ chồng sẽ đón con dâu, thì mẹ ruột không được đi theo, phải ở nhà đóng cửa lại khi mọi người rời khỏi và tuyệt đối không được khóc. Tuy nhiên, ngày nay thì nhiều gia đình đã bỏ luôn phong tục này vì hôn nhân bây giờ không nhất định phải thực hiện như thế, tâm lý của mọi người kể cả cô dâu và cha mẹ cô dâu đều muốn hai đấng sinh thành “đưa mình sang sông” để mọi người đều được chứng kiến thời khắc con gái mình đã chính thức bước sang một trang mới trong cuộc đời.
Đoàn rước dâu phải tính số người, mình nhớ không lầm là: đi lẻ về chẵn. Nghĩa là tính làm sao để khi về, CD ở lại bên nhà chồng, thì số ng trở về phải là số chẵn. Cô dâu nên lên danh sách số người của nhà gái đi đưa dâu cho chính xác để nhà trai tiện tiếp đón.
13. Về nhà trai
Làm lễ ra mắt trước bàn thờ tổ tiên bên nhà trai, nhận tiền/quà mừng của người nhà, họ hàng bên nhà trai. Mẹ chồng dắt cô dâu vào phòng tân hôn, giới thiệu tổ ấm với bà con cô bác, làm thủ tục trải giường. Giường cưới thường là giường mới, chưa ai nằm lên, mẹ chồng trải giường, có thể nhờ thêm những người họ hàng có con trai và con gái cùng trải giường để “lấy hên” cho cô dâu chú rể sau này cũng có đủ nếp đủ te như vậy. Nhiều gia đình đãi tiệc ngay sau khi rước dâu nên cô dâu chú rể và cha mẹ hai bên phải tiếp đón và đi chào bàn. Với những gia đình chọn đãi tiệc vào buổi tối thì sau lễ rước dâu về nhà trai, cô dâu – chú rể được nghỉ ngơi một chút, chuẩn bị cho bữa tiệc cưới vào buồi tối.
Ý nghĩa của lễ nạp tài trong ngày rước dâu
Theo truyền thống, trong lễ nạp tài, nhà trai mang lễ vật và tiền mặt (hay còn gọi là tiền đen hay tiền nát) sang nhà gái. Ngày nay, khi lễ ăn hỏi và rước dâu thường được kết hợp trong cùng một buổi, lễ nạp tài vẫn là một nghi thức được duy trì ở rất nhiều vùng
Lễ vật nạp tài bao gồm những gì?
Tùy theo phong tục cưới hỏi của của mỗi vùng, sính lễ nhà trai mang đến nhà gái có thể bao gồm trầu cau, gạo nếp, thịt heo, trang sức, quần áo cho cô dâu và khoản tiền đen. Đối với hôn lễ hiện đại, lễ ăn hỏi thường kết hợp luôn với việc rước dâu thì những lễ vật trên cũng chính là lễ vật ăn hỏi. Riêng khoản “tiền đen” trong lễ nạp tài khá được chú trọng.
Ý nghĩa của lễ vật nạp tài
Tiền đen, hay lễ đen, tiền nát là một khoản tiền mặt đi cùng các lễ vật rước dâu có nhiều ý nghĩa khác nhau.
Hình thức trình bày tiền đen Nhiều ý kiến cho rằng tiền đen tượng trưng cho sự thách cưới của nhà gái đối với nhà trai. Một giải thích khác cho rằng đây là khoản nhà trai đóng góp để lo tổ chức lễ cưới, ngụ ý rằng tất cả đã được chuẩn bị chu đáo. Những món nữ trang là phần dành cho cô dâu làm vốn, sau khi đám cưới có thể yên tâm xây dựng tổ ấm, không sợ đối mặt với cảnh thiếu thốn.
Tiền đen trong lễ rước dâu thường được đựng trong một phong bì và để trong một tráp riêng hoặc kèm tráp trầu cau khi đi sang nhà gái.
Ở một số đám cưới, số tiền này được chia thành nhiều phong bì. Số lượng phong bì sẽ là số lẻ như 3, 5, 7. Số lượng tiền đen cũng khác nhau tùy theo gia cảnh và sự đồng ý trước đó giữa hai nhà. Số tiền này có thể dao động từ 1, 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng hoặc hơn, nhưng con số thường được lựa chọn cũng là số lẻ, hoặc một số đẹp theo quan niệm của gia đình đó.
Vai trò của cô dâu chú rể
Lễ nạp tài mang một ý nghĩa tốt đẹp, nhưng lại động chạm đến những vấn đề khá nhạy cảm giữa hai bên gia đình. Vì vậy, khi cô dâu và chú rể cần là người tạo nên chiếc cầu nối và hòa khí giữa hai bên để ngày rước dâu thật sự ấm áp tiếng cười và tràn niềm vui. Cô dâu nên là người chủ động hỏi ý kiến của bố mẹ, gia đình về yêu cầu lễ nạp tài. Trong khi đó chú rể sẽ là người thông báo, bàn bạc với gia đình nhà trai để đưa ra một số lượng và hình thức trình bày thích hợp, đẹp lòng cả đôi bên.
(ST)