Đăng bởi Marry Doe - 21/04/2012 | Lượt xem: 2326
Có rất nhiều lý do để hoãn ngày cưới của mình, nhưng có lẽ lý do “chính đáng” nhất vẫn là khi cô dâu chưa thực sự chuẩn bị cho vai trò làm vợ.
Hủy hôn vì người yêu không chịu lớn
Hoài Thu (nhân viên văn phòng ở quận 3) chia sẻ khi làm thủ tục trả
váy cưới “chưa kịp mặc” cho một cửa hàng váy cưới ở đường 3-2: “Biết là có lỗi với người ta, nhưng thà “bỏ của chạy lấy người” còn hơn là sau này “bỏ cả người cả của”. Năm nay 30 tuổi, bạn bè đã “yên bề gia thất” hết, gia đình lúc nào cũng giục lấy chồng nên mình cũng quyết định lấy cho xong. Trải qua một vài mối tình hồi sinh viên, cả khi đi làm nhưng cứ trục trặc không thành. Nay có anh bạn làm mối cho một người, thấy xuôi xuôi nên “ừ” đại.
Mấy hôm đi uống cà phê cũng có hỏi thăm nhau về gia đình, bạn bè, công việc. Cũng có đôi chút cảm tình nên cứ nghĩ là lấy về rồi sẽ yêu. Anh ấy ngỏ lời cầu hôn và mình đã nhận lời. Đang chuẩn bị cho ngày cưới thì anh ấy mới “nhỏ to tâm sự”: “Mẹ anh đang bị bệnh nan y nên muốn anh cưới vợ để mẹ yên tâm. Với lại, không có mẹ thì anh không biết sống với ai, vì từ nhỏ tới giờ anh chỉ sống với mẹ”. Mới nghe thì mình cũng thấy “không có vấn đề gì”,chỉ thấy trách nhiệm của mình lớn quá, nhưng chưa nghĩ đến chuyện hủy hôn. Hôm trước, đi làm về mệt nhưng mình vẫn cố gắng tạt qua nhà chồng tương lai. Ôi thôi, một cảnh tượng mà mình không tưởng tượng ra, “cái anh mà sẽ là chồng mình” đang nằm khểnh xem ti vi, mẹ anh ốm nằm co ro trên giường, quần áo mặc xong chất thành đống, bếp lạnh tanh và bát đũa chắc mấy ngày không rửa. Mình vừa vào nhà anh ấy nói một tràng: “Mẹ chưa ăn gì. Anh đói gần chết. Em mua gì về ăn không?”. Sau đó anh than thở một thôi một hồi về việc mấy ngày mẹ ốm không có cơm ngon canh ngọt để ăn, không có ai giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa mà không biết rằng mình cũng đang “mệt gần chết”. Tự nhiên mình khựng lại, chẳng lẽ mình lại đổi cuộc sống tự do, thoải mái, muốn làm gì thì làm để lấy một cuộc hôn nhân với người chồng tuổi nhiều mà không lớn? Mình sợ mình làm không nổi vai trò một nàng dâu, một người vợ trong gia đình này. Sau hai ngày ẩn giật trong phòng và mấy cuộc điện thoại tư vấn người quen, mình quyết định rút lui khi còn chưa muộn.
Và… vì người yêu cổ hủ, phong kiến
Hoài Thu không phải là trường hợp đặc biệt của những người hủy hôn vì những mâu thuẫn khó hòa giải trước đám cưới. Thu Oanh ở Bình Chánh cũng đã chụp xong ảnh cưới, đã gửi thiệp mời, đã đưa thông tin về đám cưới trên facebook. Cứ tưởng chỉ chờ ngày mặc áo cưới, trao nhẫn là thành vợ thành chồng. Nhưng một lần đi chơi chỉ có hai người, chồng chưa cưới tuyên bố: “Lấy vợ là phải vợ trinh trắng. Anh thà ăn cơm nguội cả đời còn hơn là “dùng đồ thừa” của thằng khác”. Rồi như để chứng minh cho quan điểm của mình là đúng đắn, anh ấy chỉ vào bài báo về vụ “cô dâu bị trả vì mất trinh” và đắc chí: “phải thế chứ!”. Những câu nói của chồng chưa cưới khiến cho Thu Oanh cảm thấy đầu óc quay cuồng. Chỉ hình dung ra sự cổ hủ và phong kiến của anh ấy đã khiến cho Oanh hoang mang lo sợ. Cô vốn là người con gái hiền lành, nghiêm túc nhưng cũng đã trải qua một vài mối tình tưởng chừng đã đi đến hôn nhân. Cô sợ phải hứng chịu những sự phản ứng dữ dội từ người chồng sắp cưới của mình. Thà hủy hôn còn hơn chờ đến khi anh ta bắt đầu chuyện bé xé ra to. Vậy là cô lấy cớ mình bị bệnh khó chữa và trả lại tự do cho chồng chưa cưới. Cô thông báo với mọi người là cô sợ anh ấy sẽ khổ. Cô chỉ muốn sống một mình.
Quyết định cưới, thành vợ thành chồng là một quyết định rất khó khăn. Yêu lâu quá thì “nhàm” và mới yêu thì sợ vội vàng chưa kịp tìm hiểu. Có nhiều người vì đã “trót yêu” thì đành phải cưới. Có nhiều người cưới chỉ vì để tránh cuộc sống độc thân. Có nhiều người bước vào cuộc sống hôn nhân vô tư như một lẽ tự nhiên. Nhưng cũng có nhiều người phải vượt qua mọi trở ngại, vất vả để đến được ngày “của nhau”.
Hủy hôn là một điều rất khó quyết định với mỗi người. Nếu đã quyết định họ phải dũng cảm để vượt qua chính bản thân mình (cho dù quyết định đó có khiến họ cảm thấy nhẹ nhàng thì cũng không hẳn là không có đau khổ); vượt qua áp lực từ những người trong gia đình, rồi “lời ong tiếng ve”, dị nghị, đàm tiếu của những người xung quanh. Nhưng tình cảm luôn là phạm trù không thể nói trước được điều gì. Nếu linh cảm về những điều bất ổn đang chờ mình trong cuộc hôn nhân, cô dâu chủ động hủy hôn để đảm bảo cho tương lai của mình cũng là điều dễ hiểu, cần được cảm thông và chấp nhận. Mọi người xung quanh, đặc biệt là gia đình, bạn bè thân cần ở cạnh động viên, an ủi để giúp cô dâu vượt giai đoạn phải đưa ra quyết định khó khăn. Đánh giá, nhận xét của người bên ngoài có khi chỉ là ý kiến tham khảo còn việc quyết định hạnh phúc của bản thân thì phụ thuộc vào trực giác, lý trí, tính cách, hoàn cảnh cụ thể của mỗi cô dâu. Không thể lấy kinh nghiệm của trường hợp này áp dụng cho trường hợp khác.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ