Ở một số nơi trên thế giới, nếu muốn kết hôn, đôi uyên ương phải có giấy chứng nhận sức khỏe để đảm bảo cho cuộc sống vợ chồng. Ở Việt Nam, việc khám sức khỏe dường như chưa được nhiều người quan tâm và cho rằng không quan trọng. Cảm giác ngại ngùng này thường được bắt gặp ở phần lớn các cặp đôi, từ cả phía cô dâu và chú rể tương lai: “Tự dưng dắt nhau vào bệnh viện khám ngại lắm”, “Quá khứ sống lành mạnh không có gì phải lo”, “Kêu bạn gái đi khám sức khỏe, cô ấy nghĩ mình nghi ngờ cô ấy thì mệt”… Đa số các bạn trẻ khi được người bạn đời tương lai đề nghị khám sức khỏe tiền hôn nhân lại cho rằng đó là một phép thử, hay sự không tin tưởng ở đối phương. Tuy nhiên theo lời khuyên của các chuyên gia, cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân vì chúng mang lại rất nhiều lợi ích.
Vì sao bạn nên khám sức khỏe tiền hôn nhân?
Một người có bề ngoài mạnh khỏe vẫn có thể đang mắc một căn bệnh mãn tính hay tiềm ẩn những vấn đề về sức khỏe như suy thận, u nang buồng trứng, tinh trùng yếu... Tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp cô dâu chú rể loại trừ được các thiếu sót, phòng tránh bệnh tật, tránh những trường hợp phát hiện quá muộn về những căn bệnh di truyền có thể truyền nhiễm sang em bé, hoặc vô sinh. Ngoài ra, biết rõ sức khỏe toàn diện của nhau cả hai để thấu hiểu, chăm sóc nhau tốt hơn, có kế hoạch sinh em bé hợp lý, và trên hết, tất cả là để bảo vệ hạnh phúc gia đình nhỏ của mình. Những vấn đề được phát hiện sớm nhất sẽ được bác sĩ tư vấn cho những biện pháp phòng ngừa, hay thay đổi lối sống để duy trì cuộc hôn nhân khỏe mạnh, hạnh phúc.
Khi nào thích hợp để khám sức khỏe?
Trước khi cưới khoảng 6 tháng, 2 bạn nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nếu phát hiện bệnh, cả hai sẽ cùng có thời gian để điều trị dứt điểm trước khi tiến hành đám cưới và có thể có em bé ngay sau khi kết hôn. Ngoài ra, nếu bạn dự định sinh em bé ngay sau đám cưới, cô dâu tương lai sẽ phải tiêm ngừa một số loại bệnh trước 6 tháng để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi. Như vậy, bạn nên kết hợp tiêm ngay trong quá trình khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Các kiểm tra cần thiết
Các vấn đề cần kiểm tra bao gồm: những bệnh di truyền trong gia đình, bệnh truyền nhiễm, khả năng sinh sản và tương thích về nhóm máu.
- Tầm soát bệnh di truyền: Bệnh di truyền từ bố mẹ sang con cái, có thể không biểu hiện rõ ràng về thể chất hoặc chưa biểu hiện trong giai đoạn hiện tại. Tầm soát về các bệnh di truyền có thể tránh được sự truyền nhiễm cho em bé sau này, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra mà không biết. Các bệnh di truyền phổ biến như tâm thần, các bệnh liên quan đến máu như ung thư máu, bệnh đái tháo đường…
- Tầm soát bệnh truyền nhiễm: Bao gồm các bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có HIV. Rất nhiều bạn trẻ vì coi thường việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, lại quá tin tưởng người yêu, nên không ít trường hợp sau khi kết hôn mới phát hiện mình đã lây nhiễm bệnh cho vợ/chồng. Việc xét nghiệm máu có thể cho kết quả chính xác về các loại bệnh này.
- Tầm soát vô sinh: Con cái đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống hôn nhân của bất kỳ đôi vợ chồng nào, dường như, đây là vấn đề quan tâm nhất của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Không thể phủ nhận rằng, xã hội hiện tại với môi trường ô nhiễm, lối sống cẩu thả của các bạn trẻ ngày nay đã làm con số mắc chứng vô sinh, hay không có khả năng thụ thai… tăng lên nhiều lần. Vì vậy kiểm tra sớm giúp 2 bạn có phương pháp điều trị kịp thời.
Kiểm tra ban đầu bao gồm phân tích hormone và tinh dịch giúp sàng lọc vô sinh.
- Sàng lọc không tương thích nhóm máu: Khoảng 85% người bình thường mang RH dương tính (Rh+) trong máu. Nếu phụ nữ mang Rh âm tính (Rh-) kết hôn với người đàn ông mang Rh+ và thai nhi trong bụng mang Rh+, cơ thể có thể sản sinh ra kháng thể Rh chống lại máu của bé. Vì vậy, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp bạn tránh được những nguy cơ sẩy thai, thai ngoài tử cung và giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh bằng cách tiêm miễn dịch.
Quá trình khám sức khỏe trước khi kết hôn
Việc kiểm tra sức khỏe cho những đôi vợ chồng tương lai thường bao gồm:
- Hỏi tiền sử bệnh lý bản thân, gia đình.
- Khám nội tổng quát (đo chiều cao, cân nặng, dấu hiệu sinh tồn, khám tim mạch, hô hấp, tiêu hóa).
- Siêu âm ổ bụng tổng quát: gan, mật, lách, tụy, thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt với nam và phụ khoa với nữ.
- Siêu âm tuyến vú (đối với nữ).
- Soi tươi dịch âm đạo (đối với nữ).
- Khám nam khoa.
- Xét nghiệm tinh dịch đồ (đối với nam).
- Xét nghiệm nhóm máu.
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.
- Xét nghiệm đường huyết.
- Mỡ máu.
- Kiểm tra chức năng gan và thận.
- Tổng phân tích nước tiểu.
- Kiểm tra huyết thanh nhằm phát hiện các bệnh hoa liễu, viêm gan B, HIV, bệnh rubella ở phụ nữ.
- Kiểm tra hormone sinh dục: estrogen, FSH, LH, progesterone ở nữ, testosterone ở nam.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân ở đâu?
Tại các bệnh viện phụ sản đều có dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân dành cho các đôi uyên ương sắp cưới. Bạn có thể tới một trong những địa chỉ sau để được tư vấn cụ thể:
* Khám sức khỏe tiền hôn nhân tại TP.HCM:
- Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ
- Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM
- Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn
- Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương
- Khoa Phụ sản bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM
* Khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Hà Nội:
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Bệnh viên C)
- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Chỉ có sự quan tâm đúng đắn đến sức khỏe của cả hai trước và sau ngày trọng đại mới có thể vun đắp một hạnh phúc trọn vẹn, đầy tin yêu và cảm thông. Vì vậy, song song với việc lên kế hoạch cưới, bạn còn nên sắp xếp thời gian để kiểm tra sức khỏe cho cả hai. Đặc biệt, suy nghĩ kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân là phép thử và sẽ không có đám cưới nếu có vấn đề xảy ra là hoàn toàn sai lầm. Đây là việc làm hoàn toàn khoa học, văn minh, mang ý nghĩa để chuẩn bị cho cuộc sống mới. Trong trường hợp phát hiện những vấn đề về sức khỏe, bạn cũng không nên rơi vào trạng thái bi quan, mà đó là biết để yêu thương và thông cảm với nhau hơn, cùng nhau vượt qua khó khăn.