Thanh toán

Khám sức khỏe trước hôn nhân không phải là “phép thử”

Đăng bởi Marry Doe - 04/12/2017   |   Lượt xem: 788

“Em bị thần kinh à? Sao mà phải đi khám? Hay lại định “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng chồng” đấy?”, Quang phản ứng ngay khi Dung đề cập chuyện đi khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Những “barie” tự tạo

Thùy Dung năm nay 27 tuổi, quê ở quận Lê Chân, Hải Phòng. Yêu nhau 2 năm, cô mới “chậc lưỡi” đồng ý cưới với điều kiện: Anh và em cùng đi khám sức khỏe mới cưới.

Đang hớn hở nói cười vì thoát cảnh “ế vợ”, Quang như bị dội gáo nước lạnh vào lòng tự ái, anh gào lên: Em bị thần kinh à? Sao mà phải đi khám? Hay lại định “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng chồng” đấy”? Rồi không để Dung giải thích, Quang hùng hổ dắt xe ra khỏi nhà trọ của vợ sắp cưới, không quên ném lại lời chì chiết: Thế này thì phải xem lại chuyện cưới xin!

Nói chuyện khám sức khỏe tiền hôn nhân, vợ chồng chị Nhung, anh Tiến (ở Đống Đa, Hà Nội) lại thở dài thườn thượt. Số là trước khi cưới, biết em trai ruột bố vợ có vấn đề về tâm thần, anh đã đề nghị “hai vị nhạc gia” cho đưa vợ đi khám sức khỏe. Ai dè vừa mới đề xuất, bố vợ trợn mắt quát tháo: Anh cậy thế trai Hà Nội, hiểu biết nhiều, về đe dân quê phải không? Anh sợ con cái anh di truyền tâm thần nhà này nên mới bắt vợ đi khám chứ gì?. “Vậy là đùng đùng ông đuổi mình ra khỏi nhà...”, anh Tiến buồn bã tâm sự.

Còn với Thanh Thủy (Thanh Liêm, Hà Nam) thì lại khác. Sắp cưới lúc tuổi “đầu băm” cập kề nên khi người yêu đề cập chuyện cưới, chị đồng ý ngay tắp lự vì chị đang rất muốn có em bé. Thế nhưng khi anh bảo chị đi khám sức khỏe, tiêm phòng trước khi có em bé, chị cãi ngay: “Đẻ xong rồi tiêm cũng được. Tiêm rồi phải “kiêng”, nhỡ lúc mình muốn có lại không thấy đâu thì sao?”. Phải đến khi được giải thích: Nhỡ khi chị mang bầu, lại dính rubella mấy tháng đầu thai kỳ, con có nguy cơ cao bị khuyết tật, dị dạng bẩm sinh…lúc đó chuyện giữ con cũng khó, Thanh Thủy mới nghĩ lại và đồng ý đi tiêm phòng.

Hướng tới hôn nhân an toàn

Theo Ths Mã Ngọc Thể, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Tân Trí Việt: Hiện nay một số nước trên thế giới, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là bắt buộc. Thậm chí ở nhiều nơi, để có thể đăng ký kết hôn, đôi bạn trẻ phải có chứng chỉ chứng nhận đã học lớp tiền hôn nhân và khám sức khỏe. Nhưng ở Việt Nam, điều này chưa phổ biến.

BS Nguyễn Bá Tân, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Nghệ An, chia sẻ: Đôi uyên ương nên có kế hoạch khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đám cưới diễn ra khoảng 3 - 6 tháng. Đặc biệt, đối với những đôi uyên ương có thời gian tìm hiểu, yêu nhau ngắn, cô dâu chú rể tương lai cần nên chú ý tiến hành khám bệnh kỹ lưỡng. 

Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm có: Xem xét tiền sử bệnh của hai bên, có bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền (hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu Thallasemia…), bệnh truyền nhiễm, các quan hệ huyết thống, bệnh sử gia đình. Và kiểm tra các sức khỏe chung, thăm khám cơ quan sinh dục ngoài và trong, tình trạng kinh nguyệt, xuất tinh… Ngoài ra, bạn cũng cần khám để phát hiện trước những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV/AIDS.

Ngoài ra, nếu dự định sinh em bé thì bạn gái sẽ phải tiêm một số thuốc để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi và phải tiêm trước khi có thai khoảng từ 3-6 tháng. Như vậy, nên kết hợp tiêm ngay trong quá trình khám sức khỏe tiền hôn nhân để nếu có bệnh, sẽ chữa trị kịp thời. Thậm chí, bác sĩ có thể đề nghị hoãn kết hôn hay có biện pháp phòng tránh thai.

Theo Ths. Bs Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh Thanh Hóa, hiện nay có hai loại hình tiêm chủng với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thứ nhất là tiêm chủng miễn phí phòng uốn ván sơ sinh dành cho hai đối tượng là phụ nữ mang thai và phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ trong vùng có nguy cơ mắc uốn ván cao. Phụ nữ mang thai tiêm 2 mũi, mũi 1 có thể tiêm từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 8, mũi thứ 2 cách mũi 1 một tháng, tiêm trước khi sinh 15 ngày vẫn có hiệu quả.

Loại hình thứ hai là tiêm dịch vụ dành cho những người có nhu cầu. Thông thường phụ nữ trước khi mang thai nên đi tiêm phòng cúm, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viên gan A, B, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não... Để tiêm phòng trước khi mang thai, chị em có thể đến các cơ sở y tế quận, huyện, các trung tâm tiêm chủng… Các cán bộ y tế sẽ khuyên chị em nên tiêm vaccine cúm, mũi 3 trong 1, thủy đậu. Trong đó, vaccine cúm tiêm mỗi năm một lần, có thể giảm được ít nhất 70% nguy cơ bị mắc cúm trong thời gian mang thai. Mũi 3 trong 1 chỉ cần tiêm một lần cho cả đời. Còn với người nếu chắc chắn đã bị thủy đậu thì không cần tiêm vaccine này nữa.

Tại các bệnh viện phụ sản, các trung tâm y tế các quận, huyện, trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đều có dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân và tiêm phòng trước khi mang thai. 
 

Thuyết phục sao cho khéo?


“Quan trọng nhất trong việc thuyết phục đối phương đi khám sức khỏe tiền hôn nhân là sự đồng thuận. Nếu đối phương chưa ý thức được tầm quan trọng của điều này, bạn gái/bạn trai cần “dự phòng” bằng cách liên tục cập nhật, chia sẻ thông tin (vì sao phải đi khám, hậu quả nếu không khám bằng dẫn chứng cụ thể…) để đối phương có hiểu biết và chuyển đổi dần hành vi, tránh ra lệnh hoặc “tối hậu thư”, sẽ có tác dụng ngược”, Ths. Mã Ngọc Thể - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Tân Trí Việt cho hay.

(Theo Giadinh.net)

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào