Kể từ khi “người đàn bà đẹp” Julia Roberts “ôm váy chạy lấy người” trong bộ phim chick-flick kinh điển Run-away Bride, người ta đã quen với một cụm từ “cô dâu chạy trốn”. Nhưng người viết bài này thì lại được chứng kiến ít nhất 3 lần một “hiện tượng” hoàn toàn khác, ấy là: CHÚ RỂ CHẠY TRỐN.
Tiếng Anh có một từ dùng để chỉ hiện tượng này, đó là
cold-feet. Nếu dịch nguyên nghĩa đen là “cóng chân”, và từ này được giải thích là “sợ hãi, trù trừ trước việc phải kết thúc một hành động nào đó”. Vậy có những kiểu “cóng chân” nào thường thấy ở chú rể?
"Nghĩ đến tương lai trào nước mắt"
Trong bộ phim thành công nhất nhì năm 2009, Up in the air, có một phân đoạn khá kịch tính và ý nghĩa. Đó là Jim, “em rể tương lai” của nhân vật chính – Ryan Bingham, đột nhiên đóng cửa phòng trốn ru rú ngay trước lúc diễn ra lễ thành hôn.
Mới buổi tối trước đó thôi, trong buổi diễn tập tiền đám cưới, người ta còn thấy Jim tràn trề hạnh phúc, hào hứng với những kế hoạch tương lai cùng người vợ yêu, thì lúc này đây, Jim chỉ còn là một anh chàng xù lông nhím vì sợ hãi, bạc nhược, và nhất quyết không chịu cùng người yêu bước vào thánh đường, trao lời thề nguyện vợ chồng.
Giải thích cho tâm trạng bất thường của mình, Jim giãi bày rằng anh đã thao thức cả một đêm trước đám cưới, bỗng nhiên thấy mọi thứ… vô định. Lấy vợ, rồi hai người sẽ có con, anh sẽ phải quần quật kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con, duy trì cuộc sống, rồi con lớn lên, đi học, dựng vợ gả chồng, anh ta sẽ “béo bệu”, già nua, nhăn nheo, xấu xí. Jim nói, anh thấy cuộc đời mình vô vị quá, cuối cùng, tất cả những trách nhiệm mà anh phải gách vác khi lấy vợ, sinh con là gì đây. Ý nghĩa cuộc đời anh là gì đây?...
Có lẽ, đây không chỉ là thứ tâm trạng mang tính “hư cấu” kiểu thuần phim ảnh, mà là nỗi lòng chung của không ít chú rể?
"Nhìn về quá khứ toát mồ hôi"
Còn T., một anh chàng đã tam thập nhi lập, cũng “nỉ non kén chọn” và khước từ tới dăm bảy mối trước khi đến với cô vợ trẻ hơn mình tới 5 tuổi, lại có tâm trạng khác.
“Lỡ” vượt ranh giới, đôi trẻ phải cưới vội vì sợ đứa con trong bụng lớn quá, hai bên bố mẹ thúc ép. T. không hề trốn tránh trách nhiệm, xắn tay vào lo lắng từ nhà cửa, đồ dùng vật dụng, trang trải đám cưới, thậm chí cả những thứ chuẩn bị cho… cậu con trai tương lai. Nhưng trước đám cưới chừng 1 tuần thì tâm tính của “chàng” khác hẳn…
Chàng u uất, chán nản và cáu gắt với cô dâu vốn cũng đang “yếu ớt” vì bụng mang dạ chửa. Lý do đưa ra là chàng đã quá mù quáng, gây “hậu quả nghiêm trọng” nên giờ phải trả giá bằng cách cưới một người mà chàng không thực sự yêu và muốn gắn bó cả cuộc đời. Và rằng, biết thế, chàng đã cưới em A, em B, em C nào đó từ ngày xửa ngày xưa chứ chẳng mất công nâng lên đặt xuống để rồi cuối cùng lại phải lấy người không ưng ý cho lắm như thế này.
Và hiện tượng “cưới chạy” trong tâm trạng nuối tiếc này có vẻ còn phổ biến hơn nữa!
Và một ngàn lẻ một lý do khác...
“Vì đàn ông vốn giàu tình cảm, giờ đứng trước việc phải cưới và gắn bó với duy nhất một người nên… thấy sợ hãi đó mà!” – Một chú-rể-tương-lai đã phát biểu như vậy khi được hỏi “Tại sao… đàn ông lại “cóng chân” trước ngày cưới?”
“Vì… bỗng nhiên thấy mình chưa đủ chín chắn để gánh vác cả một cuộc đời khác, cả một gia đình nhỏ.” Vân vân và vân vân, kính thưa các loại nguyên nhân…
Có lẽ mỗi chú rể có ý định “chạy trốn” đều tìm được cho bản thân một lý do nào đó! Khổ một nỗi, nghe ra rất nan giải và… đáng thương! Chỉ tội cho các cô dâu, đã ngổn ngang trăm mối tơ vò vì sắp phải nâng khăn sửa túi cho một người, sắp phải đi làm vợ, làm dâu, giờ lại phải loay hoay tìm cách “gỡ rối tơ lòng” cho người-đàn-ông vốn sắp trở thành trụ cột suốt cuộc đời cả về tinh thần và vật chất cho nàng…
Tạm tìm một cách "dỗ dành"
Cũng trong bộ phim Up in the air, Ryan Bingham đã trò chuyện để kéo chàng rể Jim về lại với cô dâu.
Ryan nói, Jim thấy sợ hãi tương lai bởi đêm trước đám cưới, Jim đã phải một mình đối mặt với bóng tối, với những suy nghĩ nặng nề và u ám về quãng đời trước mặt.
Hôn nhân là một cái “gánh” đặt lên vai người đàn ông. Nhưng anh ta cưới vợ, là để cái gánh cuộc đời anh có một người san sẻ, những vui buồn của cuộc đời phía trước anh ta không phải tự chịu đựng và vượt qua một mình, mà từ bây giờ, bên cạnh anh ta đã có một người yêu thương, thấu hiểu, sẵn sàng hi sinh và chia sẻ…
Có lẽ vì thế, mà ngạn ngữ phương Tây mới có câu “Two is better than one” (Hai luôn tốt hơn một) và Air Supply thì hân hoan với một ca khúc Two less lonely people in the world (Thế gian này bớt đi hai con người cô độc).
Nhưng đó cũng chỉ là một cách giải quyết điển hình phim ảnh. Còn bạn, cô dâu tương lai, sẽ xử lý thế nào nếu như chú rể của bạn có bỗng nhiên… muốn chạy trốn? Còn bạn, chú rể tương lai, sẽ tự đối mặt ra sao với một nửa “gã trai” yếu ớt và muốn buông tay từ bỏ, ngay trước ngày trọng đại trong đời?