Ít ai nói về nỗi niềm của đàn ông trong chuyện cưới hỏi cũng như trong hôn nhân. Loạt bài viết này sẽ nói cho phái nữ nghe về những điều mà một nửa của mình ấp ủ.
Đàn ông sợ nhất là bị so sánh.
Trần Ngật, một tác gia nổi tiếng Trung Quốc, đại diện cho ngòi bút mới của nữ giới, có viết thế này trong bài báo năm 2005 của mình
“Đàn bà càng giỏi thì đàn ông càng khổ. Khi ấy đàn ông không những phải giỏi hơn người đàn bà của mình mà còn phải giỏi hơn tất cả những người đàn ông xung quanh cô ấy” . Làm đàn ông cũng khổ, họ có những nỗi niềm và áp lực rất riêng mà không phải người phụ nữ tinh ý nào cũng có thể nhận ra, những điều đó có thể chi phối hạnh phúc của một tình yêu hay một cuộc hôn nhân
Đàn ông sợ gì nhất? Sợ đánh mất sĩ diện của mình?
Không khó để nhận ra điều này. Với đàn ông, hai điều quý giá nhất tạo nên khí chất và con người phong độ hàng ngày chính là nhờ
“sự tự tin” và “bản lĩnh”, cái mà người đời thường gọi nôm na là “sĩ
diện đàn ông”. Chữ “sĩ” này đi theo họ một đời. Có ai đó khi chạm vào sĩ diện chính là chạm vào bản lĩnh của họ. Phong độ, khí khái hiên ngang của một người đàn ông từ đây mà ra.
Mất nó nghĩa là mất đi sự tự tin, sự khẳng khái và tính đàn ông. Vì thế nếu là người bạn đời đồng hành cùng họ trong cuộc sống, bạn cũng cần biết cách trân trọng điều này.
Nhưng hình như việc này không dễ.
Cơ bản đàn ông và đàn bà khác xa nhau, đến với nhau, cuốn hút nhau vì những khác biệt mà không đến được với nhau cũng là vì những khác biệt này.
Khi phụ nữ dùng sự bày tỏ và bộc bạch để trút hết phiền muộn ra ngoài, thì đàn ông không làm được như thế. Thường họ sẽ giữ trong lòng, nén lại bằng những tiếng thở dài và những cái nhìn đăm chiêu vô nghĩa.
Phụ nữ thường ghen tị với người khác vì những tiểu tiết nhỏ nhặt, trong khi đàn ông lại đem chữ “sĩ” và bản lĩnh nam nhi ra làm thước đo cho giá trị của mình. Và vì thế phụ nữ hay có tâm lý so sánh cái này với cái khác. Đặc biệt là so sánh cái mình đang có với cái của người khác. Bộ quần áo mình đang mặc đây có đẹp bằng bộ của người kia không? Ngôi nhà mình đang ở có bằng nhà nọ không? Và kết luận rút ra thường là cái ta có không bằng cái của thiên hạ. Tại sao vậy? Bởi vì bất cứ cái gì quen thuộc với mình lâu ngày, lặp đi lặp lại nhiều lần cũng trở nên nhàm chán. Đó là một trong những quy luật bất khả kháng của tâm lý học.
Điều khiến một người đàn ông ngán ngẩm nhất, trong tình yêu và cả
trong thế giới hôn nhân chính là ở những so đo tị hiềm rất “đàn bà”
này.
Anh: Em có thích chiếc nhẫn anh tặng không?
Em: Vâng em thích lắm ạ!... Nhưng mà anh này… cô bạn cùng phòng với
em cũng vừa đính hôn xong đấy, nhẫn của cô ấy kim cương long lanh, mà hình như lớn hơn cả cái kim cương anh đính trên cái nhẫn tặng em…
Nếu bạn là anh chàng ấy, bạn sẽ làm gì? Sẽ nghĩ gì? Có thể tình yêu là
mù quáng, có thể ngay thời điểm vấp phải câu nói ấy, anh ta sẽ vẫn đâm đầu vào và tiếp tục cuộc tình của mình. Nhưng thật ra là trái
tim và lòng tự ái đã bị tổn thương rồi.
Tình yêu hay hôn nhân không phải là một cuộc chạy đua. Hạnh phúc như một chồi non cần sự vun xới và chân thành, những tị hiềm nhỏ nhặt ấy có thể giết chết một mối tình và giết chết cả sĩ diện đàn ông của một con người. Đàn ông sợ nhất là điều này.
Phụ nữ lúc hai mươi tuổi có lẽ sẽ thường ghen tị với vận may và cơ hội của người khác. Lúc ba mươi tuổi (khác với những gì điềm tĩnh mà
Trang Hạ nói trong Đàn bà tuổi ba mươi của mình), có lẽ sẽ thường oán trách chồng mình sao không bằng chồng người ta.
Đến khi bốn mươi tuổi, có lẽ họ sẽ bắt đầu học được cách suy nghĩ “lấy lên được thì bỏ xuống được”, sẽ mang tâm trạng cảm kích tràn
đầy mà trân trọng từng sự yêu thương và những lời ấm áp. Mà thế thì hơi muộn, nên người phụ nữ thức thời là người biết cách quý
trọng người đàn ông mình yêu thương, sẽ không “ngồi núi này trông núi nọ”, cũng sẽ không nhìn thấy “cỏ nhà người xanh hơn cỏ nhà mình”.
Làm thế nào để trở thành người phụ nữ thức thời?
Nghĩ rằng đơn giản chỉ là cần những tấm chân tình, trong cả tình yêu, ngày cưới, và cuộc sống hôn nhân sau này. Và tuyệt đối đừng so sánh. Không có sự so sánh nào là không khập khiễng. Mỗi người là một bản ngã riêng, một hoa văn riêng và một tiếng nói riêng, mang người này so với người khác không phải là buồn cười và bất công lắm sao.
Và quan trọng hơn là cách thể hiện tấm chân tình và sự không so
sánh ấy, cũng phải hết sức tế nhị và thông minh.
Khi yêu nhau, đừng bao giờ nghĩ “Yêu là phải nhận gì đó từ người mình yêu”. Nếu nghĩ thế thì chắc tiền bao giờ cũng mua được, và nếu nghĩ thế thì chắc bạn nên yêu một anh triệu phú, mới có thể mang đến một cuộc sống không ai bì kịp.
Khi yêu nhau, cũng đừng bao giờ thốt ra những câu đại loại như “Bó hoa anh tặng không đẹp bằng bó hoa của cô bạn phòng em”, hay “Em thích anh có cái áo giống như anh bạn em ngày trước”. Những câu nói ấy nghe rất đau lòng với người đàn ông.
Khi anh ấy cầu hôn, đừng bao giờ bông đùa rằng “Nhẫn kim cương này nhỏ nhỉ, em nghĩ nó phải to hơn thế cơ!”. Dù có là đùa giỡn nhưng bạn cũng đang chạm vào tự ái của người đàn ông mình yêu thương đấy.
Trong ngày cưới của mình, cũng đừng cau có và nặng nề, đừng so đo nhà hàng này lớn hơn nhà hàng kia, đám cưới mình phải to hơn đám cưới nọ. Hãy cùng nhau chung tay từng bước chuẩn bị cho ngày cưới của mình.
Có khi nào các cô dâu tự hỏi vì sao mình lại cảm thấy áp lực như vậy khi lên kế hoạch cưới không? Đơn giản vì bạn đang sống vì lời thị phi của người khác, bạn đang muốn đám cưới của mình rình rang cho nở mặt nở mày, mà không nghĩ cho cảm nhận của chính mình và cho người bạn đời của mình. Tinh ý và tế nhị thêm một tí nữa, bạn sẽ nhận ra “Ngày cưới chính là khởi đầu của hôn nhân. Ngày cưới cũng cần có sự chung tay, chân thành, và cuối cùng thì nó là của bạn thôi,
không phải của bất cứ ai khác”.
Cuộc sống gia đình về sau cũng thế, đừng bao giờ nhìn chồng mình ngồi cần mẫn thay bỉm cho con mà chắc lưỡi than “Số tôi sao khổ thế, lấy một anh chồng hiền lành như củ khoai, suốt ngày ngồi nhà, không
như chồng người lăn xả ra ngoài đời, lịch thiệp bảnh bao”. Bạn đã biết nói chữ “Chồng người” rồi đấy. Nhà mỗi người mỗi cảnh, trong
chăn mới biết chăn có rận, ai cũng có những “bề ngoài” muốn và cần cho người khác thấy. Đừng tự huyễn hoặc mình bởi những “bề ngoài” nông nỗi ấy. Có khi chính cái anh chồng lịch thiệp đỏm dáng kia, đi làm về, không nhìn vợ được một cái đã dông xe đi mất bù khú cùng bạn bè và những cô gái trẻ.
Các nghiên cứu tâm lý còn cho thấy, đàn ông có một số cái “huyệt” mà nếu người vợ nào dại dột đụng vào, đem nó ra so sánh với người khác thì họ sẽ phát điên lên ngay. Một trong những cái “huyệt” đó là chê bai “ khả năng đàn ông” của họ. Cho nên nếu ai muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình bằng cách nhanh và hiệu quả nhất thì cứ đem chồng hay vợ mình ra mà so sánh với bất cứ ai ta gặp ngoài đường.
Hôn nhân giống như một ngôi nhà, đừng nhìn từ nhà ra và nói rằng “Anh ơi, sao cỏ nhà kế bên xanh hơn cỏ nhà mình”.
Hãy trân trọng từng giây phút ở bên nhau, trân trọng như ngày đầu tiên người đàn ông đầy yêu thương này nắm lấy và hôn lên tay mình.
Bạn sẽ thấy người đàn ông quý trọng tự ái của họ cũng như quý trọng gia đình của họ vậy. Là người ở giữa, bạn cần khéo léo dung hòa,
bớt một ít so đo, tăng một ít lòng cảm kích, bớt một ít u tối, tăng một ít ánh sáng, giảm một chút kiêu ngạo, thêm một ít chân
thành. Bạn sẽ có một gia đình hạnh phúc mà trong đó ai cũng yêu thương nhau và thật sự hài lòng về người bạn đời của mình.
Marry.vn