Theo phong tục người Việt Nam, các uyên ương muốn tiến đến hôn nhân cần có đầy đủ những nghi thức lễ nghĩa, trong đó có lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi là một phần quan trọng không thể thiếu trước khi tổ chức đám cưới mà bất kỳ gia đình nào cũng cần có.
Cùng tham khảo những kinh nghiệm và nghi thức cho buổi lễ ăn hỏi dưới đây nhé!
1.Chuẩn bị trước buổi lễ ăn hỏi
Để chuẩn bị cho lễ ăn hỏi diễn ra thành công tốt đẹp, hai gia đình sẽ bàn bạc và thống nhất số lượng lễ tráp trong buổi gặp mặt thân tình giữa hai gia đình (lễ dạm ngõ). Thông thường số lượng tráp ở miền Bắc là lẻ, từ 3, 5, 7 đến 9, 11, 15 tráp tùy vào từng nhà. Ở miền Nam, tráp lại là số chẵn từ 4, 6, cho đến 10, 12 tráp. Trong tráp phải có lễ đen, là phong bì tiền nhà trai chuẩn bị để thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Số lượng phong bì lễ đen có thể tùy thuộc vào số lượng bàn thờ của nhà gái hoặc do nhà gái thách cưới.
Cả hai gia đình nhà trai và nhà gái đều nên chuẩn bị thật tốt cho buổi lễ ăn hỏi.
Cả hai gia đình, nhà trai và nhà gái đều phải chuẩn bị một đội ngũ nam thanh, nữ tú trẻ trung còn độc thân để bê tráp và đỡ tráp. Số lượng thanh niên của hai gia đình tương ứng với số lượng tráp.
Trước đó, vào ngày lễ dạm ngõ, cả hai gia đình thống nhất ngày giờ đẹp để làm lễ ăn hỏi tại nhà gái. Thông thường ngày giờ ăn hỏi sẽ do gia đình nhà trai quyết định, và nếu nhận được sự đồng thuận của nhà gái thì tới đúng ngày đã định, đoàn đại diện nhà trai sẽ lên đường tới nhà gái trao lễ vật. Để đảm bảo tới nhà gái đúng giờ, gia đình nhà trai cần tính toán thời gian đi lại cũng như các trở ngại trên đường. Tốt nhất nhà trai nên đi sớm trước giờ làm lễ khoảng 30 phút để tránh tắc đường và có thời gian chuẩn bị lễ vật cho tươm tất.
2.Thành phần tham gia lễ ăn hỏi
Nhà trai bao gồm: Chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình, bạn bè thân thiết và một số thanh niên chưa vợ bưng mâm quả (hoặc bê tráp). Thường thì người bê tráp cho nhà trai là nam. Số người bê tráp tương ứng với số tráp là số lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11 ở miền Bắc và 4, 6, 8 hoặc 10 ở miền Nam.
Nhà trai cần chuẩn bị những trang phục lịch sự cho bố chú rể hay các bác đóng thùng với quần âu, áo sơ mi. Các mẹ có thể mặc áo dài, đồ công sở nhằm thể sự tươm tất cũng như tôn trọng nhà gái. Chú rể mặc áo vest lịch sự cùng với đội ngũ bê tráp sẽ mặc áo dài truyền thống hoặc quần âu, áo sơ mi trắng đồng bộ.
Cô dâu, chú rể và đội bê tráp có thể mặc áo dài truyền thống trong buổi lễ ăn hỏi.
Nhà gái bao gồm: Cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình và một số bạn nữ còn độc thân để đón lễ ăn hỏi, số nữ đón lễ vật tương ứng với số nam bưng mâm. Cô dâu sẽ diện trang phục áo dài truyền thống cùng với đội ngũ bên tráp mặc áo dài màu đỏ, hồng ( chọn màu rực rỡ).
Tuy nhiên, trang phục của cô dâu chú rể sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình. Vì đây là lần đầu tiên cô dâu ra mắt họ hàng nhà trai, chính vì vậy bạn nên hỏi ý kiến chú rể về tính cách, phong tục của gia đình nhà trai sẽ tham dự buổi lễ ăn hỏi để lựa chọn trang phục phù hợp nhất.
3.Lễ vật ăn hỏi gồm những gì?
Lễ vật ăn hỏi chính là vật phẩm mà nhà trai mang đến nhà gái trong ngày đám hỏi để xin hỏi gả cưới hay đính hôn cho cặp uyên ương sắp cưới. Nó mang ý nghĩa như lễ vật cảm ơn của nhà trai cũng như sự ràng buộc về sự hứa gả con giữa hai bên gia đình. Lễ vật ăn hỏi được nhà trai chuẩn bị do sự thách cưới của nhà gái về số mâm lễ ăn hỏi hay số lượng lễ vật theo phong tục của nhà gái. Theo đó, ý nghĩa và những món lễ vật được giải thích như sau:
Lễ vật ăn hỏi tùy thuộc vào từng vùng miền, phong tục của từng địa phương
Lễ vật ăn hỏi trầu cau
Trầu cau được xem là lễ vật linh thiêng và là đồ lễ ăn hỏi không thể thiếu. Theo sự tích dân gian để lại thì lễ vật trầu cau tượng trưng cho tình yêu sắt son, mặn nồng của cặp uyên ương. Chính vì thế, tráp trầu cau được ví như lễ vật chính trong tất cả lễ vật ăn hỏi hay phong tục đám hỏi của các vùng miền.
Trầu cau được để nguyên một buồng cau, quả cau tròn trịa, đều quả. Khi mua cau, nhớ chọn buồng cau xanh tươi, được bẻ khéo léo (tránh dùng dao để cắt buồng cau vì lý do kiêng kị, tránh cho đôi uyên ương chia ly sau khi cưới).
Lá trầu không số lượng phụ thuộc theo buồng cau và cách trang trí. Tuy nhiên phải là số chẵn 80 lá hay 100 lá. Các lá to tròn, đều xanh không bị rách hay và vàng úa. Sau đó, nhà trai có thể tự sắp lễ ăn hỏi hoặc nhờ đơn vị dịch vụ chuyên sắp lễ ăn hỏi để kết mâm ăn hỏi cho đẹp. Các bạn để nguyên buồng cau và có thể sắp lễ kết hợp với lá vạn tuế kết hợp với lá trầu xếp bao quay cùng dây kim tuyến nhằm tạo thành mâm lễ trầu cau đẹp mắt. Nhiều gia đình tỉ mỉ hơn, còn dán thêm chữ song hỉ vào từng quả cau cho ý nghĩa và rực rỡ hơn.
Trầu câu là một trong những lế vật không thể thiếu trong lễ ăn hỏi của người Việt.
Lễ vật ăn hỏi rượu và thuốc lá
Lễ vật ăn hỏi rượu và thuốc lá mang ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo và thành kính mà con cháu đối với ông bà tổ tiên. Chính vì thế, lễ vật rượu thuốc cũng được xếp vào lễ vật ăn hỏi không thể thiếu. Cách sắp mâm lễ rượu thuốc khá đơn giản, ngoài việc đựng rượu thuốc song hành tạo thành hình thù đẹp, kết hợp với dây nơ, ruy băng và hoa tươi nhằm tạo nên vẻ đẹp sang trọng và tinh tế cho mâm lễ vật.
Rượu và thuốc lá thể hiện lòng hiếu thảo và thành kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên.
Tráp bánh ăn hỏi
Tráp bánh ăn hỏi bao gồm bánh cốm, bánh phu thê, bánh đậu xanh hay bánh trưng, bánh dầy. Đây chính là những lễ vật ăn hỏi không thể thiếu và thường đi có đôi có cặp như bánh cốm - bánh phu thê, bánh trưng- bánh dầy. Cặp bánh mặn ngọt kết hợp lại thường được cha ông gọi với tên gọi là cặp bánh âm dương nhằm thể hiện cho tắm lòng trong trắng sắt son của người phụ nữ với sự mạnh mẽ của người đàn ông. Nhằm chúc cho cặp uyên ương được hạnh phúc trọn đời.
Tráp bánh ăn hỏi thường được xếp theo kiểu hình tháp, Sau đó gắn nơ và dây ruy băng từ đỉnh thắp xuống. Ngoài ra, bạn có thể gắn nơ hoặc chữ song hỷ nhằm nhấn mạnh cho vẻ đẹp và sự tôn kính của lễ vật.
Tráp bánh ăn hỏi thường đi theo cặp, còn gọi là cặp bánh âm dương thể hiện tấm lòng son sắc của người phụ nữ với người đàn ông.
Lễ vật ăn hỏi chè – mứt sen
Chè trong lễ ăn hỏi chính là lễ vật mang ý kính trọng tượng trưng cho sự thảo hiếu của con cái với tổ tiên và là mâm lễ thể hiện tình cảm với anh em họ hàng. Trong khi đó, mứt sen chính là lễ vật ăn hỏi mang đậm ý nghĩa sum vầy ngày tết, đồng thời tượng trưng cho sự kết trái của cặp đôi. Cũng giống như tráp bánh, chè và mứt sen thường hay đóng thành hộp nên bạn cũng kết mâm theo hình tráp, trang trí thêm chữ song hỷ, gắn nơ ruy băng và sợi kim tuyết bao quanh bên ngoài.
Những lễ vật không thể thiếu trong buổi ăn hỏi
Lễ vật ăn hỏi hoa quả tươi
Hoa quả tươi chính là lễ vật không thể thiếu trong ngày đám hỏi. Lễ vật ăn hỏi này mang ý nghĩa tượng trưng cho trái ngọt đầu mùa với hoa thơm, quả ngọt nhằm chúc phúc cho các cặp đôi sớm có con cháu đầy đàn nhằm mang đến hạnh phúc sum vầy. Hiện nay, lễ ăn hỏi hoa quả thường được xếp hình rồng phượng vô cùng bắt mắt với ý nghĩa chúc phúc cho sự giàu sang, phú quý.
Lễ vật hoa quả tươi ngày càng được trang trí công phu, bắt mắt.
Lễ vật ăn hỏi khác
Ngoài các lễ vật ăn hỏi kể trên thì sính lễ ăn hỏi còn bao gồm có một số lễ vật ăn hỏi khác như lợn quay, xôi đỗ hoa mai hay bánh kem theo phong tục người miên trung và áo dài theo phong tục của miền nam. Mỗi lễ vật ăn hỏi này đều mang ý nghĩa khác nhau nhằm chúc cho các cặp đôi hạnh phúc, giàu sang.
Ngoài ra, lễ vật ăn hỏi còn tùy thuộc vào từng yếu tố kinh kế cũng như phong tục của mỗi vùng miền.
Ngoài ra, trong lễ vật của nhà trai đưa sang còn tùy thuộc vào yếu tố kinh tế cũng như phong tục của mỗi vùng. Như ở Hà Nội lợn sữa quay là một lễ vật không thể thiếu, nhưng ở Nghệ An và một số tỉnh miền Nam lại không có lễ vật này.
4.Màn chào hỏi và trao lễ vật giữa hai gia đình
Khi đã tới giờ đẹp, đoàn ăn hỏi nhà trai sắp xếp đội hình theo thứ bậc trong gia đình, đi đầu là ông bà, bố mẹ, chú rể, đội bê tráp và các thành viên liên quan khác.
Khi tới nhà gái, sau khi hai gia đình chào hỏi nhau, đoàn bê tráp nam sẽ trao lễ cho đội đỡ tráp nữ để đỡ mâm quả vào nhà. Đội bê tráp nam và đội bê tráp nữ sẽ trao phong bao lì xì, trả duyên cho nhau. Các phong bao này do hai nhà chuẩn bị, nhà trai sẽ chuẩn bị phong bao và đưa cho đội nam, nhà gái sẽ chuẩn bị số phong bao tương ứng đưa cho đội nữ. Số tiền trả duyên nên được hai nhà thống nhất trước.
Phong bao lì xì được tặng cho các bạn bê mâm quả để tránh bị "mất duyên". Đây chính là phong tục truyền thống đẹp của người Việt Nam.
5.Quy trình cuộc nói chuyện trong lễ ăn hỏi
Mời nước, giới thiệu thành phần tham dự lễ ăn hỏi
Sau khi trao tráp, gia đình hai nhà sẽ cùng ngồi uống nước, nói chuyện. Đầu tiên, gia đình nhà gái sẽ giới thiệu các đại diện trong buổi lễ. Để đáp lại, nhà trai cũng giới thiệu các đại diện của gia đình tham dự buổi lễ ăn hỏi. Sau đó, đại diện nhà trai sẽ đứng lên phát biểu lý do đến để hỏi cưới cô dâu cho chú rể và giới thiệu về các mâm quả (tráp) mà nhà trai mang đến. Đại diện họ nhà gái sẽ đứng lên cảm ơn và chấp nhận tráp ăn hỏi của nhà trai. Sau đó mẹ chú rể và mẹ cô dâu sẽ cùng nhau mở tráp. Cả hai gia đình sẽ cùng nhau trò chuyện và mời nước và bàn bạc về đám cưới của đôi uyên ương.
Mẹ chú rể và mẹ cô dâu sẽ cùng nhau mở tráp.
Cô dâu ra mắt hai gia đình
Sau khi nhận tráp của họ nhà trai, gia đình nhà gái cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu xuống chào hỏi gia đình nhà trai. Ở một số nơi, trước khi chú rể lên đón, cô dâu không được xuất hiện trong lễ ăn hỏi.
Sau khi chú rể lên đón cô dâu, cô dâu sẽ đi xuống và chào hỏi, rót nước mời gia đình chú rể và ngược lại chú rể cũng sẽ rót nước và mời gia đình cô dâu.
Thắp hương trên bàn thờ của nhà gái
Sau khi cô dâu ra mắt họ nhà trai, mẹ cô dâu sẽ lấy từ mâm ngũ quả một số vật phẩm và lễ đen để mang lên bàn thờ thắp hương cúng ông bà, tổ tiên. Bố mẹ cô dâu sẽ đưa cô dâu và chú rể lên thắp hương trên bàn thờ nhà gái để chú rể ra mắt ông bà, tổ tiên.
Cặp uyên ương sẽ cùng nhau thắp hương ông bà tổ tiên
Bàn bạc về lễ cưới
Sau khi cô dâu, chú rể cúng ông bà tổ tiên xong, bố mẹ hai bên gia đình sẽ thống nhất ngày giờ đón dâu và lễ cưới sẽ diễn ra. Trong khoảng thời gian hai bên gia đình đang bàn bạc tiệc cưới, cô dâu và chú rể mời nước quan khách và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người.
6.Nhà gái lại quả cho nhà trai
Sau khi lễ ăn hỏi kết thúc, nhà gái sẽ chia đồ lại quả cho nhà trai và trả lại các mâm tráp. Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ là khi chia đồ tuyệt đối không được dùng kéo cắt mà phải xé bằng tay, đồ lại quả phải là số chẵn (thông thường là 10 lễ vật) và khi nhà gái trả lại mâm tráp phải để ngửa nắp lên tuyệt đối không được đóng nắp lại. Khi nhà gái trao đồ lại quả cho nhà trai và nhà trai xin phép ra về.
Khi đã kết thúc lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ mời tất cả các thành viên có mặt cùng ở lại dùng bữa cơm thân mật. Trong trường hợp nhà trai ở xa, nhà gái cũng sẽ mời nhà trai ở lại dùng cơm luôn. Tuy nhiên việc này phải được thống nhất từ trước để nhà gái có kế hoạch đặt cỗ và chuẩn bị tiếp đón chu đáo.
Cả hai gia đình sẽ bàn bạc và thống nhất ngày cưới trong buổi lễ ăn hỏi
Thông thường, lễ ăn hỏi diễn ra trong khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Tuy nghi lễ không quá phức tạp nhưng đây được coi như lễ đính ước truyền thống không thể thiếu trong đám cưới Việt Nam, nên dù cô dâu chú rể hiện đại vẫn cần phải tuân thủ cũng như thực hiện đúng trình tự lễ ăn hỏi để đám cưới được diễn ra suôn sẻ.
7.Kinh nghiệm chuẩn bị cho lễ ăn hỏi tại nhà gái
Lễ ăn hỏi truyền thống và hiện đại đều diễn ra tại nhà gái. Do vậy, cô dâu và gia đình cần chú những điểm như sau để lễ ăn hỏi diễn ra tươm tất và thành công nhất nhé!
Sửa sang, trang trí lại nhà cửa
Để chuẩn bị cho lễ ăn hỏi của hai gia đình, nhà gái có thể sửa sang lại nhà cửa, dọn dẹp, sắp xếp lại nội thất sao cho gọn gàng và bắt mắt nhất. Đặc biệt, lễ ăn hỏi quan trọng hơn lễ dạm ngõ nên nhà gái nên trang trí nhà cửa, dựng rạp nhỏ để quan khách, bạn bè hai bên gia đình dùng trà, ăn bánh kẹo cho lịch sự.
Rạp cho lễ ăn hỏi hiện nay được các gia đình thuê các bên dịch vụ cưới hỏi chuẩn bị. Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể tự trang trí ở nhà. Cần chuẩn bị phông có ghi tên cô dâu chú rể, ngày ăn hỏi để chào đón nhà trai và làm đẹp khi chụp ảnh kỷ niệm. Với các gia đình cầu kỳ, nhà cô dâu có thể chuẩn bị một chiếc cổng hoa hoặc cổng bóng để không gian gia đình thêm đẹp. Các gia đình muốn giản tiện có thể chỉ treo dây kim tuyến, cầu hoa đơn giản.
Cần chuẩn bị phông có ghi tên cô dâu chú rể, ngày ăn hỏi để chào đón nhà trai và làm đẹp khi chụp ảnh kỷ niệm.
Với nhà gái chật, không đủ chỗ cho cả đoàn nhà trai và các thành viên trong gia đình ngồi tham dự lễ ăn hỏi, gia đình phải thuê bạt và dựng trước nhà để dành chỗ cho khách. Ngoài ra, cũng cần thuê bàn ghế đồng bộ để đặt mâm tráp nhà trai mang tới và làm chỗ tiếp khách. Toàn bộ cổng hoa, bạt, bàn ghế phải được vận chuyển, lắp đặt và sắp xếp hoàn thiện trong tối trước ngày ăn hỏi, không nên để tới sáng sớm ngày lễ chính mới làm, vì lúc đó có thể xảy ra sai sót không thể khắc phục.
Trên các bàn tiếp khách chú ý đặt các lẵng hoa nhỏ để trang trí trên bàn uống nước. Số lượng lẵng cũng nên tương ứng với số bàn để trên mỗi bàn đều có một lẵng hoa đẹp.
Trang trí lẵng hoa tươi ở bàn uống nước cho thêm lịch sự.
Ngoài việc dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc gọn gàng, thì bàn thờ gia tiên chính là vị trí quan trọng nhà gái cần sửa sang và chuẩn bị mâm ngũ quả đầy đủ nhằm mời tổ tiên về tham dự lễ ăn hỏi. Cùng với đó, chàng rể mới sẽ được thắp hương dâng lên bàn thờ tổ tiên, chính vì thế việc lau dọn bàn thờ tổ tiên là điều thực sự cần thiết.
Nhà cô dâu cần dọn dẹp , sắp xếp đồ vật sao cho gọn gàng nhất để đón gia đình chú rể
Chuẩn bị bánh kẹo, hoa quả, nước uống mời khách
Nhà gái nên chuẩn bị sẵntrái cây tươi gọt sẵn, bánh kẹo, hạt dưa để mời khách. Hoa quả mời khách nên được bày biện gọn gàng, đẹp đẽ để thể hiện sự tươm tất. Cùng với đó là nước trà được cô dâu pha sẵn để mời bố mẹ hai bên cùng những người lớn. Tất cả cần chuẩn bị trước giờ nhà trai đến nhằm tạo cuộc ăn hỏi hạnh phúc nhất.
Chuẩn bị sẵn chỗ để nhà trai để xe
Nếu nhà gái có sân vườn rộng thì việc này khá đơn giản. Tuy nhiên, nếu nhà gái ở khu tập thể hay diện tích hẹp thì cô gái cần báo với chàng trai địa điểm gửi xe gần nhà gái và tiện lợi nhất.
Chuẩn bị cơm đãi khách
Nhà gái nên chuẩn bị cỗ để đãi khách sau khi lễ ăn hỏi kết thúc. Thông thường, phần cỗ ăn hỏi của mỗi nhà trai nhà gái đều đặt và ăn riêng, nên số lượng cỗ sẽ căn cứ vào số lượng người trong từng đoàn của mỗi gia đình.
Chuẩn bị trang phục cho nhà gái
Bên cạnh việc chuẩn bị những nghi thức cho lễ ăn hỏi được hoàn hảo thì trang phục lễ ăn hỏi cũng là điều được gia đình nhà gái quan tâm. Trong lễ ăn hỏi, tốt nhất cô dâu nên mặc áo dài. Áo dài cô dâu trong ngày lễ ăn hỏi thường được may đo riêng để vừa vặn hoặc đi thuê. Áo dài cho cô dâu thường rất cầu kì, được đính đá, thêu thùa sang trọng. Cô dâu nên chuẩn bị tươm tất trang phục cho mình trước khoảng 1 tuần khi lễ ăn hỏi diễn ra.
Nhiều cô dâu lựa chọn áo dài đỏ cho lễ ăn hỏi.
Áo dài cho cô dâu ngày lễ ăn hỏi có thể chọn các màu sắc trang trọng, rực rỡ, thường là màu đỏ, hồng, cam, tím, trắng được cách điệu lịch sự. Tránh mặc áo dài quá hở hang, gợi cảm dễ khiến nhà trai có ấn tượng không tốt với cô dâu.
Cô dâu nên chọn cho mình 1 thợ trang điểm riêng để make up cho cô dâu xinh đẹp trong ngày ăn hỏi. Thông thường, hai người cần đẹp nhất trong lễ ăn hỏi chính là cô dâu và mẹ cô dâu. Mẹ cô dâu được trang điểm, làm tóc theo phong cách quý phái, sang trọng, tôn lên sự quyền quý của mẹ cô dâu. Thường mẹ cô dâu được mặc áo dài, trang trí đính đá, thêu thùa nổi bật.
Đội ngũ bê tráp của nhà gái được mặc áo dài đồng bộ tùy theo số tráp cần đỡ, trang điểm, làm tóc nhẹ nhàng. Tránh quá nổi bật hơn cô dâu. Bởi ngày ăn hỏi hay ngày cưới, cô dâu cần là người xinh đẹp nhất.
Trên đây là toàn bộ tất tần tật những kinh nghiệm giúp hai gia đình cô dâu và chú rể tổ chức thành công lễ ăn hỏi truyền thống. Sau lễ ăn hỏi này, là thời gian gia đình hai bên chuẩn bị cho lễ cưới trọng đại của đôi bạn trẻ. Rất hi vọng sẽ giúp các bạn có thêm kinh nghiệm, chuẩn bị chu toàn để có một ngày vui trọng đại đáng nhớ của đôi uyên ương.
St