Đăng bởi Marry Doe - 25/06/2014 | Lượt xem: 2200
Làm gì khi bố mẹ can thiệp quá nhiều vào đám cưới? Đó là vấn đề rắc rối mà nhiều đôi uyên ương sắp cưới ở Việt Nam hay gặp phải, bởi quan niệm "áo mặc sao qua khỏi đầu"
Ở Việt Nam, việc
tổ chức đám cưới của cô dâu chú rể thường bị chi phối nhiều bởi gia đình và họ hàng. Với quan niệm đám cưới là sự việc trọng đại của cả dòng họ, các bậc phụ huynh thường không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà đôi khi còn áp đặt cả ý muốn của mình vào đám cưới như: chọn địa điểm cưới,
trang phục cưới, khách mời đám cưới… Điều đó sẽ khiến các đôi uyên ương gặp nhiều khó khăn và trở ngại khi đám cưới là của mình nhưng mình lại không được toàn quyền quyết định.
Sẽ có một số đôi răm rắp nghe theo sự sắp xếp, và như vậy họ sẽ hoàn toàn không thể hưởng niềm vui trọn vẹn của ngày cưới vì không được tự quyết định theo ý muốn. Một số khác sẽ chống đối, dẫn đến gia đình lục đục hai bên trước ngày cưới làm ảnh hưởng đến
đám cưới và cả cuộc sống hôn nhân sau này.
Vậy cần phải làm sao khi cha mẹ chồng/vợ can dự quá nhiều vào việc chuẩn bị đám cưới?
1. Lắng nghe từ các cụ
Có thể các bạn không đồng tình với ý kiến đề xuất của các cụ, tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là phải lắng nghe. Dù sao đó cũng là cha mẹ, những người quan trọng trong cuộc sống hôn nhân sau này. Lắng nghe một cách chân thành để hiểu ý các cụ hơn trước khi quyết định có ý kiến khác. Kinh nghiệm từ người lớn tuổi cũng luôn có những giá trị riêng nếu chúng ta cần biết lắng nghe và vận dụng khéo léo.
2. Trao đổi thẳng thắn
Dù thích hay không thích, cô dâu chú rể cũng nên trao đổi thẳng thắn với phụ huynh trước khi đám cưới. Việc nói rõ ràng suy nghĩ của nhau sẽ giúp tránh những hiểu lầm không đáng có. Các bậc phụ huynh cũng sẽ hiểu hơn điều mong mỏi của các đôi uyên ương. Và dĩ nhiên, việc trao đổi phải dựa trên tinh thần góp ý, xây dựng và thái độ lễ phép, ôn hòa.
3. Xin thêm thời gian suy nghĩ, dàn xếp
Nếu xảy ra bất đồng về một vấn đề, một sự việc nào đó trong quá trình chuẩn bị đám cưới, các đôi uyên ương không nên tỏ thái độ gay gắt hay phản đối kịch liệt. Cách tốt nhất là nên kéo dài thời gian, hứa hẹn sẽ suy nghĩ thêm và tìm cách giải quyết ổn thỏa. Việc cho thêm thời gian sẽ giúp cả hai bên cùng bình tĩnh nhìn lại vấn đề. Đôi khi các vị phụ huynh sẽ xuôi lòng theo con cái sau khi có thời gian suy nghĩ lại.
4. Cười
Cười là hành động luôn cần có trong quá trình chuẩn bị đám cưới hay khi trao đổi cùng cha mẹ. Nụ cười sẽ giúp câu chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn và dễ chịu hơn cho những người đối thoại.
5. Tâm trạng
Trước khi quyết định gặp cha mẹ chồng/vợ để trao đổi về việc chuẩn bị đám cưới, các bạn cần chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng, tâm trạng được thả lỏng để giúp cuộc trao đổi diễn ra tốt đẹp. Tránh để tâm trạng bực bội, khó chịu trước khi bước vào buổi trao đổi, bởi điểu đó sẽ chi phối cảm xúc và suy nghĩ của bạn khiến bạn trở nên thiếu tỉnh táo.
6. Thỏa hiệp
Đôi khi bạn cũng cần có sự thỏa hiệp với các điều kiện được cha mẹ đưa ra để không mang tiếng cãi lại cha mẹ. Tuy nhiên điều này đòi hỏi một sự thỏa hiệp có chừng mực và biết cân nhắc.
7. Chia sẻ việc chuẩn bị đám cưới
Khéo kéo hơn một chút, bạn có thể cùng các bậc phụ huynh chia nhau công việc chuẩn bị cho đám cưới để họ không phải ngỡ ngàng hay có cảm giác bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài đám cưới của con cái. Điều này sẽ khiến phụ huynh cảm thấy rất vui lòng đấy!
IVY