Đăng bởi Marry Doe - 05/09/2017 | Lượt xem: 13065
Lễ dạm ngõ miền Trung có những nét khác biệt gì so với thủ tục buổi lễ này của các vùng, miền khác, có điều gì cần lưu ý để tránh những sơ xuất không đáng có? Hãy cùng Marry tìm hiểu nào!
Phong tục cưới hỏi ở miền Trung được biết đến với tinh thần "trọng lễ nghi, khi (khinh) tài vật". Việc cưới xin không quá quan trọng vật chất, tuy nhiên lại khá chi tiết trong phần lễ nghi. Vốn được coi là lần gặp mặt thân tình giữa hai gia đình, nên lễ dạm ngõ miền Trung có phần tinh giản, gọn hơn các vùng khác.
Lễ dạm ngõ miền Trung hay Lễ đi nói - Chạm ngõ
Lễ dạm ngõ miền Trung còn hay được gọi là lễ đi nói (lễ lại mặt), tùy theo quan niệm và nề nếp từng gia đình mà việc chuẩn bị cầu kỳ hay đơn giản. Cơ bản, buổi
lễ dạm ngõ là dịp chính thức cha mẹ hai bên gặp gỡ, chuyện trò để hợp thức hóa tình cảm của hai con nên phạm vi buổi lễ chỉ trong gia đình.
Nếu như lễ vật dạm ngõ theo phong tục miền Bắc phải có đôi trà, cặp rượu, trái cây, trầu cau... thì với lễ dạm ngõ miền Trung, nhà trai chỉ cần chuẩn bị khay trầu cau và một chai rượu đến nhà gái và đặt vấn đề hôn nhân cho đôi trẻ.'
Thơi gian tổ chức lễ dạm ngõ
Thời gian tổ chức lễ dạm ngõ cũng không bị gò bó theo quy tắc nào, thường thì hai gia đình sẽ thỏa thuận với nhau khoảng thời gian thuận tiện cho đôi bên, vốn hay rơi vào cuối tuần.
Đại diện nhà trai bao gồm cha mẹ chú rể, người đại diện gia đình (một người lớn tuổi trong gia đình, dòng họ có uy tín và được kính trọng), cùng người thân trong nhà. Với những gia đình ít người, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt thì chỉ cần một người lớn vốn có tiếng nói trong gia đình, đi cùng chú rể tương lai đến nhà gái là được.
Trong lễ dạm ngõ, người miền Trung không nặng về lễ vật nhưng trầu cau là món không thể thiếu
Lễ dạm ngõ nhà gái cần chuẩn bị gì?
Nhà gái cũng không cần phải chuẩn bị mọi thứ quá cầu kỳ, chỉ cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, chuẩn bị chút trà, bánh để tiếp nhà trai. Hiện nay, do các đôi trẻ đều được tự do tìm hiểu và yêu nhau, nên chính 2 bạn phải là cầu nối để giúp phụ huynh hai bên cảm thấy thoải mái, thân tình hơn. Trước khi lễ dạm ngõ diễn ra, mỗi người nên nói rõ một số quy tắc, nề nếp, thói quen của gia đình cho đối phương để khi người lớn hai nhà gặp mặt sẽ không ai bất ngờ, tránh những vấn đề không đáng có.
Tại buổi chạm ngõ, sau khi đại diện nhà trai trình bày lý do và đặt lời xin cưới, cha mẹ cô dâu sẽ nhận lễ và hướng dẫn 2 con thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên để báo cáo, cũng như xin phép được thực hiện việc trọng đại của đời người.
Cũng tại buổi gặp gỡ này, hai nhà sẽ trực tiếp bàn bạc đến các
thủ tục cho đám hỏi, đám cưới như thời gian, có các yêu cầu, thủ tục nào, số lượng lễ vật ra sao theo đúng nghi thức lễ cưới miền Trung...
Vốn được coi là bước đầu tiên trong nghi thức cưới hỏi, lễ dạm ngõ miền Trung dù đơn giản nhưng mang đậm giá trị tinh thần, là sự khởi đầu cho cuộc hôn nhân của đôi bạn trẻ sau này.
H. L