Thanh toán

“Lễ đen” tùy… nhưng không phải tùy

Đăng bởi Marry Doe - 10/03/2018   |   Lượt xem: 1541

Xưa kia, người ta thách cưới bằng con lợn béo, xôi vò, rượu tăm, buồng cau, tiền cheo nộp cho làng… thì ngày nay tất cả lễ vật được gói gọn gồm: Chè, cau, rượu, thuốc… và số lượng lễ vật 3 lễ, 5 lễ hay 7 lễ cũng tùy thuộc vào từng gia đình. Tuy nhiên, ngoài những mâm lễ vật đó thì không thể thiếu chiếc tráp nhỏ phủ vải nhung đựng khoản tiền gọi là “lễ đen”.

Cái gọi là “lễ đen” này nhiều lúc khiến gia đình cô dâu, chú rể dở khóc dở cười. Chị Nguyễn Thị Hường (SN 1993, Bắc Ninh) không khỏi ái ngại khi kể về tục thách cưới ở quê mình. Theo chị Hường, vùng quê Kinh Bắc luôn giữ gìn những phong tục hội hè, lễ Tết, cưới xin. Gia đình nào có con gái, con trai đến tuổi dựng vợ, gả chồng thì lo ngay ngáy vì đám cười có quá nhiều thủ tục.

Bi hài chuyện thách cưới: “Lễ đen” tùy... nhưng không phải tùy - Ảnh 1.

Lễ vật nhà trai đêm qua nhà gái.

“Dù gia đình tôi đã khá thoáng và không giữ nhiều hủ tục nhưng đám cưới vẫn phải diễn ra đầy đủ các bước: Nhà trai đến xin phép qua lại tìm hiểu, nhà gái hẹn ngày qua thăm nhà trai, dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới, lại mặt. Còn như ngày xưa phải làm theo đủ các bước nạp thái (sơ vấn), vấn danh (hỏi tuổi), nạp cát (nói vợ), nạp tệ (lễ hỏi), thỉnh kỳ (xin ngày) và thân nghinh (lễ cưới)”, chị Hường kể.

Cũng theo chia sẻ của chị Hường, lần nhà chồng tôi qua dạm ngõ, hai bên bố mẹ ngồi bàn bạc ngày cưới, giờ xin dâu, bao nhiêu tráp lễ, và “lễ đen” số lượng tiền là bao nhiều. Khi nhà trai hỏi về số tiền thách cưới nhà chị Hường bảo tùy bên nhà trai. Nói là vậy, nhưng “lễ đen” vẫn phải tuân theo lệ làng. Những gia đình khá giả, có của ăn của để thì thường “lễ đen” mang đến nhà gái khoảng 15 – 30 triệu đồng còn những gia đình kinh tế khó khăn thì cũng khoảng 5-10 triệu đồng.

“Nhà chồng tôi ở làng bên cạnh nên tục lệ thách cưới, lệ làng không còn lạ. Thế nhưng, hôm ăn hỏi, khi bố tôi mở tráp “lễ đen” ra thì bên trong có 3 chiếc phong bì đỏ, mỗi chiếc là 1 triệu đồng, tổng là 3 triệu”, chị Hường nói.

Không muốn con gái bị bẽ mặt, dân làng cười chê, đàm tiếu kiểu: “Con Hường nó chỉ có giá 3 triệu đồng”, “nhà đấy bán con rẻ thế, như cho không còn gì”, “như thế, thà chẳng gả con, bao nhiêu công sức nuôi ăn học”… bố chị Hường đã phải cho thêm tiền vào 3 chiếc phong bì, tổng là 30 triệu đồng.

“Hai bố con tôi vừa dấm dúi đút thêm tiền xong thì cũng là lúc tới màn mở lễ của nhà trai. Ông trưởng họ đại diện nhà gái là người mở và công bố với họ hàng từng mâm lễ có gì. Thật may, mọi chuyện diễn ra êm xuôi, chứ không gia đình tôi cũng không biết giấu mặt vào đâu”, chị Hường tâm sự.

Sau hôm ấy, bố chị Hường bực mình không hiểu nhà trai “chơi đểu” nhà gái hay do nhà trai tiếc tiền. Đến lúc ông bình tâm lại và hai bố con có ngồi lại nói chuyện với nhau.

“Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của bố tôi: “Bố mẹ nuôi con trưởng thành, nuôi con ăn học nên người không phải vì cái “lễ đen” lúc con đi lấy chồng. Đây là tục lệ của làng, nó như món quà để tỏ lòng cảm ơn từ nhà trai gửi đến nhà gái vì công sinh thành’”, nuôi dưỡng con dâu của họ. Số tiền này, bố mẹ cho con làm vốn về nhà chồng. Bố chỉ mong con có cuộc sống hạnh phúc, chị Hường trải lòng.

“Số tiền “lễ đen” đó, tôi giữ làm bí mật riêng của hai bố con. Sau lần nói chuyện đó, bố tôi cũng không nhắc đến nó bởi thấy cuộc sống của cô con gái hạnh phúc, có một cô công chúa kháu khỉnh, chồng tôi lại là người làm kinh tế giỏi”, chị Hường cười nói.

St

 

 

Bình luận

Viết Đánh Giá
C
“Bố mẹ nuôi con trưởng thành, nuôi con ăn học nên người không phải vì cái “lễ đen” lúc con đi lấy chồng. Đây là tục lệ của làng, nó như món quà để tỏ lòng cảm ơn từ nhà trai gửi đến nhà gái vì công sinh thành’” ♥