Đăng bởi Marry Doe - 24/08/2016 | Lượt xem: 4058
Nghi lễ gia tiên trong đám cưới chính là phong tục cưới hỏi truyền thống của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Nghi thức gia tiên trong đám cưới được thực hiện tại nhà trai và nhà gái.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống "tôn sư trọng đạo – thờ cúng tổ tiên” chính vì thế, nghi lễ gia tiên trong đám cưới là một trong những phong tục cưới hỏi truyền thống không thể bỏ qua. Tuy nhiên, cụ thể các nghi thức gồm những gì và được tiến hành cụ thể như thế nào thì không phải ai cũng biết rõ.
1. Ý nghĩa của nghi lễ gia tiên trong đám cưới:
Từ xưa đến nay, lễ gia tiên là một thủ tuc vô cùng quan trọng trong truyền thống cưới Việt Nam. Như một lời báo cáo trước tổ tiên về việc con cháu đi lấy chồng hoặc rước nàng dâu mới về nhà. Đây cũng chính là buổi lễ ra mắt gia đình hai họ của cặp đôi.
2. Trình tự nghi lễ gia tiên trong đám cưới như thế nào?
Trong ngày cưới, nghi thức này tiến hành ở cả lễ ăn hỏi và lễ cưới. Với đám hỏi, lễ gia tiên chỉ diễn ra tại nhà gái, khi đó cô dâu chú rể sẽ thắp hương ở bàn thờ nhà gái. Tới ngày cưới, lễ gia tiên sẽ tiến hành ở cả hai gia đình. Nghi thức gia tiên thường diễn ra cuối cùng, sau khi nhà trai và nhà gái đã thưa chuyện xong cũng như đồng ý về việc cưới hỏi.
Cụ thể, nghi lễ này sẽ được thực hiện ở nhà gái trước nhằm ra mắt chàng rể mới với tổ tiên nhà gái và cũng xem như lời ngỏ ý xin rước dâu của nhà trai đối với nhà gái. Sau đó, nghi thức gia tiên tại nhà trai chính là lời thông báo con dâu mới của dòng họ và cầu mong ông bà tổ tiên chúc phúc cho cặp vợ chồng mới cưới luôn hạnh phúc, thuận hòa. Nghi lễ gia tiên trong đám cưới sẽ bao gồm những nội dung chi tiết như sau:
Nghi lễ gia tiên tại gia đình nhà gái:
Trước khi cô dâu về nhà chồng, cả chú rể và cô dâu phải lên làm lễ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Nghi lễ gia tiên tại nhà gái diễn ra với những nội dung cụ thể như:
–
Thành phần tham gia bao gồm: Bố mẹ cô dâu cùng trưởng đại diện họ nhà gái cùng cô dâu và chú rể.
– Lễ vật thắp hương: Nhà trai phải chuẩn bị trầu cau để xin dâu, đồng thời cũng để bố mẹ cô dâu dâng lên bàn thờ tổ tiên. Ở miền Nam, nhà trai bắt buộc phải chuẩn bị một đôi đèn cầy có khắc hình long phụng để thắp trên bàn thờ nhà gái. Gia đình nhà gái cũng sẽ chuẩn bị hai chân đèn để cắm đèn cầy. Vì vậy, hai nhà nên thống nhất trước kích cỡ để chân và đèn cầy khớp nhau, tránh gây ra sai sót khi làm lễ gia tiên. Người miền Nam quan niệm, khi thắp đèn cầy (nến) trên bàn thờ như vậy, hạnh phúc của đôi trẻ cũng sẽ hạnh phúc, ấm áp như ngọn lửa đèn cầy.
–
Trình tự nghi lễ gia tiên tại nhà gái: Bố cô dâu hoặc người đại diện họ nhà gái (thường là nam) sẽ thắp hương và đọc bài văn khấn trướcc tổ tiên nhà gái. Sau khi kết thúc bài văn khấn, cô dâu - chú rể sẽ cùng cha mẹ thắp nhang và vái lạy trước bài thờ tổ tiên nhà gái. Nhằm thông báo cháu rể mới của dòng họ nhà gái đồng thời xin ông bà tổ tiên chúc phúc cho cặp đôi hạnh phúc, thuận hòa.
Nghi lễ gia tiên tại gia đình nhà gái
Nghi lễ gia tiên tại họ nhà trai:
Theo đúng nghi lễ truyền thống, trước khi cô dâu lên đường về nhà chồng, người chủ hôn sẽ đốt hương để xua đuổi những điều xấu không theo chân đôi uyên ương về nhà. Đoàn đưa dâu của nhà gái và rước dâu của nhà trai sẽ cùng nhau về nhà trai để trình diện họ hàng, tổ tiên.
– Thành phần tham gia: Người đại diện họ nhà trai, bố mẹ chú rể cùng cô dâu – chú rể. Tuy nhiên, một số gia đình sẽ sửa soạn một bàn thờ nhỏ đặt trong phòng khách để tượng trưng cho bàn thờ gia tiên và tất cả thành phần đoàn đưa, rước dâu đều được chứng kiến nghi lễ này.
– Lễ vật thắp hương: Nhà trai sẽ chuẩn bị sẵn mâm ngũ quả, gà luộc hoặc cầu kỳ hơn, có thể đặt mâm trái cây hình long phụng để bàn thờ thêm đẹp mắt.
– Trình tự nghi lễ gia tiên tại nhà trai: Đại diện họ nhà trai sẽ thắp hương và độc bài khấn báo cáo tổ tiên. Sau đó, cô dâu, chú rẻ sẽ được cha mẹ hướng dẫn khấn lạy và thắp hương dâng lên bàn thờ tổ tiên nhà trai. Nhằm thông báo cho tổ tiên về dâu mới của gia đình và cầu mong ông bà tổ tiên chúc phúc cho hạnh phúc của đôi uyên ương.
Nghi lễ gia tiên tại gia đình nhà trai
Lễ Gia Tiên không chỉ là lời thông báo về hỷ sự, lễ gia tiên còn mang ý nghĩa tưởng nhớ và biết ơn tổ tiên và mong nhận được sự chúc phúc của ông bà. Điều này còn giúp những cặp vợ chồng gắn kết với nhau bởi lời hứa về trách nhiêm trong cuộc sống hôn nhân sắp tới. Vì vậy, một buổi lễ gia tiên được chuẩn bị chu toàn một cách chỉn chu, tốt đẹp cũng được xem như một khởi đầu cho một hạnh phúc vẹn tròn.
Nguồn ảnh: Internet
>> Xem thêm: Cùng tìm hiểu cách trang trí bàn thờ gia tiên đám cưới để tránh “bỡ ngỡ”