Đăng bởi Marry Doe - 09/04/2018 | Lượt xem: 910
Lễ đính hôn không chỉ đơn thuần như là một buổi lễ thông báo công khai mối quan hệ của cặp uyên ương mà còn là sự gắn kết khởi đầu cho mối quan hệ giữa người nam và người nữ trước khi đi đến quyết định chung sống với nhau trọn đời.
Sự gắn kết này được tượng trưng bởi một cặp nhẫn đính hôn, với nét mô phỏng từ ý nghĩa của bộ nhẫn cưới. Dưới đây là đôi điều về chiếc nhẫn đính hôn – biểu tượng của sự đính ước.
Lịch sử chiếc nhẫn đính hôn
Chiếc nhẫn đính hôn có nguồn gốc từ chiếc nhẫn mà các chàng trai ở phương Tây dùng để cầu hôn với cô gái mình yêu. Còn khi lễ cưới diễn ra, sẽ có một bộ nhẫn khác cho cả cô dâu và chú rể.
Chiếc nhẫn đính hôn (nhẫn cầu hôn) thường có kích cỡ lớn hơn bộ nhẫn cưới và được chế tác cầu kỳ kiểu gắn đá quý hay kim cương. Sở dĩ các nhẫn đính hôn có kiểu dáng cầu kỳ vì đó cũng chính là món quà người đàn ông dùng để thuyết phục cô gái đồng ý trở thành vợ mình.
Tuy vậy, ngày nay do quan niệm hôn nhân đã trở nên thoáng hơn, nam nữ tìm hiểu nhau rất kỹ rồi cả hai cùng có quyết định đi đến hôn nhân. Chứ không xa cách như ngày xưa, nhất thiết chàng trai phải chính thức nói ra lời cầu hôn trước. Từ đó, nhẫn đính hôn trở thành vật đính ước của hai người với sự chứng kiến của gia đình và những người thân thiết, như một lời hẹn ước trước khi tổ chức lễ cưới. Và vì thế nhẫn đính hôn cũng được làm thành cặp.
Nhẫn khắc chữ
Thông thường đối với nhẫn đính hôn kiểu cặp đôi, nhiều cặp cô dâu, chú rể tương lai rất ưa thích kiểu chạm khắc vào mặt sau của nhẫn với tên, tên Thánh, ngày gặp mặt đầu tiên, ngày kỷ niệm của riêng hai người... nhằm để khiến đám cưới của mình trở nên đặc biệt hơn.
Cặp nhẫn “chàng”, “nàng”
Thay vì sử dụng một cặp nhẫn giống nhau cho cả nam và nữ, các dạng nhẫn đính hôn thường được thiết kế có kiểu dáng khác nhau riêng cho “chàng” và “nàng”. Nhẫn cho “chàng” vẫn trung thành với kiểu dáng giản dị, còn nhẫn cho “nàng” thì thường cầu kỳ hơn, đặc biệt hơn và có gắn đá.
Vàng - thủy chung, son sắt
Nhẫn cưới luôn được làm bằng vàng. Lý do là vì đây là một thứ nguyên liệu quý giá và hiếm có. Ngày nay, có thể nói đa số mọi người đều đã có khả năng sắm cho người vợ hoặc chồng tương lai một chiếc nhẫn vàng. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều người coi trọng ý nghĩa hôn nhân cần được thử thách với những khó khăn trong cuộc sống, cũng như vàng được nung già trong lửa.
Kim cương - biểu tượng của sự vĩnh cửu
Vì sao phải chọn nhẫn cưới đính kim cương? Người ta tin rằng viên kim cương nắm giữ sức mạnh khiến cho lời thề nguyền trong lễ cưới trở nên bất tử. Là thứ đá quý cứng nhất trong thiên nhiên, kim cương đã chiếm vị trí độc tôn cao quý của mình qua nhiều thế kỷ.
Vào thời đại của đế chế La Mã, chiếc nhẫn kim cương được xem là vật làm tin khi người đàn ông muốn hỏi cưới một người phụ nữ anh ta yêu. Nếu người nữ từ chối cuộc hôn nhân, cô ta sẽ phải trả lại chiếc nhẫn cho người đàn ông đó. Tuy nhiên, chiếc nhẫn sẽ không được trả lại nếu việc hủy hôn là do phía người đàn ông. Khi đó, chiếc nhẫn cầu hôn chính là để bồi thường cho danh dự của người nữ.
Thử nhẫn cũng phải xem thời tiết!
Khi bạn lên lịch thử nhẫn, hãy chọn buổi cuối ngày hoặc buổi tối. Đồng thời cần phải chắc rằng lúc đó tay bạn không trong tình trạng quá nóng hoặc quá lạnh. Nhiệt bàn tay thường trở nên ấm hơn khi trời nóng, các ngón tay sẽ mềm và nở ra vào buổi sáng. Ngược lại, ngón tay thường trở nên nhỏ hơn vào những ngày mùa đông.
(st)