Đăng bởi Marry Doe - 18/04/2017 | Lượt xem: 6893
Tiền không phải là tất cả nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững hạnh phúc hôn nhân. Vậy bạn đã biết cách quản lý chi tiêu gia đình hiệu quả chưa?
Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, một trong những điều quan trọng nhất bạn cần làm quen là nhiệm vụ quản lý chi tiêu gia đình. Đây là bổn phận chung của cả vợ và chồng, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Phải làm sao để với nguồn thu nhập không quá ấn tượng trong những
năm đầu hôn nhân, hai bạn có thể mua được xe tốt, nhà đẹp hoặc cho con cái hưởng dịch vụ chăm sóc chất lượng cao?
Sau đây, Marry xin chia sẻ 5 bí quyết giúp nàng dâu mới quản lý chi tiêu gia đình hiệu quả. Hy vọng rằng với những thông tin này, bạn sẽ thu vén được cho tổ ẩm của mình một cuộc sống dễ chịu nhất:
1. Tạo một bảng/sổ quản lý chi tiêu gia đình
Bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất chính là lập sổ quản lý chi tiêu gia đình. Trong sổ này nên có các hạng mục sau được chia hàng cột rõ ràng, chi tiết:
- Chi phí nhà cửa: Tiền thuê nhà (nếu có) hoặc thuế nhà; tiền điện, nước, internet, truyền hình cáp; chi phí phát sinh cho việc sửa chữa, trùng tu...
- Chi phí sinh hoạt: Tiền ăn uống trong gia đình, di chuyển, mua đồ gia dụng, quần áo...
- Chi phí xã hội: tiền ăn uống bên ngoài, sử dụng dịch vụ giải trí, thăm khám sức khỏe, du lịch; tiền mừng, cho biếu người thân hai bên gia đình
- Chi phí tiết kiệm: Ghi rõ tiền trong tất cả các tài khoản tiết kiệm và quy đổi tỉ giá tài sản tiết kiệm khác (vàng, đá quý, kim cương...) theo giai đoạn
- Chi phí thu về: Ghi rõ tất cả các nguồn thu nhập (sau thuế) của từng thành viên trong gia đình hàng tháng
Bạn nên xếp cột phí thu về và phí chi ra ngay cạnh nhau để biết mình có đang chi tiêu đúng mực hay không. Nếu bạn thấy số tiền ở cột chi ra cao ngang ngửa thậm chí hơn cột thu về, đã đến lúc phải có kế hoạch quản lý chi tiêu gia đình chặt chẽ hơn.
Có rất nhiều ứng dụng thông minh hỗ trợ bạn trong việc quản lý chi tiêu, tuy nhiên Marry khuyên rằng bạn vẫn nên có sổ viết tay để đảm bảo số liệu được lưu trữ cẩn thận.
2. Nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc tiết kiệm
Bạn nên tự đề ra cho mình và ông xã những nguyên tắc tiết kiệm và nghiêm túc tuân thủ. Chẳng hạn, nếu hai bạn đã thống nhất phí ăn uống gia đình hàng tháng là dưới 10 triệu thì khi lỡ chi "lố" số này, hai bạn phải chịu "phạt" vào tháng sau. Sẽ có rất nhiều tình huống phát sinh khiến bạn không thể bảo đảm được như dự chi (người thân, bạn bè đến thăm; bị bệnh phải thay đổi kế hoạch ăn uống...), tuy nhiên thâm hụt tháng này phải được bù trừ trong các tháng kế tiếp.
3. Lập tài khoản/sổ tiết kiệm cho mình và con cái
Đây là nhiệm vụ quan trọng mà bạn nên làm từ khi chưa có gia đình. Sổ tiết kiệm là cách giữ tiền "rảnh" có lợi nhất, đặc biệt là đối với người có thu nhập cố định hàng tháng. Khi đã có gia đình, hai bạn nên có một sổ tiết kiệm chung cho tương lai và sổ tiết kiệm cho con cái. Trước khi lập sổ, hai bạn nên tham khảo kĩ lãi suất của các ngân hàng để đưa ra lựa chọn sáng suốt. Số tiền này sẽ rất có ý nghĩa khi bạn cần tiêu một khoản lớn như mua bất động sản hoặc dưỡng già.
4. Đầu tư vào bảo hiểm
Nếu có đủ tiền, bạn cũng nên suy nghĩ đến phương án mua bảo hiểm nhân thọ. Số tiền này sẽ chưa thể hiện tác dụng tức thì, nhưng khi gia đình có việc không may xảy ra, bạn sẽ thấy mừng vì đã quyết định đầu tư vào bảo hiểm.
5. Ưu tiên việc trả nợ
Nợ nần sẽ tạo áp lực khiến cuộc sống của bạn thêm mệt mỏi, nhất là khi bạn phải trả cả lãi. Vì vậy, nếu hai bạn đang phải gánh nợ thì nên đưa khoản chi này lên hạng mục ưu tiên số một. Nếu còn nợ nần, bạn chưa nên nghĩ nhiều đến việc du lịch, mua sắm hay sử dụng các dịch vu giải trí.
Cuối cùng, điều tối quan trọng là bạn có thể tiết kiệm trong sự thoải mái chứ không phải tằn tiện, làm ảnh hưởng tới
hạnh phúc hôn nhân. Đây mới là mục tiêu cao nhất của việc quản lý chi tiêu gia đình chặt chẽ, vì dù có mua được nhà lớn sau 10 năm kết hôn mà hai bạn không còn hạnh phúc thì cũng như không. Bạn nên nghiêm khắc với bản thân và người ấy trong chi tiêu, nhưng cũng đừng quá cứng nhắc nhé.