Đăng bởi Marry Doe - 15/06/2012 | Lượt xem: 2582
Mẹ chồng nàng dâu là chuyện muôn thuở và là chủ đề bàn luận của nhiều thế hệ, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu được cho là mối quan hệ phức tạp hơn cả trong tất cả các mối quan hệ khác trong gia đình. Đặc biệt, các nàng dâu thường được “cảnh báo” về độ khó tính của mẹ chồng miền Bắc
Những khác biệt và những mâu thuẫn
Bảo Hân người Sài Gòn theo tiếng gọi của tình yêu từ thời sinh viên, ở lại lấy chồng Hà Nội. Gái Nam ở với mẹ chồng Bắc đã 5 năm nay mà chưa lần nào mẹ chồng nào dâu có chuyện gì to tát. Dù thời gian đầu, Hân thấy bà rất kỹ tính và luôn bị áp lực mỗi khi xong công việc ở cơ quan trở về nhà. Nhưng càng sống cùng, chị càng hiểu hơn mẹ chồng mình. Mẹ chồng Hân là gái gốc Hà Thành nên đảm đang, chu đáo và chỉn chu trong mọi việc. Vì vậy bà cũng muốn cô con dâu trưởng của mình giữ được nếp nhà. Ngay từ ngày đầu tiên làm dâu, Hân làm gì bà đều đứng bên cạnh quan sát và chỉ dạy. Điều đó khiến một cô gái hiện đại, khác môi trường sống từ nhỏ như Hân thực sự căng thẳng, long ngóng và khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự “giám sát” của mẹ giờ Bảo Hân đã nấu được nhiều món ăn ngon của Hà Nội, lại có thể tự chuẩn bị tươm tất được những mâm cỗ khi nhà có công việc. Được cái, Hân cũng khéo léo, biết cách hỏi han, chia sẻ với mẹ chồng nên hai mẹ con vừa làm bếp vừa cởi mở chuyện trò. Hân thấy mẹ chồng mình thật hiền hậu, yêu thương con cháu. Và tự bao giờ, chị thấy gắn bó và yêu quý bà một cách tự nhiên, chân thật.
Cởi mở, lắng nghe sẽ giúp cô dâu mới hiểu được mẹ chồng
Năm đầu làm dâu Diệp (Nam Định) cũng rất căng thẳng, lo lắng. Theo Diệp, mẹ chồng cô khó tính, ăn cơm ít, bánh trái, hoa quả Diệp mua về bà đều không ăn. Quần áo mua tặng bà, một là bà nói thẳng luôn “mẹ không hợp với các loại quần áo này” hoặc bà nhận nhưng không mặc, khiến Diệp rất buồn và ấm ức đi trả hoặc đổi. Ông xã cũng buồn vì thấy mẹ và vợ như vậy. Nhưng Diệp không buông xuôi, cô đã sống bằng tấm lòng với mẹ, cô tìm cách để hiểu bà hơn. Giờ thì cô biết mẹ ăn ít cơm và không ăn bánh trái ngọt vì mẹ bị tiểu đường. Quần áo bà không mặc vì đúng là Diệp toàn mua các màu sắc hơi trẻ, hơn nữa bà thường hay đi chùa nên ăn mặc rất giản dị. Biết ý nên Diệp mua các loại bánh ít ngọt cho người tiểu đường, mỗi lần muốn mua tặng quần áo, Diệp đều ướm lời trước để hỏi ý kiến bà. Hai mẹ con trò chuyện nhiều hơn. Cô còn thể hiện là vợ hiền, mẹ đảm, chăm sóc tốt cho chồng, con nên giờ đi đâu mẹ chồng Diệp cũng tự hào và khen con dâu.
Yêu thương chân thành hóa giải bất đồng
Nhưng cũng có những người như mẹ chồng Yến (Hải Phòng). Do quá yêu và chiều chuộng con trai nên thành ra bà khắt khe với con dâu. Yến và Bình đều làm việc ở Hà Nội, ngay từ khi còn yêu nhau, mỗi lần Bình đưa Yến về Hải Phòng chơi là Yến căng thẳng. Không về không được vì hai đứa đã tính tới chuyện hôn nhân mà về thì… lại chán. Ngồi ăn cơm bà chăm chăm gắp cho con trai, hai đứa lên phòng nói chuyện thì bà bắt mở cửa và thi thoảng đi đi lại lại. Khi cưới nhau, bà mua nhà ở Hà Nội cho hai vợ chồng nhưng mỗi tuần lên ở với con dâu mấy ngày để “quản lý”. Sau khi Bình tìm được công việc phù hợp và chuyển về Hải Phòng, thấy con trai vất vả lên Hà Nội thăm vợ mỗi dịp cuối tuần, mẹ chồng lại bắt Yến về Hải Phòng luôn, làm cuộc sống gia đình trở nên ngột ngạt, khó chịu, chưa biết xử lý ra sao.
Người con dâu khéo léo là người biết “nhỏ to tâm sự” với chồng, để chồng “nhỏ to tâm sự” lại với mẹ, để mẹ cảm thông, hiểu và dần thương yêu hơn.
Mỗi người có tính cách và cá tính riêng, những người mẹ chồng nói chung và mẹ chồng người miền Bắc nói riêng cũng là những con người bình thường. Nhìn chung, mẹ chồng miền Bắc có phần khá cẩn thận và khó tính do đặc tính nói chung của phụ nữ miền Bắc là chịu thương chịu khó, chăm lo, yêu thương và hy sinh chăm chút cho gia đình nên mong muốn con dâu sẽ như vậy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, là phận dâu con chị em không nên hồ đồ có những phản ứng gay gắt trước mọi việc vì như thế trước tiên sẽ gây không khí bất hòa trong gia đình. Ngược lại, trước tiên nên tìm hiểu cách sống của bố mẹ chồng, lối sống của gia đình chồng từ những điều nhỏ nhất để thích nghi và có cách xử sự phù hợp nhất. Hãy dùng trái tim chân thật, lòng kính trọng như đối với mẹ mình để đối xử với mẹ chồng, như vậy, dù sớm hay muộn mẹ chồng cũng sẽ hiểu ra và yêu thương bạn. Bên cạnh đó, người con dâu khéo léo là người biết “nhỏ to tâm sự” với chồng, để chồng “nhỏ to tâm sự” lại với mẹ, để mẹ cảm thông, hiểu và dần thương yêu hơn.
Yến Minh