Đăng bởi Marry Doe - 05/06/2012 | Lượt xem: 1287
Trong lễ cưới ngày xưa và cả bây giờ, thông thường người con gái sẽ được bố mẹ đẻ tặng của hồi môn. Nó có thể là tiền hay vàng, tùy theo điều kiện mỗi gia đình. Món quà ấy có ý nghĩa như là sự động viên, một chút vốn liếng mà cha mẹ dành cho con gái khi bước chân về nhà chồng.
Của hồi môn mà cha mẹ tặng cô dâu rất đa dạng. Đối với nhà giàu cha mẹ có điều kiện thì tặng cho con số tiền lớn, một vài cây vàng, một căn nhà, thậm chí đất đai và xe máy, xe ô tô… Nhà trung bình, không có điều kiện bằng thì tặng con số tiền nhỏ hơn, một vài chỉ vàng. Thậm chí, nhà nghèo, cha mẹ khó khăn, chỉ có thể tặng cho con số tiền tượng trưng, hay vài vật dụng thật cần thiết, vừa tiền để con cảm thấy không tủi thân khi bước chân về nhà người. Cũng có trường hợp, cha mẹ quá khó khăn, tiền tổ chức cho con một đám cưới bình dân như bao người khác chính là của hồi môn.
Thực ra, việc trao của hồi môn từ xa xưa là truyền thống, là nét đẹp văn hóa trong văn hóa, nghi lễ cưới xin của người Việt. Nó không có một quy định cụ thể là cha mẹ phải trao cho con gái bao nhiêu và người con cũng không bắt buộc, đòi hỏi cha mẹ phải cho mình bao nhiêu. Nhưng có không ít câu chuyện vui buồn liên quan đến nét đẹp văn hóa này:
Hoàng Anh (Quận 1, TP.HCM) ngậm ngùi kể: Bố mẹ chia tay khi mình mới 45 ngày tuổi. Ngày mình 4 tuổi thì cả bố và mẹ đều đi bước nữa. Mình ở với mẹ và bố dượng. Nhà nghèo, lo đám cưới cho mình cũng khiến mẹ gầy rạc đi rồi nên mình không đòi hỏi mẹ phải tặng của hồi môn. Chồng mình cũng hiểu nên thông cảm, không ý kiến gì. Trong ngày cưới, trước mặt bà con hai họ, dì (vợ hai của bố đẻ) thay mặt bố đẻ lên tặng quà hồi môn cho mình. Món quà không lớn nhưng thái độ coi thường cái nghèo của mẹ và bố dượng của dì lúc đó khiến mình rất tủi thân. Mà lúc đó, trước mặt bà con hai họ, mình bị bất ngờ về việc dì trao của hồi môn nên không nói gì được, chỉ biết khóc thôi. Sau này, trong đám cưới của đứa em gái cùng cha khác mẹ, nhìn cách bố và dì trân trọng trao cho em món quà hồi môn, rồi dặn dò, bịn rịn cũng khiến mình chạnh lòng, tủi phận. Cùng là con mà sao lại đứa yêu, đứa ghét.
"Cùng là con mà sao lại đứa yêu, đứa ghét"
Hồng Ánh (quận Tân Bình, TP.HCM) kể mà nước mắt rưng rưng: Mình và anh quen, yêu nhau 3 năm mới tính chuyện đám cưới. Gia đình hai bên đều khó khăn, hai đứa phải tự chi tiêu, lo liệu tất cả cho đám cưới. Mình cũng nói với bố mẹ không cần phải trao của hồi môn vì người yêu mình hiểu, nên rất thông cảm. Bố mẹ nghe mình nói cũng không nói gì. Nhưng ngày cưới, bố mẹ vẫn trao cho mình món quà hồi môn là 5 chỉ vàng. Ngày đó, vàng đã 37 triệu một cây rồi. Mình thương bố mẹ, không nhận, nhưng bố mẹ cứ sụt sùi nói là đấy là tình thương của bố mẹ. Sau đám cưới, chồng mình bàn với mình mang số tiền đó về biếu lại bố mẹ. Tất nhiên, bố mẹ mình không nhận lại, mà cho vợ chồng mình làm vốn. Điều khiến mình cảm động không chỉ sự tảo tần, tiết kiệm, của bố mẹ để có một khoản cho mình làm của hồi môn; mà quan trọng hơn, là tình yêu bao la mà bố mẹ dành cho mình. Và đặc biệt, chồng mình cũng khiến mình rưng rưng. Sau này, mỗi lần nhớ lại câu chuyện đó, mình lại thấy ấm áp trong lòng, thấy thương bố mẹ vô bờ và thấy trân trọng người mình đã chọn làm chồng. Mình thầm cảm ơn anh đã hiểu mình!
Điều khiến mình cảm động là tình yêu bao la mà bố mẹ dành cho mình
Diệu Thuần (Gò Vấp, TP.HCM) ngậm ngùi: Mình và chồng là bạn học cấp 3, bạn chung ngày Đại học. Đến khi đi làm mới yêu nhau. Khi còn yêu nhau, lâu lâu lại thấy anh đề cập đến chuyện của hồi môn mình cũng thắc mắc, băn khoăn nhưng rồi tình yêu lấn át tất cả. Gần 2 năm sau, khi hai đứa bàn chuyện cưới xin thì anh đề cập thẳng thắn đến chuyện này. Lúc anh bảo: “Bố em làm to thế, chắc phải tặng của hồi môn cho xứng”, mình trả lời “của hồi môn bố mẹ cho em chính là kiến thức, công việc mà em đang làm” thì mặt anh thể hiện rõ sự thất vọng. Thái độ của anh khiến mình không khỏi hoang mang. Mình tự đặt câu hỏi, “anh có yêu mình thực sự không?”. Sau nhiều ngày băn khoăn, mình quyết định chia tay. Mình không dám chắc quyết định của mình là hoàn toàn chính xác nhưng mình cảm thấy trái tim mình hoang mang, không còn tin tưởng khi anh tỏ rõ sự tham vọng về của hồi môn.
Mình cảm thấy trái tim mình hoang mang, không còn tin tưởng khi anh tỏ rõ sự tham vọng về của hồi môn.
Bảo Trân (Bình Tân) cho biết: Nhà mình là gốc miền Tây nên ba mẹ rất quan trọng chuyện của hồi môn cho con gái. Nhưng đúng thời gian mình cưới thì ba mẹ làm ăn thua lỗ, tiền không còn một đồng, nợ nần khắp nơi. Mình cũng nói ba mẹ không cần của hồi môn nhưng ba mẹ không biết nghe ai mà đi thuê trang sức để trao cho mình hôm đám cưới. Lúc đó, mình không hề biết, mấy ngày sau mẹ mới nói nhỏ để mình mang về, trả cho tiệm. May mà gia đình chồng mình không để ý, chứ không, không biết phải ăn nói như nào cho phải. Thực sự mình nghĩ, hạnh phúc vợ chồng, hạnh phúc gia đình đâu phải ở việc của hồi môn nhiều hay ít. Quan trọng là biết thương yêu nhau, chăm sóc cho nhau. Của hồi môn nhiều mà nay đánh nhau, mai gây lộn thì có ý nghĩa chi đâu.
Nhật Huy
Ảnh minh họa: Internet