Trong cuộc sống thường ngày, tại sao chúng ta lại thấy có sự khác biệt giữa những người phụ nữ có gia đình, chẳng hạn có người dù lấy chồng nghèo nhưng vẫn có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Ngược lai, nhiều người may mắn lấy được chồng giàu nhưng lại thường phải dùng chính nước mắt của mình để rửa mặt, không được chồng tôn trọng - thậm chí ngay cả đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra cũng xem thường?
Nguyên do là họ không được người phối ngẫu yêu thương, trân trọng. Người ta nói, sự trân trọng của người chồng sẽ quyết định địa vị của người vợ trong gia đình. Nếu người chồng xem thường họ, phụ bạc họ thì chẳng trách sao bố mẹ chồng, con cái và người thân cũng xem thường họ như thế. Làm sao họ có thể trải qua những ngày tháng vui vẻ, gia đình cũng khó có được hạnh phúc và ấm êm.
Những câu chuyện đời thực dưới đây là một minh chứng rõ ràng giúp bạn thấy được sự bất công và những nỗi khổ tâm của những người phụ nữ không may mắn được chồng yêu thương, cũng như việc một người vợ được chồng hết lòng quan tâm, chăm sóc sẽ tạo ra một gia đình tuyệt vời như thế nào:
01.
Hôm nay lúc đi tàu điện ngầm, tôi gặp được một câu chuyện rất thú vị. Khi tàu điện ngầm tới trạm thì bên cạnh tôi có một chỗ trống, có một đứa bé trai khoảng 3 tuổi tung tăng chạy tới, ngồi xuống. Sau đó nhìn về phía cửa tàu mà nói:
“Mẹ mau qua đây, ở đây có chỗ nè!”. Không lâu sau thì có một đôi vợ chồng trẻ lên tàu, cô vợ khoác tay anh chồng, cười nói với con trai:
“Chỉ có 1 chỗ, con cứ ngồi đi, bố với mẹ đứng là được rồi".Đứa bé trai nói:
“Con là con trai không cần ngồi đâu, mẹ ngồi đi”.
Nói không lại con nên người mẹ ngồi xuống, ông bố xoa đầu con thay cho lời khen. Từ câu chuyện mà họ nói với nhau, đại khái có thể hiểu được là người mẹ đưa con trai ra ngoài chơi, tiện thể tiễn bố đi làm. Con trai cứ luôn miệng nói với bố:
“Bố có thể cùng mẹ đi chơi với con không?”. Ông bố an ủi con trai, nói:
“Con phải ngoan, đợi bố đi làm về thì sẽ lập tức đi đón hai mẹ con rồi đưa con đi ăn Banana Split mà con thích nhất”. Đứa con vẫn không vui lắm, vẫn luôn nắm lấy tay của bố nhưng lại không nói gì nữa.
Sau đó bố tới trạm, trước khi xuống đột nhiên ông bố rất nghiêm túc mà nói với con:
“Con nhất định phải chăm sóc tốt vợ của bố, không được khóc, không được quậy cũng không được chọc cô ấy, cô ấy là vợ của bố, hiểu chưa? Bố đi làm để kiếm tiền cho hai mẹ con!”. Tôi thấy tất cả mọi người trên tàu đều cười, nhìn đứa nhỏ đầy thiện ý thực hiện lời hứa với người lớn.
Lúc đó tôi thầm nghĩ, trong cái gia đình này, xếp hạng địa vị nhất định là mẹ - con trai - bố. Với đứa con mà nói, có lẽ từ nhỏ nó đã được dạy là mẹ là người quan trọng nhất, cho nên tất cả mọi chuyện đều sẽ nghĩ cho mẹ trước, giành chỗ ngồi cho mẹ là vì sợ mẹ mệt. Với người chồng mà nói thì trong lòng anh ta, vợ cũng là người quan trọng nhất cho nên mới dạy con trai phải cùng anh yêu thương mẹ của nó. Ở trong gia đình đó, người được chăm sóc tốt không phải là đứa con mà là người vợ, nhưng ngược lại thì tới cuối cùng người thu lợi nhiều nhất lại chính là người chồng, anh ta không chỉ có được một đứa con trai hiếu thảo, hiểu chuyện, mà còn có được một người vợ dịu dàng, tận tâm.
02.
Nhớ lại trước đây không lâu khi cùng mẹ đi uống trà sáng, cái bàn lớn bên cạnh có một đại gia đình ngồi, đại khái là có anh chồng, chị vợ, đứa con và bố mẹ hai bên. Sau khi tất cả mọi người ngồi xuống, một trong số họ bắt đầu trò chuyện, số còn lại thì xoay quanh đứa nhỏ, chỉ còn lại người vợ bận trước bận sau, vừa phải châm trà rót nước cho bố mẹ 2 bên, vừa phải chăm sóc cho con. Rồi đột nhiên nghe anh chồng nói với chị vợ:
“Em đi hỏi nhân viên phục vụ coi sao tới giờ đồ ăn vẫn chưa lên”. Người vợ bỏ chén đồ ăn đang đút cho con xuống, đứng dậy đi tìm nhân viên phục vụ.
Sau khi tìm nhân viên phục vụ xong thì bố chồng lại kêu chị ấy rót trà, lúc chị vợ rót trà sơ ý làm nghiêng ấm trà nên khiến tay bị phỏng, ấm trà “bịch” một cái rớt xuống đất vỡ vụn. Nhân viên phục vụ chạy qua xem tình hình, người chồng và người lớn trong nhà vừa xin lỗi nhân viên phục vụ, vừa đứng đó chửi người vợ tay chân vụng về. Tôi thấy khoé mắt chị ta cũng đỏ lên nhưng lại im lặng mà dọn dẹp rồi đi đổi ấm trà khác. Không lâu sau, đột nhiên nghe thấy người chồng lớn tiếng nói một câu:
“Rốt cuộc em làm gì vậy, ngay cả con mình cũng chăm sóc không tốt!”. Lúc đó tôi và mẹ mình đang nói chuyện, bị âm thanh đó làm cho hết hồn, nhìn qua thì thấy đứa nhỏ đang khóc, chắc là không cẩn thận đụng trúng đầu. Còn người vợ thì liên tục dỗ con, xem ra chắc quýnh quáng lắm rồi. Điều "kì diệu" là dù là chồng chị ta hay là bố mẹ chồng, thậm chí ngay cả bố mẹ đẻ của chị ta cũng không ai nói gì giúp chị. Nếu một người vợ ở nhà có địa vị thấp như vậy thì làm sao mà có thể hạnh phúc?
Tôi thậm chí còn có thể nghĩ tới cảnh khi đứa trẻ đó lớn, có lẽ cũng sẽ trở thành một người ra lệnh cho mẹ của mình, hơn nữa đó tuyệt đối sẽ không thể là một đứa trẻ ưu tú, có giáo dục. Trong gia đình, có lúc người cần được chăm sóc tốt vốn không phải là đứa con mà là người vợ. Chăm sóc tốt ở đây không phải là vì tiền hay vật chất mà là
quan tâm và tôn trọng.
03.
Nói tới chăm vợ thì tôi liền nghĩ tới Huỳnh Lỗi(*), một người đàn ông coi vợ mình như... "con gái" để chăm sóc, hết mực thương yêu. Có một lần Huỳnh Lỗi lên chương trình, nói về chuyện trong nhà của anh và Tôn Lợi:
“Buổi tối tôi luôn mở cửa phòng sách, đọc chút sách, viết kịch bản. Mệt rồi thì tôi ngồi dựa lưng vào ghế, nhìn ra phòng khách có thể thấy được cô ấy đang ngồi coi TV, xoay lưng lại với tôi, tôi cảm thấy rất yên tâm. Thế nào gọi là tình yêu? Tôi nghĩ, đây chính là tình yêu”.
Lúc Tôn Lệ và bạn học họp mặt, nhưng cô gái lanh lợi trong lớp năm đó, giờ đây đều đã trở thành phụ nữ, chỉ có mình Tôn Lợi vẫn mang dáng vẻ của một nữ sinh. Bạn cô ấy nói:
“Cô ấy từ lúc còn đi học đã bắt đầu yêu đương, cứ thế mà yêu tới lúc kết hôn, chưa từng phải chịu tổn thương tình cảm. Cô ấy được bảo bọc rất tốt, cho nên trạng thái tinh thần vẫn mang dáng vẻ thanh xuân như vậy”.
Từ trên người của Huỳnh Lỗi và Tôn Lợi tôi có thể thấy được, anh ấy chăm sóc tốt cho vợ mình hơn cả con gái mình. Chăm sóc tốt không phải chỉ về phương diện vật chất mà còn có cả phương diện tinh thần. Sự đầy đủ về mặt tình thần có thể khiến cho người vợ càng thêm ung dung.
Sự tận tâm trong cuộc sống khiến cho Tôn Lợi trước giờ chưa từng phải mệt mỏi hay phàn nàn vì những chuyện nhỏ nhặt, phức tạp trong nhà. Sự tôn trọng trên tinh thần khiến cô ấy có thể có được sự ủng hộ để cô ấy làm chuyện mà cô ấy muốn làm, dù là làm một diễn viên trên sân khấu hay là chuyên tâm ở nhà làm một người mẹ tốt; Sự trân trọng trên tình khiến cô ấy càng ngày càng xinh đẹp, giản dị nhưng cao quý, không cần phải để mắt đến người nào khác nữa. Chỉ có một người mẹ có nội tâm phong phú thì mới có thể đem lại sự ngây thơ, trong sáng cho con.
Bộ ảnh cưới kỉ niệm 20 năm về chung một nhà của vợ chồng Huỳnh Lỗi, Tôn Lệ.
Nhớ lại Warren Buffett từng nói:
“Lần đầu tư quan trọng nhất trong đời tôi không phải là thu mua được cổ phiếu gì, mà là chọn được ai trở thành bạn đời của mình”. Cuộc hôn nhân tốt đẹp có thể khiến bạn càng ngày càng cố gắng, càng ngày càng ưu tú, khiến bạn cảm nhận sâu sắc cảm giác hạnh phúc hơn cả lúc chỉ có một mình, khiến bạn tự tin hơn, giúp bạn đi xa hơn, tốt hơn.
Xin tất cả những người đàn ông hãy nhớ lấy, tình yêu sâu đậm nhất mà bạn dành cho một người phụ nữ vốn không phải là cưới cô về mà là sau khi cưới cô ấy về, bạn vẫn sẽ yêu thương và bảo vệ cô ấy như lúc ban đầu, khiến cho người nhà và con của bạn cũng yêu thương cô ấy. Tôi tin một người phụ nữ được chăm sóc tốt thì cũng sẽ mang lại một hồi báo lớn với gia đình. Cô ấy sẽ cho bạn thấy sự dịu dàng, tận tâm, sẽ dạy được một đứa con hiểu chuyện và sẽ cho bạn một gia đình ấm cúng.
(*) Huỳnh Lỗi là nam diễn viên điện ảnh, đạo diễn, nhà làm phim, giảng viên Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, là người khởi xướng kiêm tổng giám chế, đồng thời còn là ca sĩ, biên kịch, tác gia, người chủ trì, phối âm... Năm 1995 lần đầu tiên gặp Tôn Lợi, Huỳnh Lỗi đã đem lòng si mê cô học trò của mình. Năm 2001 hai người đăng kí kết hôn, năm 2004 tổ chức lễ cưới và chung sống hạnh phúc đến ngày hôm nay. Tổ ấm nhỏ 5 người gồm bố mẹ và 2 gái 1 trai của gia đình Huỳnh Lỗi luôn là niềm ngưỡng mộ của bao người.
(st)