Phụ nữ châu Âu thường đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay phải, trong khi đó một số phụ nữ vùng Scandinavia (Bắc Âu) lại đeo đến 3 chiếc: nhẫn đính hôn, nhẫn cưới, nhẫn làm mẹ. Người Việt chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nên đeo loại nhẫn này theo quan niệm “nam tả, nữ hữu”, tức là nam đeo trên tay trái, còn nữ đeo trên tay phải. Phụ nữ Do Thái lại đeo nhẫn ở ngón trỏ vì đó là ngón họ dùng để chỉ vào sách kinh Torah khi đọc kinh.
Ngoài ra, còn có một cách giải thích khác rằng ở phương Tây, mỗi ngón tay sẽ đại diện cho những ý nghĩa khác nhau: Ngón cái đại diện cho nội tâm và kiên nhẫn trong việc đeo đuổi ước muốn. Ngón trỏ biểu trưng cho khả năng chỉ huy, giàu tham vọng, vua chúa ngày xưa thường đeo nhẫn ngón này. Ngón giữa tạo nên tâm thế cân xứng, thăng bằng. Ngón út hướng ngoại, hòa mình vào môi trường sống, ít lo nghĩ âu sầu. Trong khi đó ngón áp út liên hệ trực tiếp đến tình cảm vì có một “tĩnh mạch tình yêu” chạy từ ngón này đến tim.
Không chỉ dừng lại ở đó, nếu mở cửa ra nhiều vùng khác nhau trên thế giới, bạn sẽ khám phá nhiều điều thú vị hơn nữa về chiếc nhẫn cưới mà ít ai biết.
Thổ Nhĩ Kỳ và chiếc nhẫn kỳ bí
Văn hóa đất nước này có thể nói là đa dạng, có truyền thống lâu đời và chiếc nhẫn cưới độc đáo Puzzle này cũng xuất hiện được khoảng 2000 năm trước với một câu chuyện bất ngờ. Xưa kia, có một nhà quý tộc người Thổ Nhĩ Kỳ yêu vợ đến nỗi muốn chắc rằng cô ấy phải luôn chung thủy mỗi khi ông vắng nhà. Thế nên ông bảo thợ kim hoàn chế tạo một chiếc nhẫn gọi là "Puzzle", gồm nhiều chiếc nhỏ đan lồng vào nhau theo một quy tắc bí mật chỉ hai người biết.
Chiếc nhẫn cưới độc đáo gợi liên tưởng đến hình của nhiều sợi dây bện lại, thể hiện tình yêu quấn riết, bền chặt khó tách rời. Nếu người vợ tháo chiếc nhẫn ra khỏi tay, từng chiếc nhỏ sẽ tách ra và chỉ có ông mới có thể gắn kết chúng lại như cũ. Đương nhiên là chỉ những người thợ kim hoàn khéo léo với tay nghề cao mới có thể thực hiện được một tác phẩm hoàn mỹ.
Đây chính là cách để các chàng trai xưa thử lòng chung thủy từ một nửa của mình và nó mặc nhiên được xem như chiếc nhẫn cưới truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù một số người không còn dùng nó trong lễ cưới nữa.
Trái tim đội vương miện
Nghe có vẻ thú vị với một chiếc nhẫn cưới độc đáo bằng vàng có hình hai bàn tay nâng lấy một trái tim đội vương miện. Điểm đặc biệt là người đeo có thể xoay chiều chiếc nhẫn hoặc đeo ở cả tay trái hay phải đều được.
Chiếc nhẫn cưới với kiểu dáng gần như có một không hai đã trở thành văn hóa của người Ailen này xuất phát từ gia đình Joyce ở làng chài Claddagh gần vịnh Galway, từ thế kỷ 17. “Hãy để tình bạn và tình yêu ngự trị - Let Love and Friendship reign” chính là thông điệp ý nghĩa mà chiếc nhẫn mang trên mình suốt bao năm qua. Biểu tượng vương miện, đôi bàn tay và trái tim trên chiếc nhẫn ca tụng ba yếu tố quan trọng đối với một người, đó chính là lòng trung thành, tình bạn và tình yêu. Với ý nghĩa đó, chiếc nhẫn đã được một bộ phận xã hội dùng như nhẫn cưới trong suốt hàng trăm năm qua và trở thành biểu trưng của vùng đất cổ xưa Claddagh.
Không chỉ nhẫn cưới, hiện nay người ta còn chế tác nhiều phiên bản khác mang biểu trưng Claddagh như vòng dây chuyền, hoa tai... với chất liệu bạc, vàng trắng đính đá quý, kim cương... Và một số nơi còn thay đổi cả kiểu dáng, không còn hình chiếc vương miện nữa. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, chiếc Claddagh luôn là biểu tượng tuyệt vời cho tình bạn, tình yêu và đương nhiên là niềm kiêu hãnh của người Ailen.
Những vòng tròn bất tận trên ngón chân
Trái ngược với văn hóa đeo nhẫn cưới trên ngón tay, cô dâu Hindu, Ấn Độ lại có truyền thống đeo chiếc nhẫn bạc trên cả hai ngón chân thứ hai. Người ta có niềm tin rằng vật này sẽ phát ra tiếng động khi phụ nữ đi chuyển trên sàn và có thể theo dõi cô. Chiếc nhẫn Bichiya như một biểu tượng ngầm rằng cô gái ấy – đóa hoa đã có chủ, nó tiết lộ tình trạng hôn nhân của cô với những người khác trong xã hội.
Giải thích một cách sâu xa hơn, người xưa cho rằng có sợi dây thần kinh đặc biệt chạy từ ngón chân này qua tử cung đến tim. Chiếc nhẫn đeo ở ngón này giúp kiểm soát tử cung khỏe mạnh, chất liệu bạc cũng là một “dây dẫn” tốt có tác dụng hấp thụ năng lượng tích cực cung cấp đầy đủ cho cơ thể đồng thời thanh lọc gió độc, khí xấu. Chu kỳ kinh nguyệt vì thế cũng diễn ra đều đặn hơn và tốt cho việc thụ thai của phụ nữ đã kết hôn.
Thiết kế hiện đại của loại nhẫn này tinh xảo và bớt cầu kỳ hơn trước đây với xu hướng tham gia của chất liệu vàng hoặc kim cương bên cạnh vật liệu bạc khiến cho nó ngày càng phong phú về kiểu dáng. Tuy nhiên, ý nghĩa truyền thống và sức mạnh tâm linh trong văn hóa của người dân nước này không vì thế mà thay đổi.
Tình yêu “lên ngôi”
Người ta biết đến chiếc nhẫn “ba ngôi” của người Nga như một biểu tượng thiêng liêng minh chứng cho tình yêu vĩnh hằng, đầu bạc răng long của các đôi uyên ương nơi đây. Nhưng có một điều thú vị ít người tường tận là chiếc nhẫn cưới cổ xưa của vùng đất này lại có truyền thống chỉ hai vòng lồng vào nhau, chứ không phải ba. Hai chiếc, một bằng vàng và một bằng bạc tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, sự hòa hợp của vũ trụ, nam nữ.
Sau đó mới xuất hiện loại nhẫn cưới có ba vòng đan vào nhau với nhiều cách giải thích khác nhau. Nhiều người tôn vinh nó như đại diện của lòng trung thành, trung thực và lãng mạn trong tình yêu hoặc đơn giản chỉ là tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Còn theo tôn giáo thì chiếc nhẫn cưới tượng trưng cho Chúa ba ngôi.
Hiện nay, loại nhẫn này vẫn có ba vòng nhưng được kết hợp nhiều chất liệu, phát triển thêm nhiều kiểu dáng và đính đá, kim cương để hấp dẫn hơn.
>>> Xem thêm: Bạn đã đeo nhẫn cưới đúng vị trí?
Van Ngo