"Nóc nhà của Đồng Nai" thuộc địa phận xã Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Nằm cách Sài Gòn khoảng 100 km, núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ hai Đông Nam Bộ với độ cao hơn 800m so với mực nước biển. Cảnh quan trên đỉnh núi này khá hấp dẫn và thú vị, đường đi lên đỉnh núi tương đối vất vả, nhưng có lẽ vì thế, nơi đây lại gây tò mò cho giới trẻ, đặc biệt là dân phượt đến chinh phục và khám phá.
Giới trẻ Sài Thành thường tìm đến nơi này vào những ngày cuối tuần, để tránh nắng nóng, kẹt xe và F5 tinh thần. (Ảnh: blogspot)Một trong những địa điểm yêu thích của dân phượt Sài Thành. (Ảnh: huoong99)
Lên tới núi Chứa Chan, bạn sẽ thấy ngôi chùa Bửu Quang tọa lạc trên đỉnh núi, đây là ngôi chùa lớn nhất và nằm ở vị trí cao nhất trong khu vực. Núi Chứa Chan được dân phượt đánh giá rằng tuy không cao như núi Bà Đen nhưng có những chặng đường dốc, khó đi hơn rất nhiều. Phong cảnh ở đây cũng khá đẹp, tới độ cao 800m, bạn sẽ thấy toàn cảnh những cánh rừng xanh ngắn, mây trắng phủ kín bầu trời, rất mãn nhãn.
Đường chinh phục "Nóc nhà của Đồng Nai" tương đối khó đi. (Ảnh: Quangtung)Đổi lại, bạn sẽ được đắm chìm trong khung cảnh đẹp hùng vĩ. (Ảnh: Dailo.vn)Còn gì tuyệt hơn nếu cùng bạn bè tổ chức một chuyến dã ngoại cuối tuần, leo núi, trò chuyện, hòa mình vào thiên nhiên. (Ảnh: we25)
Đến với núi Chứa Chan, bạn sẽ được trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên trong lành, mát mẻ, dễ chịu. Hay cảm nhận sự bình yên, thấy lòng nhẹ nhàng khi viếng thăm ngôi chùa trên chặng đường lên núi, hoặc đơn giản chỉ là cảm giác vỡ òa vì hạnh phúc khi chinh phục đỉnh núi thành công.
Những đồi cỏ cao ngang hông người trên đường chinh phục đỉnh núi. (Ảnh: tranlan)Những bậc thang ấn tượng. (Ảnh: we25)
Buổi sáng trên đỉnh núi là điều thú vị nhất dành cho du khách, bình minh nơi đây rất đẹp. Những tầng sương mờ ảo, không khí se lạnh, ánh mặt trời dần hé lộ tựa chống bồng lai. Buổi trưa tại núi Chứa Chan, có thể tổ chức một buổi cắm trại, một buổi offline hay những bữa tiệc nho nhỏ quây quần bên gia đình và bạn bè. Ngoài ra, đứng trên đỉnh núi, chiêm ngưỡng hoàng hôn buông và làn mây lững lờ trôi, bạn sẽ có cảm giác như đang sống cùng với thiên nhiên muôn sắc màu.
Khung cảnh mây trời cực đẹp trên đỉnh núi. (Ảnh: huyrua2909)Đây cũng là một điểm săn mây lý tưởng. (Ảnh: fuhai_98)Tuổi trẻ là phải đi! (Ảnh: my147)
Hướng dẫn di chuyển từ Sài Gòn đến núi Chứa Chan
Từ trung tâm Sài Gòn di chuyển đến ngã ba Cầu Dây đi tiếp theo đường quốc lộ 1A tiến tới Xuân Lộc, sau đó hỏi đường tới núi Chứa Chan. Thời gian di chuyển trong khoảng từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng. Có hai con đường lên đỉnh núi:
Thứ nhất: Di chuyển theo đường cột điện, bắt đầu di chuyển từ cột điện số 20, leo men theo đường cột điện đến cột điện 140 là tới đỉnh núi. Trên hành trình, càng lên cao, khoảng cách giữa các cột điện càng khó đi, đường khá dốc nhưng lại ko bị lạc.
Thứ hai: Đường chùa, từ chân núi có thể leo bậc thang theo đường chùa hoặc đi cáp treo đến chùa, đến đây, bạn đã ở lưng chừng 1/3 núi. Từ đây, theo đường mòn dẫn lên đỉnh núi Chứa Chan. Đường đi này tuy không tốn sức, đường lại bằng phẳng, ngược lại, rất dễ lạc vì có nhiều lối rẽ.
Một số chuẩn bị cho chuyến leo núi Chứa Chan
Một bộ đi leo núi, mũ, khăn, bao tay đi xe, kem chống nắng để bảo vệ da và cơ thể.
Áo mưa ( có thể chọn loại dù đi mưa hoặc cánh dơi để trải ngồi).
Mang theo giày chuyên dụng để leo núi, hoặc một đôi giày thể thao để thuận tiện cho việc di chuyển, leo núi. Bên cạnh đó, nên mang theo một đôi dép mỏng để đi lại trên đỉnh núi.
Nếu ở lại qua đêm, chuẩn bị lều, túi ngủ. Buổi tối nơi đây thường rất lạnh, nên mang theo tất, khăn quàng cổ và áo khoác.
Các loại thuốc cần thiết phòng trường hợp khẩn cấp như: thuốc đỏ, băng bông, gạc, băng keo cá nhân, thuốc chống muỗi...
Ngoài ra, nên mang theo đồ ăn tùy sở thích và nước uống.
Theo Đời sống & Pháp lý