Đăng bởi Marry Doe - 17/05/2012 | Lượt xem: 1419
Khi chuẩn bị đủ tài chính, việc “rẽ nhánh” khỏi ngôi nhà có nhiều thế hệ đang sống chung và tạo lập tổ ấm riêng của mình hẳn là điều các đôi vợ chồng trẻ luôn mong muốn. Nhưng để “ra riêng” mà không làm phật lòng các bậc sinh thành thật không dễ chút nào.
Nỗi lòng muốn ra riêng
Chuẩn bị cưới nhau về, Hùng và Nga đã được bố mẹ đánh tiếng về ở chung trong một ngôi nhà cấp 4 với vị trí giao thông khá thuận lợi cho công việc của cả chồng lẫn vợ. Tuy nhiên, ngoài bố mẹ chồng, ngôi nhà đã khá đông dân số với ông bà nội, vợ chồng anh hai cùng hai cô em dâu tuổi teen. Nghĩ tới cảnh những mâu thuẫn khó tránh khỏi giữa chị em bạn dâu rồi “mấy bà cô bên chồng” cùng nhiều bất tiện sắp phải đối đầu, trong lòng Nga dấy lên niềm lo lắng. Cô bàn với chồng xin ra riêng vì với thu nhập gần 40 triệu mỗi tháng của hai vợ chồng, tuy chưa mua được nhà nhưng thừa khả năng thuê căn nhà nhỏ xinh cho vợ chồng son.
Tổ ấm riêng của hai người là điều đôi uyên ương nào cũng mong có
Khi trình bày nguyện vọng của mình với bố mẹ, hai vợ chồng vấp ngay sự phản đối quyết liệt. Mẹ chồng Nga cho rằng ở chung, gia đình sẽ đỡ đần được nhiều hơn cho hai người, rằng quen với sự hiện diện của Hùng trong nhà, rằng ra riêng vậy nếu không chăm sóc tốt, chồng cô sẽ không được khỏe vì anh rất kén ăn và nhất là cùng chung sống sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí sinh hoạt.
Không những bị phản đối chuyện ra ở riêng vì nhiều lý do, Nga còn mơ hồ nhận ra rằng mẹ chồng đã bắt đầu không hài lòng về cô vì cho rằng “chưa cưới đã tính chuyện bỏ đi, không coi nhà chồng ra gì”. Những ngày hồi hộp, rộn ràng chuẩn bị cho lễ cưới bỗng trở nên kém vui. Hai vợ chồng trẻ rất bối rối vì chưa biết sẽ xử trí thế nào.
Ra riêng là điều không đơn giản với những cặp vợ chồng trẻ
Nghệ thuật xin ra riêng
Từ câu chuyện của Hùng và Nga cho thấy, việc ra riêng sau khi cưới của nhiều đôi uyên ương không phải là điều đơn giản. Chưa bàn đến khả năng tài chính, tự lập, chăm sóc lẫn nhau của đôi vợ chồng trẻ, việc đối thoại với cha mẹ để xin ra riêng cũng là một nghệ thuật ứng xử. Một số gợi ý sau có thể giúp những đôi bạn trẻ có thêm kinh nghiệm để “thưa chuyện” với người lớn.
Thuyết phục
Lý lẽ thuyết phục nhất để cha mẹ cảm thấy việc vợ chồng trẻ cần phải ra riêng là hai bạn đã có kế hoạch cuộc đời vững chắc. Hai bạn hiểu rõ mình thực sự muốn gì và cần làm điều gì. Hãy thuyết phục cha mẹ chồng hiểu rằng việc ra riêng là khởi đầu tốt cho một gia đình mới. Kế hoạch của hai bạn là sớm ổn định cuộc sống, làm việc tốt, sinh con, nuôi dạy con cái nên thật sự cần một không gian riêng để xây dựng nên. Hãy vạch ra những cột mốc thời gian một năm, hai năm, ba năm… cho những sự kiện lớn của đời sống hôn nhân của hai người để cha mẹ thấy rằng hai bạn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đừng quên mời cha mẹ chồng làm những vị cố vấn đáng kính cũng như sau này rước cha mẹ đến chơi thường xuyên để họ cảm thấy quyết định của các bạn là đúng đắn. Tuyệt đối không đề cập đến việc bạn sợ không gian chật hẹp khi ở chung sẽ sinh ra nhiều mâu thuẫn không đáng có với cha mẹ chồng khi xin ra riêng dù điều này có là sự thật hiển nhiên đi chăng nữa.
Cần có một kế hoạch cuộc đời thật chi tiết để làm lý lẽ thuyết phục
Chứng minh
Hãy chứng tỏ các bạn thật sự “đủ lông đủ cánh” để xây dựng nên một tổ ấm mới. Thực lực này phải là việc vợ chồng sẽ luôn hiểu và chăm sóc tốt cho nhau. Khả năng ổn định về thu nhập tài chính. Khả năng quản lý công việc nhà từ chọn món đồ nội thất bền đẹp đến có thể nấu những bữa cơm ngon. Nhất là về phía nàng dâu, hãy dành cho mẹ chồng lời hứa sẽ chăm sóc tốt cho con trai của mẹ từ miếng ăn đến giấc ngủ, cho mẹ chồng cảm giác yên tâm rằng bạn thông hiểu, trân trọng chồng như thế nào.
Thực ra, nguyên nhân chủ yếu việc cha mẹ không đồng ý cho những đôi vợ chồng mới cưới ra riêng vì sợ các bạn còn “trẻ người non dạ” sẽ sớm va vấp với cuộc sống thực sự tự lập đầy khó khăn. Khi bạn chứng tỏ được bản lĩnh của mình, cha mẹ sẽ yên tâm và đồng ý cho “chim non rời tổ”.
Chứng minh cho cha mẹ biết hai bạn đã thực sự vững vàng để độc lập
Thực hiện
Ra riêng không phải là tách biệt mà chỉ là một nhánh mới đâm chồi của cây cổ thụ gia đình vững chắc. Ra riêng không có nghĩa là hai bạn sẽ quyết định hết mọi thứ, khép thật chặt cánh cửa và không cho người lớn biết mình đang làm gì. Nhiều đôi đã phạm sai lầm này khi vừa ra riêng đã từ chối hết những món đồ nội thất cha mẹ tặng, vứt đi những lời khuyên bổ ích của người lớn. Đôi khi việc hai bạn tự quyết tất cả sẽ mang đến cảm giác hài lòng cho riêng mình nhưng lại gây tổn thương cho người lớn vì cảm giác những đứa con bỗng trở nên rạch ròi, tách biệt và trở nên xa lạ.
Dù hai bạn bao nhiêu tuổi cũng vẫn là những đứa con bé bỏng cần sự che chở của cha mẹ - đó là tâm lý chung của các bậc sinh thành. Hãy để cha mẹ cùng đặt những viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà của bạn, cho những lời khuyên về cách trang trí, sắp xếp theo đúng phong thủy. Dù hai bạn “thực hiện có chọn lọc” những lời khuyên ấy thì cũng nên tạo cho người lớn cảm giác gần gũi đến mức có thể. Thường xuyên về thăm nhà cha mẹ để xua tan đi cảm giác hụt hẫng vì đứa con sống cùng từ bé tới lớn bỗng định cư trong căn nhà khác.
Tùy vào hoàn cảnh, mỗi người sẽ có cách ứng xử cho riêng mình nhưng nhìn chung, quyết định ra riêng sẽ là bước ngoặt lớn trong đời sống hôn nhân nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Hãy chứng tỏ cho cha mẹ thấy quyết định của hai bạn là vô cùng đúng đắn bằng cuộc sống viên mãn, hạnh phúc của mình.
Nhã Nghi
Ảnh: Internet