Thanh toán

Nghi lễ quan trọng trong đám cưới thuần Việt

Đăng bởi Marry Doe - 05/07/2017   |   Lượt xem: 2327

Cuộc sống hiện đại ngày nay với sự du nhập rộng rãi của các phong tục, nét văn hóa của nhiều nơi trên thế giới có vẻ như đã làm lu mờ đi một số nét đẹp văn hóa truyền thống. Nhiều người hiện nay, nhất là giới trẻ hoàn toàn không biết về các nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Việt Nam ta. Trong tổ chức hôn lễ thuần Việt, có 7 nghi thức tất cả, trong đó có 3 nghi lễ quan trọng nhất còn được tổ chức đầy đủ cho tới ngày nay, đó là lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ thành hôn. Cùng tìm hiểu 3 nghi lễ này để biết được ý nghĩa của những việc diễn ra trong đám cưới của mình, cô dâu chú rể nhé!

Theo trình tự thời gian, lễ dạm ngõ (chạm ngõ) sẽ diễn ra trước tiên. Đây là nghi lễ đơn giản nhất trong 3 lễ, mang ý nghĩa là buổi gặp gỡ chính thức của hai gia đình. Nhà trai chuẩn bị trầu cau, hoa quả, bánh kẹo và báo trước cho nhà gái để chọn thời điểm thích hợp đưa lễ vật đến nhà gái để thắp hương, chính thức đặt vấn đề cho đôi uyên ương được tìm hiểu nhau trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Điều đặc biệt cần ghi nhớ trong lễ dạm ngõ là các lễ vật đều phải là số chẵn.

Trong thực tế, đa số các bạn trẻ hiện nay đã quen biết và yêu thương nhau trước khi diễn ra lễ dạm ngõ nên lễ này mang yếu tố tinh thần là chủ yếu. Trong lễ dạm ngõ, gia đình hai nhà cũng sẽ bàn bạc về dự định ăn hỏi, lễ cưới.


Sau khi đã hoàn thành việc dạm ngõ, hai nhà sẽ tiếp tục tiến đến nghi lễ quan trọng thứ hai, đó là lễ ăn hỏi. Nghi lễ này được coi như lễ đính hôn trong phong tục truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai họ.

Sau khi tự tay sắm sửa các đồ lễ, nhiều gia đình tự tay đóng lễ vật ăn hỏi. Việc tự tay chuẩn bị đồ lễ tuy mất công nhưng nhà trai có thể yên tâm về số lượng cũng như chất lượng từng vật phẩm. Điều đặc biệt cần lưu ý trong lễ ăn hỏi là nhà trai phải chuẩn bị 3 phong bì đựng tiền (gọi là lễ đen), một phong bì dành cho nhà nội cô dâu, một phong bì dành cho nhà ngoại cô dâu và phong bì còn lại để thắp hương trên bàn thờ nhà cô dâu. Số tiền tùy thuộc vào nhà gái.

Vào ngày đẹp đã định sẵn, nhà trai gồm các bô lão trong họ, bố mẹ chú rể và chú rể sẽ mang tráp đến nhà gái, các tráp này sẽ được bưng bê bởi những thanh niên chưa vợ, đồng thời nhà gái cũng phải có số lượng các thiếu nữ chưa chồng tương ứng để đỡ tráp. Khi trao tráp xong, nhà trai sẽ lì xì cho đội đỡ tráp nữ và ngược lại, nhà gái sẽ lì xì cho đội bưng tráp nam, số tiền lì xì tùy thuộc vào hai nhà và nên thống nhất trước. Trong lễ ăn hỏi, cô dâu thường diện áo dài truyền thống, còn chú rể mặc vest.

Thủ tục ăn hỏi thường tiến hành khi các vị quan khách hai bên đã an tọa, đại diện nhà trai sẽ phát biểu trước, giới thiệu các thành phần tham gia đám hỏi và lý do ăn hỏi để làm thủ tục kết đôi cho đôi uyên ương. Để đáp lễ, đại diện nhà gái sẽ phát biểu tương tự, đồng thời thay mặt gia đình chấp thuận đề nghị của nhà trai và nhận lễ vật. Sau đó, hai bố mẹ của hai nhà sẽ thắp hương báo cáo gia tiên nhà gái. Thủ tục cuối cùng là cô dâu và chú rể ra mắt hai họ, rót nước, mời trầu các vị quan khách.

Để kết thúc nghi lễ đám cưới truyền thống, hai nhà sẽ tổ chức lễ đón dâu. Trong ngày giờ đẹp đã được chọn sẵn, chú rể sẽ cùng bố mẹ và đoàn nhà trai tới nhà gái trong trang phục nghiêm chỉnh, mang theo xe hoa, hoa cưới để đón cô dâu về nhà chồng. Cô dâu sẽ diện váy cưới và chú rể diện vest lịch lãm.

Đại diện nhà trai sẽ xin phép gia đình cô dâu được thắp hương trên bàn thờ nhà gái để báo cáo và làm thủ tục đón dâu. Khi đó, bố cô dâu sẽ đưa con gái về nhà chồng, mẹ cô dâu phải ở lại nhà gái theo phong tục cổ truyền. Khi về tới nhà chú rể, đôi uyên ương sẽ thắp hương tại nhà trai, sau đó nghi lễ thành hôn được diễn ra, tùy theo gia đình hai nhà mà tổ chức tiệc ngọt hay tiệc mặn ở khách sạn.

 

ST

Bình luận

Viết Đánh Giá
H
bà mẹ có con gái gả cho người ta cũng muốn nhà trai làm đầy đủ các lễ, điều đó chứng tỏ con gái họ được coi trọng. Bà mẹ nào cũng muốn gả con gái có chồng nở mày nở mặt
H
đúng đó chị, em thấy mọi người cứ thích gom lễ ăn hỏi với đám cưới chung là sao nhỉ, nếu có thể nên tách ra
H
em đồng ý với quan điểm của chị, dù có rút gọn cỡ nào thì cũng không nên bỏ qua 3 lễ này
H
mình rất thích đám cưới truyền thống Việt, rất trang trọng và ý nghĩa
L
Mà mình cũng cảm nhận đàn gái được nở mày nở mặt với xóm làng nữa
L
Vậy chứ 1 số nhà chỉ làm 2 lễ có khi 1 lễ thấy nhà gái thiệt thiệt sao đó
L
3 nghi lễ quan trọng nhất còn được tổ chức đầy đủ cho tới ngày nay, đó là lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ thành hôn mình nghĩ nên làm đủ 3 lễ đừng rút gọn quá mất đi truyển thống
H
nhiều nghi lễ người ta cũng giản lược bớt cho phù hợp bạn à
H
những nghi lễ mà hầu hết đám cưới nào cũng diễn ra
B
nghi lễ càng trang trọng càng nhiều ý nghĩa