Đăng bởi Marry Doe - 25/03/2015 | Lượt xem: 9427
Nếu thử một lần tìm kiếm trên YouTube bằng từ khóa “First Dance” / “Điệu nhảy ngày cưới”, bạn sẽ biết rất nhiều điều thú vị về nghi thức này và nhận ra phải thực hiện bằng được trong đám cưới của mình!
“First dance” – điệu nhảy ngày cưới là nghi thức rất phổ biến trong đám cưới của các nước phương Tây. Tại Việt Nam, nghi thức lễ cướiđặc biệt này còn khá mới nhưng ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đôi uyên ương trẻ. Lời lý giải cho việc này có lẽ nằm ở nguyên lý “cuộc sống cũng chính là nghệ thuật”, bởi đây chính là sự ảnh hưởng từ các chương trình giải trí nổi tiếng trên truyền hình như “Bước nhảy hoàn vũ” và “Thử thách cùng bước nhảy”, khiến các cô dâu chú rể hiện đại cũng muốn vượt ra khỏi những giới hạn thường ngày.
Lịch sử của điệu nhảy ngày cưới
Điệu nhảy ngày cưới đã có từ khá lâu, nhưng lại ra đời với một mục đích khác. Vào thời mà đàn ông lấy vợ bằng cách săn đuổi và bắt cóc người phụ nữ mình muốn, để thị uy sức mạnh và giới thiệu cô dâu mới của mình, người đàn ông sẽ diễu hành cùng vợ vòng quanh lửa trại trước mặt bạn bè dòng tộc trước khi bắt đầu tiệc mừng. Trải qua nhiều thế hệ, đã có những lúc cô dâu giống như một món hàng mua bán, thì điệu nhảy ngày cưới này mang tính nghi thức hôn phối nhiều hơn, và đặc biệt nghiêm cấm cô dâu chú rể chạm vào nhau trong lúc nhảy múa. Mãi về sau, do sự ảnh hưởng của tín ngưỡng và tôn giáo, với một số khu vực trên thế giới, điệu nhảy mang tính hình thức biểu trưng. Và ở một số nơi khác trở thành mối liên kết lãng mạn và bền chặt của cô dâu chú rể.
Xu hướng thời hiện đại
Kể từ thế kỷ 21, xu hướng nhảy lại thay đổi lần nữa. Tùy theo văn hóa, sắc tộc, tôn giáo hoặc giới tính, người dẫn dắt điệu nhảy có thể là chú rể, mà cũng có thể chính là cô dâu. Và dù điệu nhảy ngày cưới luôn là hình thức tuyên thệ lời thề trăm năm ý nghĩa, thì ngày nay, nó còn biểu trưng cho sự chấp nhận quyền bình đẳng giữa hai người, là khởi đầu cho một cuộc sống mới mà cả hai sẽ hòa làm một.
Tuy nhiên, cho dù bạn muốn bắt đầu đời sống hôn nhân với một điệu Waltz truyền thống lãng mạn hay Foxtrot kinh điển, hay điệu Jitterbug và Country-Western Swing tràn trề sức sống, hay một điệu Tango ngẫu hứng, thì có một điều bạn cần phải biết: Vũ điệu ngày cưới cần phải có kiến thức, kỹ năng, thực hành, và thậm chí là lòng can đảm nếu bạn không quen thể hiện trước đám đông.
Các bước chuẩn bị cho điệu nhảy ngày cưới
Nếu hai bạn quyết định sẽ cùng nhau thực hiện một vũ điệu tuyệt vời nhất cho đám cưới của mình, cần thực hiện các công việc sau:
1. Tìm người hướng dẫn
Bạn muốn khiêu vũ nhưng không biết hoặc chưa bao giờ làm điều đó, tìm người hướng dẫn là việc rất cần ngay lúc này. Những người dạy nhảy sẽ truyền đạt những phương pháp dễ nhất đểcô dâu chú rể có thể nhảy dù không phải là vũ công. Họ sẽ tìm ra những bước nhảy thích hợp dành riêng cho bạn để làm sao cả hai có sự phối hợp ăn ý và nhịp nhàng.
Sau đó, giáo viên sẽ yêu cầu cặp đôi chọn ra 5 bài hát mà họ yêu thích và cảm thấy thú vị để nhảy. Người hướng dẫn sẽ nhìn cách cặp đôi nhảy để hiểu kỹ năng của họ đang nằm ở mức nào, mức độ thoải mái với đối phương, và chọn ra bài hát khiến họ vừa nhảy lại vừa cảm thấy phấn khích, cười vang và hoạt động hết mình.
2. Luyện tập
Các cặp đôi cần dành đủ thời gian trước đám cưới để luyện tập và thực hành điệu nhảy mình mong muốn. Thời gian lý tưởng là từ 3 đến 6 tháng trước ngày cưới, đủ để cho bất cứ cặp đôi không biết nhảy nào có thể trình diễn tốt. Tuy nhiên nếu quá gấp gáp, 1 tháng cũng có thể thực hiện được với một giai điệu nhẹ nhàng và động tác đơn giản.
Điệu nhảy đơn giản nhất mà nhiều cặp đôi có thể thực hiện là slow. Đây là giai điệu chậm rãi nhẹ nhàng. Các cặp đôi cô dâu chú rể chỉ cần dìu nhau thả hồn bay theo nhạc và thỉnh thoảng có vài động tác ngẫu hứng là đã đủ gây hiệu ứng cho không khí buổi tiệc.
Với những cặp đôi biết khiêu vũ, các vũ điệu được lựa chọn trình bày sẽ phong phú hơn và dĩ nhiên độ khó cao hơn như Tango, Waltz, chachacha, salsa…
3. Trang phục
Bạn có thể mặc nguyên trang phục cưới để thực hiện điệu nhảy ngày cưới. Tuy nhiên trong một số điệu nhảy khác, giáo viên hướng dẫn sẽ giúp bạn chọn trang phục phù hợp hơn để di chuyển được dễ dàng. Ví dụ đối với điệu Waltz, trang phục không nên phủ nhiều chất liệu vải nhẹ và bay, vì khi xoay vòng có thể bị quấn vào nhau và vướng chân.
4. Ý tưởng độc đáo
Trong một số trường hợp, giáo viên sẽ hướng dẫn điệu nhảy tập thể. Khi cặp đôi bắt đầu khiêu vũ, những vị khách cũng nhanh chóng tham gia cùng để cô dâu chú rể không cảm thấy lạc lõng. Điều này làm cho đám cưới càng đông vui. Một số cặp đôi còn có ý tưởng “nổi loạn” hơn nữa khi muốn tạo nên một điều gì đó thật đặc biệt, thậm chí là cùng nhảy với những ngôi sao khiêu vũ nổi tiếng. Nói chung là không hề có giới hạn cho những ý tưởng trong nghi thức này.
Điệu nhảy ngày cưới nay đã trở thành điểm nhấn lãng mạn của cặp đôi mới cưới, cũng đem đến một khởi đầu mới cho cuộc sống của họ về sau. Cho dù là điệu “Making Memories of Us” dìu dặt của Keith Urban hay điệu nhảy sôi động theo “Thriller” của Michael Jackson, thì những màn nhảy múa trong đám cưới đều được cô dâu chú rể dày công dàn dựng và chuẩn bị như một món quà cảm ơn dành cho tất cả những vị khách đến dự đám cưới. Hơn nữa, ý nghĩa của điệu nhảy tuy đơn giản nhưng rất quý giá: Chính tình yêu trước mắt sẽ là lời kết nối bền chặt để cả hai cùng dẫn dắt nhau khiêu vũ đến cuối cuộc đời.
Ái Vy