Tôi cảm thấy cô đơn dù đã kết hôn
Nhiều lúc tôi đã chờ đợi cái ngày mình kết hôn. Sống bên người mà mình yêu thương để bù đắp bao năm tháng cô độc một mình.
Thế nhưng, sau này kết hôn, sinh ra được những đứa trẻ xinh đẹp, tôi nhận ra rằng mình vẫn quá cô đơn.
Sự cô đơn của 2 con người xem ra còn đáng sợ hơn cảnh cô độc một mình trước đây.
Anh ấy giống như một con rắn chìm trong im lặng, lạnh lùng tàn độc.
Mục tiêu khác nhau xin đừng ép buộc
Một người bạn nói với tôi rằng: 'Hôn nhân không phải là hai người nên bên nhau, đầu ấp tay gối, cùng nhau hướng tới mục đích chung của cuộc sống, hỗ trợ lẫn nhau tiến lên sao?
Những ai đã lập gia đình, không phải đã thành đôi sao, tại sao tôi vẫn thấy mình một hình một bóng?'
Tôi liền hỏi cô ấy: 'Vậy mục tiêu cuộc sống của cậu là gì?'
Cô ấy không thể trả lời ngay, suy nghĩ mãi mới nói: 'Mình cũng không biết mục đích sống lớn lao của mình là gì.
Chỉ hy vọng rằng gia đình hòa hợp, con cái khỏe mạnh, cuộc sống mỗi ngày một tốt lên. Tương lai muốn gửi con đi học nước ngoài.
Sau đó hai vợ chồng có thể đi du lịch khắp mọi nơi trên thế giới.'
Tôi lại hỏi: 'Vậy mục tiêu cuộc sống của chồng cậu là gì?'
- Anh ấy là luật sư và mục tiêu của anh ấy chính là trở thành luật sư giỏi nhất nước.
- Đấy cậu thấy chưa. Mục tiêu của hai người căn bản hoàn toàn không giống nhau! Làm sao cậu có thể bắt anh ấy cùng nắm tay nhau cùng làm điều này, điều kia được?
Cô ấy lại băn khoăn: 'Cậu có cảm thấy mục đích sống của mình quá đáng thất vọng không, nó quá tẻ nhạt và kém cỏi.'
-Ồ, không phải như vậy. Mục đích sống của con người đâu có phân biệt cao hay thấp. Có cô gái còn đặt ra mục đích sống của mình là ăn hết tôm trên thế giới này.
Cô ấy đến đất nước nào, thành phố nào cũng gọi tôm. Sau đó cô ấy viết đánh giá, như là người sưu tầm tem vậy.
Cô ấy nói rằng cô ấy cả đời sẽ ăn hết tôm, và cảm thấy như thế là đủ hài lòng rồi.
-Vậy mình và chồng theo đuổi những mục tiêu khác nhau trong cuộc sống thì phải làm thế nào?
Khi cưới căn bản không hề nghĩ tới chuyện này. Khi cưới chỉ đơn giản vì yêu, muốn được bên nhau, chứ lúc ấy nào nghĩ tới việc theo đuổi mục tiêu cuộc đời!
Tôi lại hỏi cô ấy:
-Vậy chồng cậu muốn trở thành luật sư giỏi nhất nước, anh ấy có bắt cậu đi học thêm về pháp luật không?
- Không!
- Nếu anh ấy bắt cậu đi học cậu có đi không?
- Ôi trời ơi, đời nào mình đi học, nhìn thôi đã thấy đau đầu!
- Đấy, cậu nhìn xem! Bản thân mình không muốn theo đuổi mục tiêu mà chồng theo đuổi. Vậy cậu dựa vào đâu để bắt anh ấy theo mục tiêu của mình?
Nghĩ mãi, cuối cùng người bạn của tôi mới hiểu ra vấn đề:
- Không đúng, chồng mình muốn trở thành luật sư giỏi, đó là mục tiêu anh ấy theo đuổi. Nhưng những điều mình theo đuổi, đều là vì gia đình của bọn mình!
Hai điều này không giống nhau! Anh ấy cần phải đồng lòng cùng mình trong chuyện này! Vì đó là bổn phận của một người chồng trong gia đình!
- Sai rồi, điều cậu theo đuổi là mục tiêu của cậu. Không thể bắt người khác theo. Cũng không được đề cao chính mình. Đừng nghĩ rằng mình cao thượng còn người khác ích kỷ.
Rất nhiều phụ nữ đặt hết hạnh phúc và giá trị cuộc đời mình vào gia đình. Điều này không sai. Điều sai là cô ấy buộc người đàn ông của mình cũng phải đồng cảm, đồng lòng với điều ấy.
- Mình cho rằng đàn ông ra ngoài làm ăn, chinh chiến không phải cũng vì gia đình sao?'
- Trong thời kỳ sinh tồn có thể như vậy. Tuy nhiên sau này càng ngày họ càng nhận ra giá trị hiện thực, giá trị cuộc sống này.
- Vậy là anh ấy chỉ việc theo đuổi sự nghiệp của bản thân. Còn mình lại phải lo theo đuổi hạnh phúc của cả gia đình này!
- Hạnh phúc hay không hạnh phúc đều là cảm giác nội tâm, là do bản thân mong muốn, sự hòa hợp trong hôn nhân, hay hình ảnh gia đình vui vẻ đó là phản chiếu và thỏa mãn nội tâm của bản thân.
Người chồng chỉ đóng góp một vai trò trong đó. Đối với anh ấy mà nói, người phụ nữ hà tất phải đặt ra nhiều yêu cầu đến vậy?
Mục tiêu khác nhau, vì vậy đừng ép buộc nhau. Đặt mục tiêu, mong muốn đối với cuộc sống của mình lên vai người khác, đó cũng là một dạng ép buộc.
- Cậu có biết mục đích cậu đến với thế giới này là gì không? Tôi lại hỏi.
- Mỗi con người, đến với thế giới này đều có sứ mệnh riêng của họ, đều có nhiệm vụ phải hoàn thành.
Rất nhiều phụ nữ không biết sứ mệnh của mình là gì, chỉ biết đặt toàn bộ cuộc sống vào chồng con và tự đặt toàn bộ gánh nặng ấy lên vai mình, cho rằng mục đích cuộc sống là toàn bộ gia đình.
Cuộc đời con người như vậy, nếu có thể tự vui thú, tận hưởng là một chuyện khác.
Nhưng đa số phụ nữ lại phụ thuộc vào người khác, đặt kỳ vọng quá nhiều vào người khác, như thể phải có người diễn chung vở kịch cuộc đời với họ.
Để rồi khi người khác không làm được đúng ý họ, lại cảm thấy oán giận.
Ý nghĩa cuộc đời này, không nhất định phải thành danh, có tên tuổi với đời, thành kế toán, bác sĩ, luật sư giỏi.
Bất cứ nghề nghiệp nào, thợ xây, người sơn móng tay.. đều có thể đạt được vinh quang trong sự nghiệp.
Hạnh phúc của cuộc sống này, có thể là sở thích của bạn, là việc thưởng thức ẩm thực, nếm các vị cà phê, hoàn thành ước mơ lúc nhỏ của bạn.
Hạnh phúc cũng có thể đơn giản là được đi đôi giày khiêu vũ, cầm bút vẽ, trở thành Van Gogh trong trái tim của bạn, hoặc đơn giản với một số người là cả đời giữ được cân nặng ở mức 50kg.
Nó có thể là đức tin của bạn. Nếu bạn tin vào Kitô giáo, cuộc sống của bạn sẽ có niềm tin, sẽ không còn cảm thấy đơn độc.
Nếu bạn tin vào Phật giáo, bạn đã thấy được sứ mệnh của mình trong cuộc đời này, tìm thấy chính mình...
Khi bạn hiểu được mục đích của mình trong cuộc sống. Bước tiếp theo, đơn giản là hãy độc lập bước đi.
Mỗi người đều là một cái tôi độc lập. Bạn không có quyền yêu cầu nửa kia của mình nhất định phải đi trên cùng con đường. Trừ khi lúc bạn tìm kiếm đối tượng, hãy chắc chắn tìm kiếm một người bạn.
Nếu lúc còn đang yêu, khi nắm tay anh ấy bạn không đề nghị điều này, hay không có được sự chấp nhận, cam kết của nửa kia trong vấn đề này, bạn không có quyền yêu cầu anh ấy những điều như vậy sau khi kết hôn.
Trên thực tế, trên thế giới này, không có chiếc lá nào có 2 mặt giống nhau, nói chi đến việc có được 2 con người giống nhau?
Vì vậy ngay cả khi bắt đầu hai người có cùng mục tiêu với nhau, nhưng sau đó con người cũng sẽ thay đổi con đường của chính mình.
Vì vậy, kéo theo một người trên hành trình của mình, với bản thân có thể là một sự nỗ lực, với người khác có thể là một sự tra tấn.
Như vậy, phải làm gì khi đã kết hôn?
Phụ nữ thường đòi hỏi quá nhiều trong hôn nhân.
Bạn cố tìm kiếm một điều gì đó từ hôn nhân, tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Để rồi càng phát hiện ra sự vô nghĩa.
Bạn xem hôn nhân như một sự theo đuổi những mục tiêu trong cuộc sống. Kết quả bạn nhận ra rằng việc thực hiện những mục tiêu này vô cùng khó khăn.
Bởi vì bây giờ một mình bạn nỗ lực là không đủ, bạn còn phải kéo theo một người khác.
Nếu như xoay ngược lại, bạn hãy yêu cầu bản thân cao hơn một chút, đòi hỏi ở hôn nhân ít hơn một chút:
Trời lạnh, nếu bàn chân đủ ấm áp thì tốt rồi. Nếu không bản thân cũng có thể tự xuống nhà lấy túi chườm ấm.
Thay vì chờ đợi một ai đó làm gì đó cho bạn, bạn vẫn hoàn toàn có thể tự làm được.
Thay vì chờ đợi ai đó mang tặng bạn một món quà, bạn vẫn có thể tự mua tặng mình.
Gặp việc lớn, có thể tìm một ai đó để chia sẻ, nếu họ giúp được là điều tốt, không giúp được cũng nhớ lấy mọi việc tự mình làm là chính.
Sinh ra một đứa trẻ, một người giữ vai trò làm cha, nếu anh ấy đối xử tốt là điều tốt. Nếu anh ấy không lo chăm sóc con cái gia đình, thì tự mình chăm sóc con cũng là tốt, là niềm vui.
Ông Trời đã ban cho phụ nữ quyền mang thai và sinh con. Bạn đương nhiên có quyền quyết định sinh hay không sinh, nuôi nấng hay không nuôi nấng.
Nếu bạn không cảm thấy đủ sức sinh và nuôi con một mình, thì hãy suy nghĩ để không có bầu, không sinh con từ đầu.
Sau cùng, hôn nhân chỉ là một hình thức của cuộc sống. Kết hôn cũng tốt, không kết hôn cũng tốt. Cưới người này cũng tốt, người kia cũng tốt.
Vì quan trọng nhất, không phải bạn cưới ai, mà quan trọng cách bạn sống thế nào. Vì dù đó là ai, bạn vẫn phải học cách bước đi độc lập hết con đường này.
Khôi Nguyên/ Sưu tầm