Đăng bởi Marry Doe - 06/07/2019 | Lượt xem: 2426
Sự khác nhau cơ bản giữa việc chọn ngày cưới ở miền Nam và miền Bắc chính là tâm lý. Nếu người miền Bắc chỉn chu tới từng giờ, đa số chọn tổ chức đón dâu và đãi tiệc trong cùng một ngày, thì người miền Nam có thể linh động, tổ chức đón dâu và tiệc vào hai ngày khác nhau, sao cho tiện để khách mời tới dự tiệc nhiều nhất.
1. Cách xem ngày ở miền Nam
Thông thường, ở niềm Nam, cha mẹ, ông bà của cô dâu chú rể sẽ là người quyết định đi xem ngày và thống nhất với gia đình thông gia để chọn được thời điểm cưới thích hợp. Khi quyết định cưới, các bậc lớn tuổi ở hai nhà thường cùng tới chùa để xin ngày đẹp, không nhất thiết phải xem ở các thầy tướng thầy số. Điều này được giải thích để tránh việc xem ngày khác nhau, dễ gây tranh cãi. Ngày tháng cưới cũng xét dựa trên sự hòa hợp với ngày sinh tháng đẻ của cô dâu chú rể, kiêng các năm tuổi và kiêng những năm kim lâu.
Các năm Kim Lâu được tính bằng cách: lấy tuổi của cô dâu (là tuổi theo lịch âm, hay còn gọi là tuổi mụ) cộng lại, nếu số cuối cùng là 1, 3, 6, 8 thì năm đó kiêng cưới xin. Ví dụ, cô dâu sinh năm 1987, vào năm 2012 sẽ tròn 26 tuổi theo lịch âm, tổng số 2 + 6 = 8, nên năm 2012 không thể cưới vì đúng năm tuổi Kim Lâu. Nếu muốn cưới vào những năm Kim Lâu thì phải đợi qua ngày Đông Chí, là ngày rơi vào dịp cuối năm.
2. Tầm quan trọng của nghi lễ truyền thống ở đám cưới miền Nam
Trong phong tục cưới hỏi miền Nam, các gia đình sẽ quan trọng và lưu tâm nhất về giờ làm lễ ở hai nhà, tức là ngày đẹp, giờ đẹp để nhà trai tới nhà gái xin dâu, cũng như giờ đẹp để cô dâu về bái tổ tiên, ra mắt họ hàng nhà trai. Còn thời điểm tổ chức tiệc ở nhà hàng có thể linh động, nếu tiện thì làm luôn trong ngày, hoặc có thể chuyển sang một ngày khác.
Điều này khá khác biệt so với đám cưới ở miền Bắc. Các gia đình ngoài Bắc lại quan niệm, khi đã làm lễ thành hôn truyền thống thì phải mời khách dự tiệc ngay trong ngày, không thể lùi ngày tổ chức tiệc, như vậy có thể coi là không chu đáo.
Trong Nam, cô dâu chú rể và gia đình cũng luôn chọn thời điểm tổ chức tiệc vào cuối tuần và nhất thiết là buổi tối để khách mời thư thả, sắp xếp công việc xong xuôi để tới chung vui cùng cô dâu chú rể. Chỉ những gia đình nào không đặt được nhà hàng hay có công việc bận không thể hủy mới bất đắc dĩ mời khách vào buổi trưa.
Theo wedding planner của Lemon Tree Style, nguyên nhân của việc này là do người dân miền Nam coi đám cưới như một sự kiện văn hóa, khi dự tiệc đều cầu kỳ sắm sửa váy áo, phục trang chỉn chu. Mỗi tiệc cưới cũng kéo dài ít nhất từ 3 tiếng đồng hồ trở lên, ngoài ra còn có phần đãi bia rượu để khách mời uống thoải mái, nên nếu tổ chức vào trưa sẽ vội vàng, bất tiện cho mọi người.
Với mỗi vùng miền, phong tục cưới sẽ có nhiều điều khác nhau, vì vậy nếu chuẩn bị làm dâu, rể ở xa quê hương, đôi uyên ương nên tìm hiểu rõ các nghi lễ cưới để tránh xảy ra những bất đồng và làm vui lòng gia đình, người thân ở cả hai nhà.