7 cảm giác đáng sợ nhất trong tình yêu
1. Cảm giác người đó không chỉ có một mình bạn.
Người ta nói trực giác của người đang yêu phát triển mạnh kinh khủng, bạn có thể ngay lập tức nhận ra người đó có những mối quan hệ mờ ám khác, dù không có bất kỳ một tín hiệu nào hay chứng cứ gì.
Có một lần bạn tôi chia tay người yêu, cũng là vì cảm giác đó. Nói ra lúc đó thì có vẻ trẻ con, nhưng cô ấy chỉ đơn giản là cảm nhận, và cô nhắn một cái tin cho anh kia: Em biết anh đang có 2 người khác. (Mà kinh hơn là biết hẳn 2 người nhé!). Sau này tìm hiểu thì đúng là hắn có 2 người thật!
Duana Welch có nói một câu thế này: Hãy chọn người hoàn-toàn chọn bạn. Đừng thoả hiệp với những thứ ít giá trị hơn.
Nghĩa là tình yêu luôn bao hàm một sự ích kỷ, tình yêu thì không thể “nhường” và người yêu thì không thể “thị trường”.
Chỉ khi hai con người thực sự dành cho nhau cả thế giới riêng biệt và riêng tư, những thứ trong đó mới có giá trị lên theo từng ngày mà họ sống. Thời nào rồi mà còn yêu đương lung tung, hẹn hò vô nghĩa? Thức tỉnh đi!
2. Cảm giác không biết tương lai về đâu.
Đành rằng yêu nhau nên sống cho hiện tại, nhưng nếu hiện tại đã hơi chông chênh thì tốt nhất nên mường tượng về xa xôi.
Nếu bạn mỗi ngày đều muốn giỏi hơn, giàu hơn lên mà nhìn qua ông người yêu 19/24 tiếng cắm đầu vô điện thoại coi hài, nghe nhạc và chơi game thì cũng xin nhìn xa thêm chút xíu về tương lai để thấy sông rộng đường dài và mình sẽ lái đò trên ấy.
Hãy thẳng thắn trò chuyện, anh/em nghĩ bọn mình sẽ thế nào trong 5 hay 10 năm nữa? Nếu bọn mình lập gia đình thì sao? Có con nữa thì sao?
Và có khi bạn sẽ nhận ra người mình yêu đương cuồng nhiệt thuở ban đầu ấy hiện hình là một người chả có chí tiến thủ chi hết.
Nếu bạn “gánh team” được (chuyện này đối với đàn ông thì dễ hơn, vợ chỉ cần xinh ngoan là đủ) thì ok, còn nếu bạn không thể, thì cảm giác này đáng lưu tâm để xét lại.
3. Cảm giác chán.
Chán là một cái gì đó lặp đi lặp lại một cách cũ mèm. Với những đôi yêu nhau đủ sâu, họ sẽ thấy được bình yên trong những thói quen hay tin nhắn hỏi thăm mỗi ngày.
Còn với những người trẻ hơn, họ dễ để cái chán đó giết chết tình yêu. Có khi chê chán đòi bỏ người ta, lúc người ta có người mới thì mới hoảng hồn nhận ra kiếm khắp nhân gian cũng chả có ai bằng, thì đã muộn.
Chán là một cái bẫy. Cảm giác đó dễ đến dễ đi, luôn có nhiều cách để làm mới mối quan hệ, quan trọng là người ta có còn đủ muốn vì nhau mà cố gắng nữa không.
4. Cảm giác mình đã yêu một người không xứng đáng.
Ví dụ bạn phải lòng một nàng xinh như tiên. Nhưng khi nàng mở miệng ra thì vô duyên không chịu nổi. Cũng có khi bạn yêu một chàng trông rất lịch thiệp, nhã nhặn.
Nhưng yêu rồi mới tá hỏa khi chàng thích hành hạ động vật hay mắng nhiếc người phục vụ.
Thường thì tiềm thức sẽ cho bạn tín hiệu để phát hiện ra những đối tượng nguy hiểm, bạo lực, tâm thần trong những ngày đầu, nếu tự nhiên nó kêu reng reng trong đầu là “chạy đi má ơi!!!” thì liệu mà xách dép chạy ngay giùm.
Người yêu hay vợ chồng đều là cộng-nghiệp, ở gần người thiếu phước đức đời sống không thể an vui. Thái Thượng Lão Quân truyền đời câu nói: Nghiệp đổ như đi đường gặp mưa, bốn bể đều là mưa, không nơi nào trú núp.
Yêu trúng người ác, người ngu, người điên thì biết trú mái hiên nào?
Cảm giác tự dưng mình si mê bao ngày, để rồi biết thật sự con người đó không giống như mình nghĩ, quả là đáng sợ!
5. Cảm giác thua kém người yêu.
Cảm giác này thường chỉ xảy ra với người đàn ông, hoặc vai chồng trong một mối quan hệ, khi người vợ/bạn gái có phần vượt trội về khả năng tài chính hoặc tài năng.
Nhiều người vì thấy thua kém, mà cuối cùng chịu không nổi buông tay luôn, trong khi người kia vẫn yêu mình thủy chung, không hề lừa dối.
Tôi thấy cảm giác này thật là vô nghĩa. Vì sao? Vì bạn dở hơn thì bạn có đi đâu hay chia tay thì bạn vẫn dở hơn (vì chuyện này mà chia tay thì cộng thêm cái dở hơi nữa).
Người ta chia tay một người để quen một người khác tốt hơn hoặc ngang tầm thì còn chấp nhận được, chứ chẳng ai chia tay một người tốt để tìm một người… ít tốt hơn (!?).
Trừ khi người kia có thái độ không phù hợp chứ nếu họ vẫn tốt thì mình đã hơn thua sai chỗ. Tình yêu không phải trò hơn thua, thua ai chứ thua người yêu mình thì có khi còn hợp đạo lý.
6. Cảm giác sợ cưới.
Thú thật khi người yêu cũ nói với tôi với em ấy yêu là phải cưới, tôi đã toan xách dép bỏ chạy. Mặc dù chỉ sau đó một năm là tôi đã muốn dọn về nhà chung rồi nhưng tôi vẫn nhớ trong đầu cái cảm giác đó để tìm hiểu về nó.
Những người trẻ họ rất sợ gông xiềng. Họ luôn muốn bước vào một ngôi nhà mà lối thoái lui phải luôn ở ngay đó, để họ không bị bắt nhốt.
Tương tự, một tình yêu đầy-hứa-hẹn thời này là một tình yêu không-hứa-gì-hết. Nghe thiệt trái ngang nhưng nó là như vậy đấy!
Chỉ đến khi trưởng thành hơn, bạn mới hết cảm giác này và bắt đầu tìm kiếm một sự gắn bó đúng nghĩa.
Nhất là khi bạn trải nghiệm đủ nhiều để biết những người lý tưởng nhất họ đều đã sớm gắn bó với một người nào đó và cùng xây dựng hạnh phúc rồi!
Cũng có những người độc thân lâu, nhưng là vì mảnh ghép khớp với họ không dễ tìm và cũng chính vì mong một sự gắn bó đúng nghĩa nên họ mới độc thân.
Còn muốn đi hoang mãi mãi thì chỉ có mèo với gà thôi.
Và chúng luôn bị thịt ở đâu đó…
7. Cảm giác từ sự im lặng.
Tôi xếp cảm giác này vào dạng nguy hiểm nhất. Tôi cũng từng trải qua nó, ở cái ha phía, chủ động im lặng và nhận được sự im lặng.
Đơn giản là một ngày, người yêu không nhắn gì.
Không kể chuyện gì nữa, không quan điểm, không trêu nhau, không nói xấu một ai đó nữa.
Phía bên kia không nhắn, bên này cũng không nhắn.
Rồi vài ngày sau, họ liên lạc lại để nói một lời cuối.
Có người tệ hơn, chẳng nói luôn lời cuối.
Có lần tham gia một chương trình truyền hình về hôn nhân, tôi từng nói rằng nếu tình yêu vẫn tồn tại, thì nó còn gây ra tiếng động.
Còn cãi vã, còn giận, còn trách, còn nước mắt thì còn mừng vì đó nghĩa là còn yêu.
Hết yêu nhau đáng sợ lắm.
Chỉ có im lặng thôi.
(st)