Đăng bởi Marry Doe - 29/06/2015 | Lượt xem: 2386
Các bạn trẻ ngày nay đa số cho rằng những điều kiêng kỵ trong đám cưới là lạc hậu, mê tín. Họ quan niệm hôn nhân bền vững hay không là do hai vợ chồng có hiểu nhau, thực sự yêu nhau và có kỹ năng sống chung hay không. Tuy nhiên, nhiều điều kiêng kỵ cũng không hẳn là không có cơ sở. Muốn có một cuộc hôn nhân viên mãn, trọn vẹn, chúng ta cũng không nên bỏ qua những quan niệm này
Trên thực tế, mỗi vùng miền khác nhau sẽ có những phong tục cưới xin khác nhau. Và miền Trung quê hương tôi cũng không phải là ngoại lệ, nơi đây cũng có những quan niệm và tập tục đã tồn tại từ rất lâu rồi.
1. Kiêng kỵ về tuổi tác
Thường thì khi chàng trai và cô gái sau thời gian quen biết, tìm hiểu và yêu nhau, quyết định đưa người yêu về ra mắt gia đình, khi đó việc trước tiên họ hàng hai bên sẽ hỏi về tuổi tác, cung mệnh của chàng và nàng. Đây là cửa ải đầu tiên mà các cặp đôi phải trải qua.
Không ít trường hợp sau khi các bậc cao niên phán rằng không hợp tuổi, hợp mệnh, thậm chí tuổi tác xung khắc, nếu lấy nhau về một trong hai người sẽ đoản mệnh, khó sinh con đẻ cái, làm ăn thất bát... khi đó bố mẹ ra sức cấm cản sẽ dễ dẫn đến chia tay.
Tuy nhiên cũng có nhiều đôi trẻ kiên trì thuyết phục, dùng lý lẽ và dẫn chứng để chứng minh cho gia đình thấy mặc dù khắc tuổi, khắc mệnh vẫn lấy nhau và sống vui vẻ, hạnh phúc.
2. Phải chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới
Theo tục lệ, bên nhà trai sẽ nhờ thầy xem chọn tháng đẹp trong năm, ngày đẹp trong tháng để tiến hành tổ chức lễ ăn hỏi và lễ cưới. Sau đó là chọn giờ hoàng đạo để chú rể xuất phát đến rước dâu, giờ cô dâu chú rể làm lễ thành hôn.
Ngoài ra, còn đặc biệt kiêng kỵ cưới vào năm cô dâu ở tuổi kim lâu - là tuổi có số đuôi 1, 3, 6, 8 để tránh những điều không may mắn có thể xảy đến.
Tháng 7 Âm lịch cũng hiếm khi được chọn tổ chức ngày trọng đại vì theo tương truyền, tháng này có sự tích Ngưu Lang Chức Nữ chia ly.
Từ xưa đến nay, quan niệm phải chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới hỏi chắc hẳn là ở vùng miền nào cũng đã và đang áp dụng.
3. Những điều kiêng kỵ trong lễ cưới
* Khi chú rể cùng đoàn bê tráp sinh lễ đến nhà gái, việc trao tráp cũng cần thực hiện theo đúng nghi lễ. Các bạn trẻ hai bên trao tráp lễ cho nhau, đồng thời bí mật trao tay phong bao lì xì để mong cầu duyên lành cho mình và chúc phúc cho cô dâu, chú rể.
* Cô dâu khi đã chào cha mẹ họ hàng để bước ra cổng về nhà trai thì tuyệt đối không được ngoái đầu nhìn lại, cứ nên nhìn thẳng phía trước mà bước theo chàng về dinh.
* Cô dâu chú rể trên đường về nhà trai nếu đi qua cầu qua sông, qua ngã ba ngã bảy thì thả xuống một ít tờ tiền lẻ mệnh giá thấp nhất.
* Mẹ của cô dâu không được theo đoàn rước dâu tiễn con gái về nhà chồng.
* Cô dâu khi về đến nhà trai, mẹ chồng sẽ chờ ở cổng cầm chiếc nón lá dừa che cho con dâu và dắt tay con dâu vào nhà.
* Những người đang có tang tuyệt đối không nên tham dự lễ rước và đón dâu để tránh mang lại những điều xui xẻo cho cô dâu, chú rể và gia chủ.
* Phụ nữ đang mang bầu không nên vào trang trí phòng tân hôn, cũng như ngồi lên giường tân hôn.
Trên đây là những điều kiêng kỵ trước và trong đám cưới ở miền Trung. Theo bản thân tôi, cũng là một cô gái miền Trung, sinh ra, lớn lên và lập gia đình ngay ở chính quê hương của mình, tôi chưa bao giờ có tư tưởng phủ nhận hay gạt bỏ những điều kiêng kỵ này.
Tuy nhiên, tôi cho rằng những điều này không phải lúc nào cũng đúng hoặc sai. Chúng ta cần tùy vào điều kiện không gian, hoàn cảnh mà có những cách áp dụng phù hợp, để có một cuộc hôn nhân suôn sẻ, trọn vẹn, vợ chồng hòa thuận, sống hạnh phúc đến "đầu bạc răng long".