Đăng bởi Marry Doe - 30/06/2017 | Lượt xem: 805
.
1. Lễ chạm ngõ
Lễ chạm ngõ là nghi lễ đầu tiên trong tập tục cưới hỏi truyền thống của người Việt. Trên thực tế đây là một cách để hai bên gia đình gặp mặt, tìm hiểu nhau. Lễ chạm ngõ còn được hiểu là nghi lễ dành cho gia đình nhà trai gặp gỡ gia đình nhà gái để xin phép cho con trẻ được hẹn hò qua lại với nhau.
Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong lễ chạm ngõ
Trong lễ chạm ngõ, nhà trai sẽ mang lễ vật sang nhà gái bao gồm trầu cau, kẹo bánh, thuốc trà và hoa quả. Mặc dù đây là nghi lễ không quan trọng nhưng là nghi thức không thể bỏ qua trong đám cưới truyền thống của người Việt. Người xưa quan niệm rằng, nếu không thực hiện lễ chạm ngõ con gái sẽ bị mất giá.
Hiện nay, lễ chạm ngõ đã được bỏ tuy nhiên một số gia đình vẫn còn giữ vì họ cho rằng, nếu hai gia đình không gặp gỡ, biết nhau trước việc tổ chức cưới hỏi sẽ đường đột.
2. Lễ ăn hỏi
Sau lễ chạm ngõ là lễ ăn hỏi. Vào ngày ăn hỏi nhà trai sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng lễ vật theo yêu cầu của nhà gái và mang sang nhà gái. Nghi thức trong lễ ăn hỏi, được thực hiện cầu kỳ, kỹ lưỡng và cẩn thận.
Mâm tráp và lễ vật mang sang nhà gái phải được trang trí cầu kỳ trau chuốt, được phủ bởi tấm vải màu đỏ có chữ hỷ thêu trên. Tùy theo hoàn cảnh gia đình, cũng như văn hóa vùng miền mà số lượng lễ vật cũng sẽ khác nhau.
3. Lễ xin dâu
Vào ngày tổ chức đám cưới, nhà trai sẽ cử đại diện cùng chú rể đến nhà cô dâu để xin rước dâu. Đoàn rước dâu của nhà trai, sẽ do người cao tuổi hoặc người có uy tín trong gia tộc dẫn đầu, đi sau là những người mang lễ vật và gia đình họ hàng.
Cô dâu chú rể thắp hương lên bàn thờ trước khi về nhà chồng
Tại nhà gái, mẹ cô dâu sẽ nhận tráp trầu của nhà trai đặt trên bàn thờ gia tiên. Và cô dâu chú rể sẽ thắp hương làm lễ cúng gia tiên nhà gái. Nghi lễ này có hàm ý là nhà gái chấp nhận cho cô dâu về nhà chồng.
4. Lễ rước dâu
Sau lễ xin dâu, đại diện gia đình nhà gái sẽ tặng quà cho cô dâu chú rể, chú rể sẽ mang hoa cưới để trao cho cô dâu cùng lễ vật nhà trai mang sang đón dâu. Sau khi hoàn tất mọi nghi lễ ở nhà gái, cô dâu sẽ theo chú rể về nhà chồng.
Nhà trai có thể rước dâu bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngày xưa những gia đình quyền quý sẽ rước dâu bằng kiệu. Còn thông thường sẽ rước dâu bằng ngựa, đi bộ nếu gần, xe đạp, xe máy…ngày nay chủ yếu rước dâu bằng xe ô tô.
Tại nhà trai, lễ cưới chính thức được diễn ra, cô dâu chú rể sẽ trao nhẫn cưới cho nhau, đại diện gia đình hai bên lên phát biểu, căn dặn đôi vợ chồng trẻ. Đồng thời, đại diện gia đình họ hàng nhà trai, sẽ trao vòng vàng, quà hồi môn cho cô dâu chú rể để làm vốn sau này.
5. Đãi tiệc
Nhà trai tổ chức đãi tiệc để mời họ hàng, bạn bè
Sau nghi lễ chính thức, nhà trai sẽ tổ chức đãi tiệc để mời họ hàng và bạn bè đến chung vui. Ngày nay, đãi tiệc thường được nhà trai và nhà gái tổ chức chung. Nếu hai bên gia đình tổ chức đám cưới riêng, nhà gái sẽ đãi tiệc trước khi nhà trai sang đón dâu. Còn nhà trai sẽ đãi tiệc sau khi rước dâu về nhà.
6. Lễ lại mặt
Sau đám cưới một ngày, cô dâu chú rể sẽ quay lại nhà gái để chào hỏi bố mẹ vợ gọi là lễ lại mặt hay còn gọi là lễ nhị hỷ. Trong nghi lễ này, mẹ chồng sẽ chuẩn bị sẵn một mâm lễ vật nhỏ để cô dâu chú rể mang sang nhà gái.
Thời gian cô dâu và chú rể ở nhà gái khoảng từ 1-3 ngày. Tuy nhiên tùy theo vào khoảng cách địa lý, đặc thù công việc của cô dâu và chú rể mà thời gian cũng khác nhau. Lễ lại mặt thường được thực hiện vào buổi sáng sớm.
Ngày nay tùy theo phong tục, văn hóa từng vùng miền, cũng như gia cảnh của từng người mà người ta lược bỏ hoặc gộp chung các nghi lễ lại với nhau để tiết kiệm. Tuy nhiên, dù có lược bỏ hay gộp chung nghi thức đám cưới cần được thực hiện trang trọng, nghiêm trang và phải thuận tiện cho cả hai bên gia đình.