Vỗ mông chọn vợ ở Hà Giang
Người Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang) ngoài tục chặn đường cướp dâu còn có tục vỗ mông để chọn bạn đời. Đầu năm, trai gái Mông háo hức sắm sửa quần áo đẹp đi chơi xuân. Trên các bãi đất trống, trai gái thi nhau thổi khèn, ném còn giao duyên.
Thích cô gái nào đó, chàng trai vỗ vào mông thiếu nữ coi như tỏ tình. Nếu ưng cái bụng thì cô gái vỗ đáp lại. Hai người vừa đi vừa vỗ đến khi đủ 9 cặp thì thôi, sau đó họ tìm chỗ ngồi tâm sự riêng. Người Mông quan niệm mỗi bên phải vỗ mông đủ 9 lần thì lời tỏ tình mới được công nhận. Sau đó, chàng trai tìm người mai mối và họ chính thức nên duyên vợ chồng.
Hai bên phải vỗ vào mông đối phương đủ 9 lần thì lời tỏ tình mới được chấp nhận . Ảnh: TL.
Thực ra, không phải vô tình mà trai gái Mông tìm được nhau và thực hiện tục lệ trên. Những người tham gia tục lệ này thường có sự tìm hiểu từ trước và ưng thuận nhau. Vỗ mông chỉ là cái cớ để hai người gặp lại, chàng trai có dịp thể hiện tình cảm lẫn bản lĩnh của mình trước mặt cô gái và những người xung quanh.
Đàn ông Mông thường chọn người vợ biết thêu thùa, khâu vá. Ngoài ra, cô gái phải có dáng to khỏe, bắp chân săn vồng, mông to nhún nhảy trong làn váy theo mỗi bước đi vì những người đó khéo làm lụng và chăm con.
Nơi một tháng chỉ được cưới hai ngày
Thị trấn Yên Lạc (Vĩnh Phúc) là địa phương duy nhất của cả nước có quy ước cưới xin. Ngày dạm ngõ, ngày cưới được quy định rõ ràng. Đám cưới ở đây chỉ được tổ chức vào hai ngày trong tháng là mùng 2 và ngày 16 âm lịch. Quy ước còn quy định cụ thể cách tổ chức cưới "Không làm sân khấu, không dùng loa nén, không cổng chào, dùng các loại bóng điện thường thắp sáng, tiết kiệm chi tiêu, không tổ chức ăn lại mặt sau cưới...".
Với 80% dân số làm nghề mộc, mức sống của người dân thị trấn khá cao. Vào ngày được cưới, cả thị trấn đóng cửa xưởng, người dân gác việc nhà đổ xô đi ăn cỗ. Cả chục đôi uyên ương cưới cùng một ngày khiến cho việc đi ăn cưới ở đây giống một ngày hội.
Dù quy ước còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng đã thành lệ, thành thói quen nên người dân nghiêm túc thực hiện, không có đám nào phá lệ. Chỉ có đám thanh niên là không đồng thuận, vì cho rằng cưới không hát hò, loa đài thì buồn và bị trai làng khác chọc khoáy là kém chịu chơi. Nhưng lệ ông cha đặt ra nên họ đành phải chấp nhận.
Tục rước dâu ban đêm của người Thái ở Nghệ An
Trước khi bước vào cửa nhà chồng, cô dâu sẽ được làm lễ rửa chân kỹ càng. Ảnh: TL.
Người Thái ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) thường rước dâu vào lúc 0h. Họ cho rằng ban ngày có nhiều linh hồn, quỷ dữ lang thang, nếu đám rước tiến hành ban ngày thì những linh hồn sẽ theo về phá hạnh phúc của đôi trẻ. Thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và mới chính là lúc trong lành, có nhiều lộc trời nhất, là lúc thích hợp để đón cô dâu về nhà.
Đúng 22h đêm, đoàn rước nhà chú rể bắt đầu lên đường. Ngoài lễ vật thì nhà trai phải chuẩn bị một cái chiêng để vừa đi vừa gõ, xua đuổi tà ma và thông báo cho cả làng biết người con gái trở thành con nhà mình.
Khi đến nơi, cổng nhà gái đóng kín. Cô dâu đứng trong hát "Cổng nhà tôi then nào cũng dài/ Đố anh biết cái này gỗ chắc?". Chú rể buộc phải vượt qua thử thách màn hát đối đáp giao duyên thì mới được mở cổng cho vào.
Bước vào sân, chú rể bị người nhà cô dâu té cả xô nước vào người. Đây là tục lệ "rửa tội" và cũng để thử thách lòng kiên nhẫn của chàng trai. Qua được màn này, chú rể bước lên nhà và tiếp tục vượt qua các vòng hát đối đáp khi người nhà cô dâu mời ngồi, mời trầu. Nội dung màn hát kể những gian lao, vất vả của hai họ khi nuôi nấng cô dâu, chú rể trưởng thành khiến cuộc rước dâu thêm tưng bừng. Người Thái hay hát đối đáp nhằm kéo dài thời gian, chờ thời khắc để rước dâu và cũng là giữ gìn phong tục của người xưa.
Thời khắc rước dâu đã điểm, cô dâu bước ra khỏi nhà. Về đến nhà chú rể, cô sẽ được mẹ chồng chờ sẵn với chậu đồng đựng nước suối trong, có ngâm đồng xu bạc. Bà sẽ rửa chân cho con dâu vào nhà và trao vòng bạc may mắn. Sau đó, đôi trẻ trao vòng cưới và thề hẹn thủy chung suốt đời.
Điều đặc biệt trong đám cưới nơi đây, dù lấy chồng gần hay xa thì cô dâu cũng phải đi bộ. Đôi trẻ dẫn đầu, đoàn người cứ thế đi trong sương lạnh nhưng ấm tình người.
Mùa bắt chồng của thiếu nữ Chu Ru ở Lâm Đồng
Tháng ba Tây Nguyên, mùa con ong đi lấy mật cũng là lúc thiếu nữ Chu Ru rộn ràng vào mùa bắt chồng. Người Chu Ru sống theo chế độ mẫu hệ, muốn có chồng thì cô gái phải đi bắt vào ban đêm.
Theo tục lệ của người Chu Ru, sau khi chàng trai đồng ý đeo nhẫn, cô gái dâng chiếc khăn tự tay dệt. Họ choàng chung và chính thức trở thành vợ chồng. Ảnh: Anh Phương.
Khi thích chàng trai nào đó, thiếu nữ thông báo cho cả gia đình và dòng họ biết. Gia đình cô gái đến nhà chàng trai hỏi dạm và bà mối đeo chuỗi cườm, nhẫn đính hôn vào tay chàng trai. Người con trai nhận đeo nhẫn nghĩa là chấp thuận làm chồng cô gái. Trường hợp không thích, chàng trai có thể tháo trả nhẫn nhưng 7 ngày sau cô gái lại chọn đêm đẹp trời để tới, cho đến khi chàng trai đồng ý và đám cưới được tiến hành.
Trước ngày cưới của đôi trẻ, buôn làng tổ chức đêm hội bắt chồng rất tưng bừng. Trong đêm hội, trai gái phải đọc những luật tục riêng, như "Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha, ăn ruộng ăn rẫy phải hỏi tai con trâu con bò, làm rẫy phải hỏi thần núi, về với vợ như về với nước...".
Với người Chu Ru, đôi nhẫn cưới mang một sức mạnh huyền bí, được gọi là Srí. Nó làm nhiệm vụ kết nối và trở thành lời thề hạnh phúc gia đình khi người con gái hoàn thành thủ tục bắt chồng.
Để đúc nhẫn, người nghệ nhân nấu chảy sáp ong, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn bằng ngón tay nhúng vào, chờ sáp khô là rút que gỗ ra. Sáp và phân quánh thành ống tròn, được cắt làm khuôn đúc nhẫn. Sau đó, họ đổ bạc đun nóng vào khuôn, đúc thành đôi nhẫn trống mái. Nhờ sức nóng của bạc, sáp và phân bết chặt tạp thành lớp men ngoài nhẫn, tượng trưng cho vợ chồng gắn kết thủy chung.
Lấy nhau về, vợ hoặc chồng ngoại tình sẽ phải đền ba con trâu đực cho người kia và số trâu tăng theo số lần ngoại tình. Con trâu là tài sản lớn trong nhà nên đây được coi là tập tục gắn kết tình chung thủy trong đời sống vợ chồng. Đôi nhẫn sau này trở thành tín vật giữa hai nhà.
Theo Vnexpress