Đăng bởi Marry Doe - 28/02/2017 | Lượt xem: 11629
Phong tục cưới hỏi ngày xưa là chuỗi các nghi thức truyền thống, với nhiều lễ tiết. Ngày nay, chuyện cưới hỏi đã tiết chế nhiều tục lệ, từ 6 lễ chỉ còn 2-3 lễ. Nhưng nhiều tục lệ từ xưa vẫn tồn tại ở một số khu vực, vùng nông thôn.
Tục đưa canh thiếp trong ngày lễ dạm.
Tại một số địa phương miền Tây Nam bộ như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, trong ngày lễ dạm (tiết chế từ lễ vấn danh), cha mẹ chú rể hoặc người đại diện đến nhà gái xin phép cho hai trẻ chính thức qua lại và định ngày phối ngẫu. Trước đó, nhà trai sẽ đến chùa hoặc gặp thầy tướng số lấy lá số tử vi của chú rể, sau đó điền thông tin vào "canh thiếp" (lá thiếp) - là giấy ghi họ tên, tuổi, quê quán, cung mạng con cái nhà ai.
Theo phong tục cưới hỏi xưa, cha mẹ cô dâu nhận canh thiếp của nhà trai sẽ đi xem có hợp tuổi với con gái mình không mới chấp nhận các bước tiếp theo. Còn ngày nay, cha mẹ chú rể thường hỏi trước số tử vi của cô gái để xem tuổi và xem ngày cưới hỏi tốt trước. Khi đến nhà gái, canh thiếp được trình như thủ tục. Nhà trai đánh tiếng hỏi xin cưới vợ cho con trai, hai bên gia đình bàn bạc ngày cưới hỏi luôn trong lễ dạm
Tục bước qua lò than hồng
Tục bước qua lò than hồng dành cho cô dâu diễn ra trong lễ tơ hồng xưa kia nay vẫn còn nhiều gia đình áp dụng trong lễ rước dâu. Sau khi về đến nhà chú rể, cô dâu phải bước qua một lò nhỏ than hồng, tục rằng để đốt vía xấu. Lửa hồng sẽ đốt hết những tà ma theo quấy phá cô dâu và sẽ đốt vía của tất cả những kẻ độc mồm độc miệng đã chê trách, quở mắng cô dâu ở dọc đường.
Cô dâu vào lễ gia tiên nhà chồng xong, ông bà cũng như cha mẹ chồng tặng cho cô dâu món quà, thường là tiền hoặc là đồ nữ trang. Sau lễ cúng cô dâu bước tiếp qua đống lửa đã được nung hồng để bước vào buồng mình.
Phong tục cưới hỏi bước qua lò than cũng bắt gặp trong phong tục cưới hỏi của người Dao. Chú rể người Dao phải ở rể hai đến ba năm. Sau đám cưới, khi về nhà chồng, cô dâu Dao cũng bước qua than hồng trước sự chứng kiến của hai họ. Ý nghĩa của phong tục này là cô dâu từ nay đoạn tuyệt với con ma họ ngoại và theo con ma nhà chồng.
Diễn viên - ca sĩ Nhật Kim Anh thực hiện phong tục cưới hỏi cổ truyền bằng cách bước qua lò than hồng trong ngày rước dâu
Tục trải giường cưới cho đôi uyên ương
Phòng tân hôn của cặp vợ chồng mới cưới rất quan trọng, là nơi đầu tiên hai người trải qua cùng nhau với danh nghĩa vợ chồng và gắn bó trong cuộc sống sau này. Để chuẩn bị cho đêm động phòng, mẹ chú rể sẽ mời một phụ nữ thân thiết với gia đình, tính tình hiền hậu, có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và đủ đầy trai gái để trải giường giúp cặp uyên ương.
Giường ngủ của đôi vợ chồng mới được trải drap nệm, sử dụng gối mới tinh tươm với màu sắc tươi tắn. Người trải giường chuẩn bị 5 bao lì xì: 4 bao đặt 4 góc giường, 1 bao đặt ở giữa giường. Việc trải giường mới với mục đích lấy may, cầu mong cho đôi trẻ có cuộc sống no đủ, hạnh phúc, con cái đề huề. Điều này còn thể hiện sự tân trọng của nhà trai dành cho cô dâu mới.
Khi đưa con gái sang nhà chồng, nhà gái thường vào thăm phòng tân hôn. Nhưng kiêng kỵ không để ai ngồi lên giường cưới, chỉ dành cho đôi tân nhân “khai trương” giường cưới.
Trải giường cưới cho tân giai nhân là phong tục cưới hỏi có từ lâu đời và nay vẫn được nhiều địa phương thực hiện.
Lễ lại mặt
Sau ngày đám cưới và đưa dâu về nhà chồng, mẹ chú rể sẽ chuẩn bị mâm lễ nhỏ để cô dâu chú rể mang về nhà gái biếu tặng cha mẹ cô dâu. Thời gian đôi vợ chồng mới cưới về nhà gái lại mặt là khoảng 1-3 ngày sau khi thành hôn. Đây là phong tục cưới hỏi truyền thống mang ý nghĩa rất nhân văn. Gia đình cô dâu sẽ chuẩn bị bữa ăn đầm ấm đón con gái con rể mình về thăm, đồng thời dặn dò thêm con gái làm tròn vai trò người vợ trong gia đình chồng và xây dựng gia đình mới.
Lễ lại mặt sau ngày cưới là phong tục cưới hỏi ý nghĩa
N.Ngân