Đám cưới là sự kiện trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Vì thế, chắc hẳn cô dâu chú rể nào cũng quan niệm rằng phải tổ chức sao cho đáng nhớ nhất, thậm chí là hoành tráng nhất có thể. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ “hầu bao” để tổ chức một hôn lễ trong mơ.
Do đó, để tránh "méo mặt" khi thanh toán hóa đơn tiệc cưới, các đôi uyên ương nên phải cân nhắc, tính toán sao cho lễ cưới vẫn đầy đủ các nghi thức, mâm bàn tươm tất mà không vượt quá hạn mức ngân sách đã hoạch định.
Ước tính khách mời và tiền mừng cưới
Tiền mừng cưới là nét văn hóa riêng của người Á Đông và ngày nay nó đã trở thành “thông lệ” không thể thiếu trong mỗi đám cưới. Bên cạnh việc đến chia vui cùng cô dâu chú rể, tiền mừng cưới được xem là cách mà khách mời gửi gắm lời chúc phúc đến với các đôi uyên ương.
Hiện nay, tiền mừng cưới sẽ trung bình nằm ở khoảng 400.000 đồng – 500.000 đồng. Ngoài ra, số tiền mừng còn phụ thuộc các yếu tố khác như mức độ sang trọng của nhà hàng, theo điều kiện kinh tế của mỗi người và theo mức độ thân thiết của mối quan hệ giữa khách mời với vợ chồng cũng như gia đình hai bên.
Dựa vào đó, bạn có thể ước tính được số tiền mình có thể nhận được sau tiệc cưới. Từ đó, cô dâu chú rể sẽ dự tính chi phí đặt tiệc cho phù hợp để tránh bị "lỗ vốn" quá nhiều.
Tính toán kỹ lưỡng danh sách khách mời
Hiện nay, mức tổ chức một tiệc cưới tại một nhà hàng tầm trung ở các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội từ khoảng 3 triệu/bàn/10 người. Chi phí trên bao gồm phí tổ chức, phục vụ, món ăn, thức uống... Như vậy, để không bị “lỗ”, số tiền mừng trung bình mỗi bàn cần phải lớn hơn con số trên.
Chúng ta có thể làm một phép tính đơn giản như sau:
- Với 200 khách cùng 10 bàn tiệc và giả sử khách đến đầy đủ:
- Chi phí ít nhất sẽ là: 3 triệu x 20 bàn = 60 triệu.
- Số tiền mừng trung bình là 500.000 đồng/người: 500.000 x 200 (người) = 100.000.000 đồng
Với phép tính đơn giản, chúng ta dễ dàng nhận ra số tiền "lãi" sau đám cưới có được là khoảng 40 triệu. Tuy nhiên, thực tế sẽ có những khách mời không tham dự sẽ không có hoặc có mức tiền mừng thấp hơn. Vì thế, tổng số tiền thực tế thu về sẽ thấp hơn.
Theo thống kê chung, trong trường hợp thời tiết tốt, thuận tiện cho quan khách tham dự thì “tỷ lệ rớt khách” nằm ở khoảng 10%. Trong những trường hợp bất lợi hơn (thời tiết xấu, ngày cưới diễn ra trong tuần...), tỷ lệ trên có thể tăng lên đến 30%.
Bạn có thể tham khảo con số “tỷ lệ rớt khách” này để ước tính số lượng đặt bàn, giảm tối thiểu số bàn dư. Các nàng đừng quá lo lắng vì đa số các nhà hàng sẽ tặng cho bạn 2 bàn dự phòng. Trước lễ cưới khoảng 2-3 tuần, bạn nên tổng kết lại số lượng khách mời lần cuối để kịp thời điều chỉnh với nhà hàng nhé.
Chọn địa điểm nhà hàng tổ chức tiệc cưới
Trong tất cả các bước chuẩn bị cho đám cưới, đây là một trong những khâu quan trọng nhất. Bởi toàn bộ nghi lễ thành hôn, ra mắt họ hàng, quan khách và đãi tiệc đều diễn ra tại đây. Bạn nên chọn
địa điểm tổ chức tiệc cưới có chất lượng tốt, phù hợp với khả năng tài chính.
Các tiêu chí quan trọng gồm chất lượng món ăn, thái độ phục vụ, vị trí thuận lợi, sảnh cưới sang trọng... Song song đó, cô dâu chú rể cũng nên tham khảo trước và khoanh vùng các địa điểm tổ chức tiệc cưới “tiềm năng” trên internet:
- Tìm các địa điểm tổ chức tiệc cưới thuận tiện cho việc đi lại cho khách mời của cả hai bên.
- Đọc phản hồi từ các cặp đôi đã tổ chức lễ cưới tại đó
- Tham khảo trên Hội cô dâu Marry để tìm thêm thông tin. Các cặp đôi hãy mạnh dạn đặt câu hỏi về những nhà hàng tiệc cưới mà bạn đang phân vân. Sau đó, hai bạn có thể cùng nhau lọc lại để chọn một địa điểm tổ chức lý tưởng nhất.
- Đừng quên tham vấn ý kiến của người xung quanh, những người thân, bạn bè đã cưới trước nhé.
- Cuối cùng, “trăm nghe không bằng một thấy” nên bạn hãy dành thời gian để đến tận nơi tham quan cũng như nhận được sự tư vấn phù hợp (đừng quên hỏi các nhà hàng về những ưu đãi).
Lưu ý trong mùa cưới, các địa điểm tốt nhất luôn được săn đón. Do đó, khi tìm được địa điểm ưng ý, các cặp đôi nên nhanh chóng chốt hợp đồng ngay nhé.
Lựa chọn thực đơn cưới hợp lý
Thực đơn chính là yếu tố quan trọng quyết định nên giá thành "mâm cỗ". Các nhà hàng tiệc cưới luôn có thực đơn đa dạng với nhiều mức giá khác nhau cho các cặp đôi lựa chọn. Hơn nữa, bạn vẫn có thể chủ động đổi món theo ý mình.
Bí quyết để có một thực đơn ngon, giá thành vừa phải cho buổi tổ chức tiệc cưới đó là:
- Mùa nào thức ấy: Bạn cưới vào mùa nào thì nên chọn những món và thực phẩm mà mùa đó có sẵn, như vậy sẽ không phải gặp khó khăn hoặc chấp nhận giá thành cao.
- Những món lạ, đắt tiền chưa chắc đã ngon và vừa miệng nhiều người. Theo kinh nghiệm của đa số các cặp đôi, một mâm cỗ đầy đặn, đủ món, đa dạng và nấu ngon sẽ dễ làm hài lòng quan khách hơn.
Chi phí phát sinh
Hiện nay, các nhà hàng cưới thường cung cấp dịch vụ trọn gói cho các cặp đôi. Do vậy, các chi phi phát sinh thường đến từ việc cô dâu chú rể muốn thay đổi các tuỳ chọn trong gói dịch vụ như thay đổi bia, phông nền, tiết mục múa mở màn, thêm dàn nhạc sống, màn hình trình chiếu video clip cưới trong suốt thời gian diễn ra tiệc, bục catwalk cho cô dâu...
Nếu như có bất kỳ yêu cầu nào ngoài gói dịch vụ của nơi tổ chức, các cặp đôi cần hỏi rõ những khoản đó nhà hàng có hay do mình tự đi thuê ngoài, chi phí ra sao? Bạn nên hỏi rõ người tư vấn sảnh tiệc những chi phí phát sinh có thể xảy ra ngay từ đợt đặt cọc đầu tiên để có sự chuẩn bị về tài chính.
Xem kỹ hợp đồng
Sau khi đã đồng ý chọn nhà hàng và các dịch vụ, thực đơn món ăn, chúng ta sẽ cùng với đại diện bên nhà hàng thảo ký hợp đồng. Để tránh những vướng mắc sau này, cô dâu chú rể nên xem xét kỹ các hạng mục trước khi ký tên. Chẳng hạn như hình thức thanh toán, đặt cọc, những ưu đãi được hưởng khi đặt tiệc...
Trong các khâu
lên kế hoạch cưới, chọn nhà hàng tiệc cưới luôn là hạng mục quan trọng, luôn được ưu tiên hàng đầu. Bởi đây chính là ấn tượng của các vị khách mời về ngày trọng đại của hai bạn. Chính vì thế, các cô dâu chú rể tương lai đừng "xuềnh xoàng" trong khâu chuẩn bị này nhé.