Đăng bởi Marry Doe - 24/09/2018 | Lượt xem: 1983
Hôn nhân chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Vậy đâu là ý nghĩa thâm sâu trong hôn lễ truyền thống của người Việt.
Những nghi lễ cưới truyền thống luôn giữ một nét đẹp văn hóa và có ý nghĩa nhất định. Trong những lễ cưới hiện đại ngày nay, tuy có giản lược so với những phong tục truyền thống, nhưng các gia đình vẫn giữ đúng những nghi lễ quan trọng nhất. Trong đó, những vùng miền khác nhau sẽ có những đặc trưng riêng nhưng vẫn tuân theo những nghi lễ nhất định.
Theo quan niệm truyền thống của người Việt, chuyện vui được cử hành vào ngày lành tháng tốt thì cô dâu chú rể sẽ có được hạnh phúc trăm năm, con đàn cháu đống. Các nghi thức chính cần thiết để có một đám cưới đủ đầy và ý nghĩa nhất gồm có: Dạm ngõ - Ăn hỏi – Đón dâu – Tiệc cưới – Lại mặt.
Trao lễ vật dạm ngõ
Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong ngày trọng đại của các cặp đôi.
Lễ dạm ngõ diễn ra sau khi các cặp đôi đã thưa chuyện với hai bên gia đình, thể hiện mong muốn tiến tới hôn nhân. Nhận sự đồng ý của nhà gái, nhà trai sẽ đem đồ lễ sang và nhà gái dùng lễ vật đó dâng lên bàn thờ tổ tiên. Sau khi cúng xong, nhà gái chia lại cho nhà trai một phần - gọi là lại quả. Những lễ vật thường có là rượu, trà, bánh kẹo… Nhưng quan trọng nhất vẫn là trầu cau, bởi “miếng trầu là đầu câu chuyện” - không có trầu là không theo lễ.
Đám hỏi
Trong phong tục truyền thống của người Việt, lễ ăn hỏi được xem như lễ đính hôn. Nghi lễ này được xem như là một thông báo chính thức về việc gả con cái giữa hai gia đình. Vào ngày này, bên nhà trai sẽ chuẩn bị mang sính lễ để ra mắt nhà gái. Tùy theo phong tục của các vùng miền mà số lượng lễ vật và mâm tráp có sự khác nhau. Với miền Bắc, nhà trai cần chuẩn bị lễ vật theo số lẻ. Còn miền Nam thì ngược lại với số lượng lễ vật theo số chẵn. Vì thế, gia đình 2 bên nên có sự trao đổi và sắp xếp phù hợp để lễ ăn hỏi được tiến hành một cách tốt đẹp nhất.
Đón dâu
Lễ đón dâu hay còn gọi là lễ rước dâu, là lời tuyên bố chính thức tới nhà gái về việc kết hôn của đôi uyên ương. Trong ngày quan trọng này, chú rể sẽ đi xe hoa, mang theo hoa cưới cùng bố mẹ, họ hàng tới nhà gái đón dâu. Cô dâu chú rể sẽ làm lễ gia tiên, thắp hương.
Sau khi nhà gái đã nhận quả từ nhà trai, mâm quả sẽ được đặt trước bàn thờ gia tiên. Thông thường, tráp trầu cau được đặt chính giữa vì tráp này được mở đầu tiên để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Người chủ hôn sẽ nói về ý nghĩa các lễ vật đặt trên bàn thờ. Các lễ vật nói lên công đức giáo dưỡng của cha mẹ, cũng như an bài của trời đất mới có được hôn lễ như hôm nay, trai gái cần phải trân trọng điều này.
Cô dâu sau đó sẽ theo chú rể về nhà. Tại nhà chú rể, hai người cũng làm lễ gia tiên và tiếp nhận những phần quà, của hồi môn theo nghi thức.
Trong ngày về nhà chồng, cô dâu sẽ được nhận trang sức vàng từ bố mẹ đẻ và mẹ chồng; trong một số trường hợp là nhận từ người thân trong gia đình như cô, dì, chú, bác... Dây chuyền, vòng cổ, bông tai, nhẫn… được các bà mẹ xem như "của hồi môn" dành tặng cho con.
Nghi thức đám cưới
Trong tiệc cưới, cô dâu sẽ mặc bộ váy cưới đẹp nhất cùng bó hoa cưới trên tay. Chú rể sẽ khoác lên mình bộ vest lịch lãm sánh đôi cùng cô dâu bước vào hội trường và cùng mời rượu các khách mời. Không gian tiệc cưới ngày nay cũng rất được chú trọng với sự chuẩn bị và trang trí kỹ lưỡng từ sân khấu, cổng cưới, bàn gallery và phông nền chụp ảnh...
Lễ lại mặt
Sau đám cưới khoảng 1-3 ngày, chú rễ sẽ đưa cô dâu về nhà mẹ đẻ, tặng quà và dùng bữa cơm với gia đình cô dâu. Nghi thức này được gọi là lễ lại mặt. Lễ lại mặt mang ý nghĩa nhắc nhở đôi vợ chồng son về chữ hiếu với cả hai bên gia đình.
Dù ở thời đại nào, dựng vợ, gả chồng luôn là một việc thiêng liêng của đời người, đánh dấu bước khởi đầu cho sự gắn bó bền chặt về tình, về nghĩa. Những nghi thức được đặt ra cũng không nằm ngoài ý nghĩa tốt đẹp thể hiện ước vọng về một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn.
Nguồn: Thegioitre.vn