Thanh toán

Nói không với những yêu cầu vô lý của bố mẹ hai bên

Đăng bởi Marry Doe - 12/03/2012   |   Lượt xem: 873

Sự khác biệt thế hệ dễ dẫn đến những quan điểm trái ngược giữa cô dâu, chú rể với bố mẹ và gia đình hai bên. Làm thế nào để nói KHÔNG với những yêu cầu vô lý, lắm khi quá mức của người lớn mà vẫn giữ không khí vui vẻ trước và trong ngày cưới?

Một cổ mấy tròng Ngày nay, tuy không còn quan điểm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, nam thanh nữ tú được tự do chọn người yêu thương, nhưng vai trò của cha mẹ trong lễ cưới của người Việt vẫn được xem trọng. Yêu đương là việc của đôi trẻ, còn cưới xin lại là chuyện của hai gia đình. Bố mẹ, hoặc những người họ hàng, thường là các bác trưởng tộc, trưởng họ, cũng góp tiếng nói không nhỏ trong khâu tổ chức đám cưới. Thông thường, lễ cưới được chuẩn bị từ sáu tháng đến một năm. Đây là thời gian lý tưởng nhất để các thành viên có thời gian chuẩn bị, sắp xếp tiền bạc, chọn ngày giờ, đặt nhà hàng... Từ lúc gia đình hai bên gặp mặt để bàn chuyện cho đôi trẻ, cho đến khi lễ cưới chính thức diễn ra có vô số điều phát sinh, trong đó nhiều chuyện nảy sinh từ yêu cầu quá mức của người lớn. Câu chuyện 1: Người trẻ hiện nay thích tổ chức tiệc cưới hiện đại, đơn giản. Ngược lại, bố mẹ, ông bà thì muốn theo đúng các thủ tục lễ nghi truyền thống. Điều này khiến những cô dâu chú rể có quê cách xa nhau càng thêm mệt mỏi. Đó là trường hợp của Hằng và An. Một người ở Cà Mau, còn một người quê Thanh Hóa. Họ cùng nhau lập nghiệp tại TP.HCM. Bố mẹ hai bên đều muốn con cái phải tổ chức đám cưới rình rang ở quê nhà, trong khi số tiền dành dụm để cưới xin của hai người có hạn. Thêm vào đó, đang đợt cuối năm, công việc bận rộn nên hai người không thể nghỉ phép dài ngày để tổ chức đám cưới ở cả ba nơi. Cả hai bị đẩy vào tình thế một cổ mà mấy tròng. Câu chuyện 2: Trước ngày cưới khoảng một tuần, bố mẹ chồng tương lai của Nga đột nhiên đòi thêm 10 bàn tiệc cho nhà trai vì... chợt nhớ thêm danh sách một số người quen từ thời xưa thật là xưa. Khổ nỗi nhà hàng đặt tiệc không lớn, chỉ đủ sức chứa một lượng khách nhất định. Nếu tăng thêm tiệc cho nhà trai thì nhà gái hoặc bạn bè cô dâu chú rể buộc phải giảm bớt. Dù Nga đã nhiều lần thuyết phục nhưng bố mẹ chú rể vẫn giữ nguyên ý định. Câu chuyện 3: Càng gần ngày cưới, Hoàng Lâm càng lo lắng hơn vì mẹ vợ tương lai nhiều lần dọa tự tử. Bà tin lời thầy bói, nhất định cho rằng họ không hợp tuổi, không thể cưới nhau vì mệnh, can, xung – khắc... Dù đôi trẻ đã có bốn năm gắn bó với nhau nhưng vẫn không đủ lý lẽ để thuyết phục mẹ cô dâu. Ngày cưới gần kề, mọi việc trở nên rối tinh rối mù khi mẹ vợ đòi hai vợ chồng phải thực hiện khá nhiều thủ tục cúng bái và nghi lễ kì quặc để giải hạn. Cách giải quyết của người trong cuộc Câu chuyện 1: Vợ chồng Hằng và An chọn giải pháp tổ chức đám cưới ở TP.HCM trước. Sau đó viện cớ công việc bận rộn, hai người lùi ngày cưới ở quê đến Tết. Nhân dịp năm mới, hai người ra mắt họ hàng, bà con ở quê. Tiền tổ chức đám cưới giảm bớt được nhờ cùng công mua sắm thực phẩm, đồ đạc cho dịp Tết. Hơn nữa, hai vợ chồng không bị nghỉ thêm ngày phép. Năm đó, dù phải chạy show ở hai nơi xa nhau nhưng hai vợ chồng cũng tiết kiệm được một khoản kha khá mà vẫn làm hài lòng cha mẹ. Sự đồng lòng giữa đôi uyên ương vô cùng quan trọng Câu chuyện 2: Dù trong lòng không vui nhưng Nga không tiện ra mặt từ chối yêu cầu của bố mẹ chồng tương lai. Cô khéo léo chia sẻ với chồng để anh trao đổi trực tiếp với cha mẹ. Nga đưa ra “tối hậu thư” rằng anh không thuyết phục được cha mẹ thì phải tự giảm danh sách khách mời của mình. Sau cùng, bố mẹ chú rể đành phải rút gọn danh sách khách mời còn một nửa và bản thân chồng Nga cũng tự cân đối lượng khách của mình. Câu chuyện 3: Trong lúc đang đau khổ vì chuyện đám cưới, Hoàng Lâm may mắn nhận được lời khuyên của người bạn. Theo đó anh tìm hiểu được rằng mẹ vợ tương lai có một người bạn rất thân. Thế là Lâm phải làm công tác tư tưởng với cô bạn của mẹ vợ, nhờ cô ấy giúp cho đôi trẻ. Đồng thời anh và vợ sắp cưới cũng tìm hiểu các trường hợp xung quanh để chứng minh với mẹ vợ rằng nhiều trường hợp khắc tuổi vẫn có thể chung sống cùng nhau hạnh phúc. Quan trọng là sự đồng nhất của đôi uyên ương Từ những câu chuyện tiêu biểu trên, kinh nghiệm rút ra là, đầu tiên cần sự đồng nhất giữa cô dâu, chú rể. Hai người phải chung ý kiến với nhau và cùng bảo vệ quan điểm với gia đình. Đánh giá lại yêu cầu của bố mẹ có phù hợp với phong tục tập quán, tình hình kinh tế, quan điểm sống... của đôi vợ chồng trẻ không. Nếu đôi uyên ương chỉ có thể tổ chức đám cưới trong vòng 100 triệu đồng (không có sự hậu thuẫn của gia đình hai bên) mà gia đình cô dâu yêu cầu phải tăng khoản này,  gia đình chú rể đòi chi thêm khoản kia thì tất nhiên cô dâu chú rể phải có cách thuyết phục sao cho thích hợp. Cần xác định ranh giới giữa yêu cầu chính đáng và đòi hỏi vô lý bằng cách tham khảo ý kiến của những người đã có kinh nghiệm tổ chức đám cưới, hoặc qua sách báo, Internet... Sau khi phân tích tình hình cụ thể, xác định rõ yêu cầu của gia đình hai bên là vô lý hay không cô dâu chú rể cần dùng lời nói nhẹ nhàng, lập luận gãy gọn, phân tích thấu đáo với bố mẹ, họ hàng để họ hiểu quan điểm của hai vợ chồng. Tuyệt đối tỏ ra hỗn hào, láo xược với bố mẹ, người thân. Không nên vì phút nóng giận mà gây hiểu lầm, xích mích. Điều này sẽ gây vết thương lòng và nhiều bất lợi cho cuộc sống sau này. Giải thích cho những người thân thân thiết với bố mẹ hiểu sự việc, khéo léo kéo họ đứng về phía mình và nhờ họ góp ý, thuyết phục, nói thêm với bố mẹ giúp.

Thái Dũng

Ảnh: minh họa. Internet

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào