Đăng bởi Marry Doe - 28/06/2014 | Lượt xem: 3186
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc cưới xin theo phong tục truyền thống của dân tộc Thái đen ở Điện Biên vẫn được duy trì. Tuy nhiên, để hòa nhập cùng với dòng chảy sự phát triển của cuộc sống thì một số nghi lễ trong phong tục cưới truyền thống cũng được thay đổi để phù hợp.
Dân tộc Thái đen ở Điện Biên có nhiều phong tục truyền thống rất đặc sắc. Trong đó, phong tục cưới truyền thống với các nghi lễ độc đáo đã làm nên nét riêng mà các dân tộc khác không có được. Chúng tôi có dịp đến dự đám cưới của một cặp đôi cô dâu, chú rể ở bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên vào một ngày đẹp trời. Cô dâu và chú rể đều là người Thái đen, vì vậy đám cưới được tổ chức theo phong tục truyền thống của dân tộc.
Từ sáng sớm, nhà trai đã mang đủ các lễ vật cần thiết để tiến hành nghi lễ như: 2 bung gạo, 4 chai rượu, 4 gói gà, 4 kẹp “pà hắp” (cá sấy khô) bỏ trong giỏ nan đan hình mắt cáo, 4 ống “bẳng nhứa” (ống thịt) chọn thịt nạc ướp cùng muối, nhồi vào ống tre để khao “lúng ta” (nhà ngoại), “xí hó khát pú” (4 gói trầu) ăn cùng với rễ cây “co hát”...
Nghi lễ đầu tiên là lễ trải chăn đệm. Nghi lễ này được thực hiện bởi “4 bà hạnh phúc”, gồm 2 người phụ nữ của họ nhà trai và 2 người phụ nữ của họ nhà gái. Họ đều phải là người khỏe mạnh và có cuộc sống gia đình hạnh phúc, tiến hành nghi lễ trải chăn đệm cho cô dâu, chú rể ở gian buồng cô dâu theo thứ tự: Trải chiếu cô dâu trước rồi chiếu chú rể trải lên trên, đệm cô dâu đến đệm chú rể, ga đệm cô dâu đến ga đệm chú rể... Trải xong, “4 bà hạnh phúc” mắc màn cưới phủ kín chăn đệm rồi đứng ở 4 góc đệm nói lời cầu may, chúc phúc cho cô dâu, chú rể.
Đối với thiếu nữ Thái đen thì nghi lễ Tẳng cẩu – lễ búi tóc ngược lên đỉnh đầu trong ngày cưới, là nghi lễ để lại nhiều dấu ấn không thể phai mờ trong suốt cả cuộc đời. Bởi nó đánh dấu sự trưởng thành của người con gái, chứng tỏ rằng người con gái đã có chồng. Vì vậy, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong phong tục cưới truyền thống của dân tộc Thái đen. Đồ sính lễ do nhà trai chuẩn bị gồm: 2 búi tóc độn, 1 trâm bạc cài tóc, 8 sải vải trắng, 8 sải vải đỏ và một số lễ vật khác. Người được chọn để tẳng cẩu cho cô dâu nhúng lược vào bát nước cỏ mần trầu rồi chải tóc cho cô dâu, dùng tay vuốt ngược tóc từ sau gáy lên kèm theo lọn tóc độn và búi cuốn chặt. Khi búi tóc đã hoàn chỉnh thì cắm trâm bạc xuyên qua búi tóc để giữ cho tẳng cẩu không bị xổ ra. Sau khi trao nhẫn cưới cho nhau và nhận quà từ bố mẹ 2 bên gia đình, cô dâu mặc trang phục cưới truyền thống mà nhà trai đưa đến rồi cô dâu chú rể cùng nhau bước vào giường cưới. “4 bà hạnh phúc” cùng tất cả mọi người uống rượu chúc phúc.
Vẫn là chiếc áo cóm dịu dàng, vẫn là váy nhung đen huyền hoặc và chiếc thắt lưng (xài èo) tôn vòng eo duyên dáng. Nhưng bộ trang phục truyền thống mà cô dâu mặc bây giờ cũng có nét khác so với trước đây. Áo cóm truyền thống của dân tộc Thái đen được may bó sát người, dài vừa chớm tới vòng eo thon thả. Áo cóm thường là áo dài tay thụng, thân thẳng, không lượn nách mà nách áo được trang trí theo lối đáp hai mảng hoa văn trong bố cục hình tam giác được gọi “tó bửa”. Trên ngực áo là đôi hàng cúc bạc hình bướm. Một bên là hàng bướm đực, một bên là hàng bướm cái. Bướm đực có đầu hình tam giác, mang đôi râu kiêu hãnh vươn ra phía trước. Bướm cái đầu tròn có lỗ nhỏ hình thoi ở giữa. Khi luồn đầu bướm đực vào đầu bướm cái, vạt áo được khép lại kín đáo. Theo quan niệm dân gian Thái, hai hàng cúc bạc trên hai vạt áo (xửa cỏm) là tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, tạo nên sự trường tồn của nòi giống. Áo cóm bây giờ được may với nhiều loại vải có hoa văn sặc sỡ hơn, áo lượn sát nách, ngắn tay và hơi bồng ở vai.
Cùng với áo cóm thì váy (xỉn) cũng tạo nên nét chính duyên dáng trong bộ trang phục của người phụ nữ Thái đen. Trước đây, váy người phụ nữ Thái đen được may 2 lớp: Lớp trắng lót bên trong và váy chàm bên ngoài. Váy được giữ cố định bằng dải thắt lưng màu xanh lam, giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng. Ngày nay, các thiếu nữ Thái thường mặc váy nhung đen 1 lớp và dùng cạp may sẵn. Tuy nhiên, bộ trang phục này vẫn làm cho người phụ nữ thêm xinh đẹp hơn và chính người mặc nó lại làm cho bộ trang phục ấy sống động, đầy sắc trẻ trung với cái hơi, cái hồn văn hóa của dân tộc mình.
Lễ xướng báo ma nhà hay còn gọi là làm lí tổ tiên được thực hiện ở “cò ló hóng” nơi thờ cúng của gia đình nhà gái. Đây là phong tục không thể thiếu của người Thái đen nhằm báo với tổ tiên khi con gái đi lấy chồng. Trong lễ báo ma nhà, gia đình nhà gái phải mời thầy cúng về làm lễ. Ngoài việc cúng báo tổ tiên, thầy cúng cũng cầu tổ tiên phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ sống vui khỏe, gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Tiếp sau lễ xướng báo ma nhà là lễ “téng khảu khèn” (Tạ ơn cha mẹ). Các lễ vật theo phong tục truyền thống sẽ do chú rể chuẩn bị để cảm ơn cha mẹ vợ đã sinh thành và nuôi dưỡng cô dâu khôn lớn. Trước khi chú rể có lời cảm ơn bố mẹ vợ, đại diện 2 họ nhà trai và nhà gái cùng nâng mâm lễ lên rồi đặt xuống 3 lần nhằm gọi 3 hồn, 7 vía của bố mẹ vợ. Theo phong tục của người Thái đen thì cha mẹ đã có công nuôi dưỡng con cái khôn lớn, khi con gái lấy chồng thì không quên công ơn cha mẹ. Sau một vài năm hay thậm chí cả chục năm tùy từng điều kiện của gia đình thì quay về làm lễ tạ ơn cha mẹ. Đây là nghi lễ không thể bỏ qua được, bởi người Thái đen quan niệm: Khi con gái lấy chồng phải làm lễ “téng khảu khèn” thì mới được cúng bái tổ tiên nhà chồng. Ngày nay, do điều kiện kinh tế phát triển, đời sống của bà con được cải thiện nên lễ tạ ơn cha mẹ thường được tổ chức ngay trong ngày cưới của cô dâu, chú rể. Các nghi lễ theo phong tục cưới truyền thống được thực hiện xong thì cũng là lúc bà con dân bản đến chia vui và chúc phúc cho cô dâu, chú rể.
Phần thú vị nhất của đám cưới là lễ tặng quà của cha mẹ và họ hàng nhà gái cho cô dâu. Để lấy được các món quà, nhà trai phải “cướp quà” vì nhà gái sẽ “giữ quà”.
Trong lễ rước dâu về nhà chồng, cô dâu sẽ tặng gia đình nhà trai mỗi người một món quà gồm: Một chiếc khăn piêu, một chiếc túi thổ cẩm và một chiếc khăn do chính tay cô dâu làm từ trước đó. Những quà biếu này vừa để bày tỏ tình cảm của nàng dâu mới đối với nhà chồng, vừa tự giới thiệu nếp đảm đang, tài khéo léo của mình.
Hiện nay, đa số dân tộc Thái ở Điện Biên đều thực hiện theo phong tục cưới như trên. Các nghi lễ được tiến hành nhanh gọn nhưng nghiêm túc và đầy đủ lời đối đáp, lời khuyên bảo hài hòa, tế nhị, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ trải chăn đệm, lễ tẳng cẩu, lễ tạ ơn cha mẹ… là những nghi lễ có nhiều ý nghĩa vẫn được duy trì, được tiến hành trong thời gian nhanh gọn, ít nhân lực và ít tốn kém, cần được bảo tồn và phát huy. Một số nghi lễ không phù hợp với sự phát triển của cuộc sống sẽ tự bị loại bỏ như tục ở rể, ăn uống kéo dài mấy ngày đêm, tốn kém và hại sức khỏe hiện nay không còn nữa. Đây là bước tiến bộ của người Thái đen, vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Trong quá trình phát triển, các nghi lễ cưới hỏi dân tộc Thái đen ngày nay đã chịu ảnh hưởng và tiếp thu một số nội dung nghi lễ cưới hỏi theo trào lưu văn hoá mới của xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp thu những nội dung này đều có tính chọn lọc và phù hợp với các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội và không làm mất đi bản sắc văn hoá Thái.!