Thanh toán

Quy trình tổ chức đám hỏi chuẩn phong tục 

Đăng bởi Marry Doe - 10/01/2020   |   Lượt xem: 1242

Đôi bạn chuẩn bị tiến tới một giai đoạn quan trọng của cuộc đời mà nghi lễ đầu tiên đánh dấu mốc quan trọng này chính là lễ ăn hỏi. Bạn đã biết quy trình tổ chức đám hỏi chuẩn phong tục là như thế nào chưa? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé.

Chọn ngày, giờ tổ chức đám hỏi

Chọn ngày giờ tổ chức đám cưới vô cùng quan trọng 


Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” từ xa xưa với tín ngưỡng của người Việt thì việc chọn ngày giờ đẹp để tổ chức đám hỏi chính là việc đầu tiên 2 bên gia đình cần bàn bạc. Theo quan niệm dân gian người ta thường xem tuổi hôn phối của hai vợ chồng có được hòa hợp hay không? Nhưng quan trọng hơn nữa là việc lựa chọn thời điểm kết hôn, chọn ngày tốt kết hôn.


Chọn năm 
“Lấy nhà xem tuổi đàn bà, xây nhà xem tuổi đàn ông” vì thế thời gian kết hôn trước tiên người ta xem xét năm tổ chức lễ ăn hỏi đó có phạm Kim lâu không. Tuổi con gái phạm Kim lâu là chữ số cuối của tuổi là 1, 3, 6 , 8. Nếu phạm phải Kim lâu năm đó, thì có thể hoãn hôn lễ hoặc sử dụng những cách nào đó để hóa giải những điều bất lợi. 


Chọn tháng
Trong năm thường có 3 tháng người ta ít tổ chức đám cưới thậm chí là kiêng tổ chức chuyện đại sự vào thời gian này đó là tháng 3 âm lịch, tháng 7 âm lịch và tháng 12 âm lịch. Theo quan niệm dân gian thì tháng 3 âm lịch là tháng thanh minh chỉ hợp để tảo mộ và thực hiện về phần âm, tháng 7 là Ngưu Lang - Chức Nữ chia lìa và còn là tháng cô hồn còn tháng 12 âm lịch là thời điểm năm cùng tháng tận nên rất ít người chọn tổ chức đám hỏi vào những tháng này. 


Chọn ngày
Cần tránh những ngày: 
+ Ngày Hắc đạo: Thiên hình, Chu tước, Bạch hổ, Câu trần, Thiên lao, Nguyên vũ 
+ Ngày có Nhị thập bát tú xấu: Sao Cương, Đê, Tâm, Ngưu, Thất, Nữ, Hư, Nguy, Khuê, Mão, Chủy, Quỷ, Liễu, Tinh, Dực 
+ Ngày có Lục diệu xấu: Lưu niên, Xích khẩu, Không vong 
+ Ngày có các sao xấu cho việc hôn lễ: 
+ Các ngày Tam nương, Nguyệt kỵ: 3, 5, 7, 14, 18, 22, 23, 27


Nên chọn những ngày: 
+ Ngày Hoàng đạo: Thanh long, Minh đường, Kim đường, Kim quỹ, Tư mệnh, Ngọc đường 
+ Nên tiến hành hôn lễ vào các ngày đại minh cát nhật: Tân Mùi, Nhâm Thân, Quý Dậu, Đinh Sửu, Kỷ Mẹo, Nhâm Ngọ, Giáp Thân,  Đinh Hợi, Nhâm Thìn, Ất Mùi, Nhâm Dần, Giáp Thìn, Ất Tị, Bính Ngọ, Kỷ Dậu, Canh Tuất, Tân Hợi, Bính Thìn, Kỷ Mùi, Canh Thân, Tân Dậu. 
+ Nên chọn cưới gả vào những ngày có các sao tốt như sau: Bất tương, Yếu yên, Tục thế, Ích hậu, Phổ hộ, Thiên hỷ 
+ Nên chọn những ngày có nhị thập bát tú cát lợi: Sao Giác, Phòng, Vĩ, Cơ, Đẩu, Thất, Bích, Lâu, Vị, Tất, Sâm, Tỉnh, Trương, Chẩn 


Để tránh mọi ngày xấu và tổng hợp được hết các yếu tố cát lợi thì quả thật rất hiếm có ngày nào như vậy. Khi chọn lựa, 2 bên gia đình cần có sự phân biệt, cân đong, đo đếm, so sánh, xem xét về tương quan tốt xấu một cách chi ly, cầm lên đặt xuống coi nặng nhẹ như thế nào để thống nhất được ngày lành tháng tốt cho cặp đôi. 

Lựa chọn sự xuất hiện của các lễ vật
Đối với phong tục của người miền Bắc thì số tráp lễ vật phải là số lẻ và số số lễ trên mâm quả phải là số chẵn. Bởi theo quan niệm sính lễ chẵn lẻ là theo âm dương ngũ hành, số lẻ là trực sinh mong ước sinh sôi nảy nở, số chẵn là chỉ đôi vợ chồng có đôi có cặp, bên nhau trọn đời. Có sự sắp xếp như vậy với ý niệm cầu chúc và mong muốn cho cặp vợ chồng trẻ luôn luôn có nhau và cùng nhau sinh con đàn cháu đống, sống đến đầu bạc răng long, bách niên dai lão.

Sự xuất hiện của lễ vật trong đám hỏi tùy thuộc vào phong tục của từng vùng miền, từng gia đình

Các lễ vật được mang đến  nhà gái được xếp theo hình tháp và trang trí bắt mắt. Màu sắc lễ vật được chọn cho các tráp thường là màu đỏ tươi, màu vàng và xanh tươi. Màu đỏ được sử dụng triệt để bởi nó mang ý nghĩa may mắn và tượng trưng cho tình yêu đôi lứa mãnh liệt. Tùy vào điều kiện tài chính và yêu cầu của mỗi gia đình thì lượng lễ vật và số tráp cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên có những lễ vật trên mâm là bắt buộc theo phong tục như: trầu cau, chè (trà), mứt hạt sen, rượu, thuốc lá, bánh cốm, bánh phu thê,... 

Các lễ vật được xếp theo dạng hình tháp bắt mắt

3 tráp thường có những lễ vật: trầu cau, chè (trà) - thuốc, mứt

5 tráp thường có: trầu cau, chè (trà), mứt, rượu và thuốc lá, bánh cốm.

7 tráp thường có: trầu cau, chè, bánh cốm, rượu và thuốc lá, mứt hạt sen, bánh phu thê, lợn sữa quay

9 tráp thường có: trầu cau, chè, bánh cốm, rượu và thuốc lá, hạt sen, bánh phu thê, bánh đậu xanh, lẵng hoa quả kết rồng phụng, lợn sữa quay.

11 tráp thường có ít nhà chọn lựa, và ngoài những mâm quả như lễ 9 tráp, người ta có thể thêm vào đó những vật lễ khác, chẳng hạn như: tháp bia lon, mâm bánh nướng bánh dẻo, mâm xôi gấc trang trí đậu xanh…

Lựa chọn người bê tráp
Mỗi tráp cần 2 người để bê tức là 1 nam và 1 nữ cho 1 tráp thể hiện sự hòa hợp, tương đồng. Việc chọn người bưng tráp cũng khá quan trọng. Khi lựa chọn người bê tráp cần chú ý những vấn đề sau:
Lựa chọn các nam thanh, nữ tú có ngoại hình đẹp, dễ nhìn, chiều cao cân đối để khi bưng tráp không bị chòng chành, có thể rơi lễ. Hãy tránh sự cố không đáng có này ngay từ đầu. 


Những người được chọn để bưng lễ nên là những người chưa lập gia đình (trai tân, gái tân).
Cần lựa chọn đội bê tráp có trách nhiệm và có một phương án backup thay người nếu có sự cố không may đột xuất xảy ra. 

Nghi lễ ăn hỏi
Khi đến ngày đẹp, giờ hoàng đạo, nhà trai mang theo lễ vật di chuyển đến nhà gái. Đoàn nhà trai sẽ sắp thành hàng và mang lễ vật vào nhà gái. Trong khi đó, nhà gái đã sẵn sàng trà nước để đón tiếp.
Sau khi trao tráp cho nhà gái, đại diện hai gia đình sẽ có đôi lời phát biểu với toàn thể những người đến dự lễ ăn hỏi. Sau đó, nhà gái đặt một phần lễ vật lên bàn thờ gia tiên để minh chứng cho sự chấp thuận từ tổ tiên nhà gái.

Tiếp theo là nghi lễ thắp hương tổ tiên, cô dâu sẽ ngồi ở trong phòng cho đến khi chú rể hoặc bố mẹ vào đón mới bước ra để tiến về ban thờ gia tiên nhà mình thắp hương. Sau nghi lễ, cô dâu chú rể sẽ đi mời trà quan khách.
Về phần lễ khi nhà trai ra về thì tùy vào quan niệm từng gia đình sẽ trả lễ cho nhà trai, thường thì là ⅓ số lễ vật. Điều lưu ý là khi chia lễ vật, nhà gái không được dùng dao hay kéo để cắt mà phải dùng tay để tách.

Bạn đã nắm được những bước cơ bản để chuẩn bị đám hỏi chuẩn phong tục rồi chứ? Note lại ngay để tránh thiếu sót trong ngày vui của mình bạn nhé. 

Nguồn: QUY TRÌNH TỔ CHỨC ĐÁM HỎI CHUẨN PHONG TỤC

------------------------------------------------------------
Song Anh Wedding & Events - Phù thuỷ decor tiệc cưới Hà thành

Hotline: 096.854.6655

Website: http://songanhwedding.com/

Địa chỉ: Sn 10, Lô C2 Khu Đô Thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào