Thế giới hai lần "sụp đổ" dưới chân...
Người mẹ trẻ ấy là Nguyễn Thị Quý (31 tuổi, quê Hải Phòng). Cũng như bao người mẹ khác, chị Quý có bầu và sinh bé Trần Thị Quỳnh Chi trong sự chờ mong, hạnh phúc của hai bên nội - ngoại. Thế nhưng, niềm vui "ngắn chẳng tày gang", cuộc đời vốn dĩ đầy những bất ngờ, oan trái. Khi Quỳnh Chi lên 3 tuổi, tai họa bắt đầu gõ cửa gia đình nhỏ.
Theo chia sẻ của chị Quý, vào khoảng tháng 10/2015, thấy con sốt dài ngày, đồng thời, xuất hiện vết bầm tím ở ngực, hai vợ chồng chị Quý đã đưa con đi khám và làm một số xét nghiệm. Ngay sau đó, kết luận của bác sĩ, giống như một tiếng sét ngang tai, khiến cặp bố mẹ trẻ không thể đứng vững: con gái anh chị đã mắc phải căn bệnh bạch cầu cấp dạng Lympho thể L2 (ung thư máu) - nhóm nguy cơ cao, tiên lượng xấu.
Tâm sự của người mẹ trẻ khiến hàng ngàn người không khỏi xúc động (Ảnh chụp màn hình)
Gần hai năm trời, chị - một nhân viên điều dưỡng đã phải nghỉ việc để ở bên con, trong khi người chồng - anh Trần Xuân Phong vẫn tiếp tục "cày cuốc" để chi trả cho những liệu trình hóa trị kéo dài. Sau 1 năm "tấn công" bằng hoá chất và thêm 16 lần duy trì, Quỳnh Chi đã dần khoẻ mạnh. Mỗi khi bố mẹ đi làm về, chỉ cần nghe tiếng xe máy là bé chạy ngay ra cửa, luôn miệng líu lo. Cả gia đình lại ấp ôm giấc mơ về một ngày, căn bệnh oan nghiệt hoàn toàn rút lui, như bao trường hợp may mắn khác.
Tuy nhiên, hy vọng nhen nhóm chưa được bao lâu, thì sóng gió lại nổi lên. Đầu tháng 9, trong một buổi chiều đi làm về không thấy con tung tăng chào đón, ngôi nhà im ắng lạ thường, linh tính của người bố cho biết rằng có điều chẳng lành xảy ra, anh Phong hoảng hốt bước vào nhà. Khi đó, Chi nằm trên võng, khuôn mặt đờ đẫn, vô hồn vì cơn đau đầu hành hạ suốt buổi chiều.
Ước mơ của gia đình nhỏ cứ nhen nhóm rồi lại vụt tắt.
Trở lại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tin xấu nhất đã một lần nữa khiến cặp vợ chồng trẻ ngã quỵ. Bệnh bạch cầu cấp của Chi tái phát và đã thâm nhiễm hệ thần kinh trung ương. Kết quả xét nghiệm với 70% tế bào bất thường trong dịch não tủy, giống như một "bản án tử hình" dành cho đứa trẻ 5 tuổi. Những ngày sau đó, anh Phong và chị Quý như chết lặng, không ăn không uống, nước mắt cứ chảy liên tục. "Tới khi chẳng còn chút sức lực, mình chỉ còn biết cố lay vai chồng tìm chỗ dựa: "Anh ơi... còn cách gì cứu con không?", người mẹ trẻ nghẹn ngào chia sẻ.
"Mẹ làm khổ con! - Mẹ xin lỗi, nhưng mẹ không cố ý con à!"
Quãng thời gian ròng rã bên con chiến đấu với căn bệnh quái ác là những tháng ngày anh Phong - chị Quý sống triền miên trong nỗi đau đớn, bồn chồn, nơm nớp lo sợ. Nó thực sự là một cơn tra tấn tinh thần khủng khiếp.
Không biết bao lần, chị nuốt nước mắt vào trong khi phải dỗ con đi truyền hóa chất: "Lựa lúc con vui vẻ mẹ tỉ tê "Mai mình lại vào viện truyền thuốc bổ Chi nhé!" Đang cầm đồ chơi mà con vội vứt ra, oà khóc, ngồi sụp xuống "Con sợ lắm! Con chỉ muốn ở nhà thôi mẹ ơi..." Làm sao cho hết những ngày đứt ruột như thế... Bố mẹ đã tìm đủ mọi cách để con bớt đau, bớt khổ, chăm sóc con cho con có sức mà... đi viện!"
Quỳnh Chi khóc òa vì sợ bị tiêm, đôi tay bé nhỏ vội che lòng bàn chân trắng bệch thiếu máu.
Thậm chí, ngay cả trong giấc ngủ, những tâm sự nặng trĩu vẫn đeo đẳng khiến người mẹ không sao chợp mắt: "Ôm chặt mẹ để cảm thấy an toàn và con đã ngủ say còn mẹ... thì không khóc nhưng nước mắt chẳng thể chảy ngược vào trong... Lúc đau đớn quá con chỉ cố nói được. "Mẹ làm khổ con!" Mẹ xin lỗi, mẹ biết nhưng mẹ không cố ý con à! Nhìn những em bé bằng tầm con có mái tóc dài, váy áo xinh đẹp, được đi học, nô đùa hồn nhiên vui vẻ, mẹ cũng xót xa như lúc thấy con đau đớn Chi à!".
Ước mơ nhỏ bé, giản dị về những ngày tháng ngược xuôi đi làm, chiều về vội vã đón con, tối đến cùng nhau ăn bữa cơm, nằm cạnh nhau trên một chiếc giường sao mà trở nên xa xôi đến vậy. Mở mắt ra, chỉ thấy hiện thực cay đắng, với hình ảnh đứa con bé bỏng "nằm bẹp" gần như không còn sức sống, dính chặt lấy cọc truyền, cùng chiếc máy đếm giọt từ ngày này sang ngày khác, trái tim người làm cha, làm mẹ như có ai cào cấu.
"Có bệnh thì vái tứ phương", nghe lời tư vấn từ bác sĩ và người có kinh nghiệm, vợ chồng chị Quý quyết định đưa Chi sang Đài Loan điều trị, với hy vọng tìm được tủy phù hợp cho con. Dù thương con, anh Phong cũng đành chấp nhận ở lại Việt Nam vừa lo đi làm, vừa lo bán nhà, đất, vay mượn tiền để hai mẹ con tiếp tục hành trình.
"Vì cuộc chiến đấu sống còn này mà nhà mình phải tạm thời mỗi người một nơi mấy tháng nay rồi [...] Hai tháng nay, hai mẹ con con đã rất kiên cường với hoá chất, chai lọ, bố thương và nhớ 2 mẹ con nhiều lắm".
Hiện tại, bé Quỳnh Chi đang tiếp nhận sự điều trị tại bệnh viện Lúng Chủng - Đài Bắc, Đài Loan. Gần 3 tháng liên tục "đánh" hóa chất, tưởng như cô bé đã tạm thời thôi bị ám ảnh với những thứ đau đớn. Nhưng sau mấy ngày dài cắm truyền, vừa rút kim lại nghe thông báo chưa thể về nhà từ thiện nghỉ ngơi, cả Chi và mẹ lại bật khóc.
Ở nơi xứ người, xa chồng, xa người thân, bất đồng ngôn ngữ, mọi thứ đều vô cùng bỡ ngỡ. Chị kể: "Có hôm phải đóng tiền viện 140.000 Đài tệ, mà mình chỉ còn 70.000 Đài tệ trong túi. Chẳng biết làm sao xoay xở, mình chỉ biết khóc rồi ra hiệu với bác sỹ cho nợ để chờ chồng gửi sang sau".
Không chỉ khó khăn về tài chính, hai mẹ con còn mệt mỏi vì chuyện ăn uống: "Có những ngày rất đói, nhưng chẳng biết mua gì ăn. Cũng biết là cố ăn để có sức chăm sóc con nhưng quả thật, mình không ăn nổi. Thậm chí, mấy hôm nay, mình còn không dám soi gương vì thấy gầy quá, tóc mẹ cũng rụng như tóc con phải truyền hóa chất."
Sau đợt truyền hóa chất thứ 3, Quỳnh Chi nằm bẹp, người mềm nhũn như hết sức lực, chẳng ăn gì nhưng vẫn ói liên tục suốt đêm, rồi cả ngày ngủ li bì.
Sau chừng ấy ngày tháng khắc phục mọi khó khăn, kiên trì chờ đợi, Quỳnh Chi đã tìm được tủy phù hợp để tiến hành phẫu thuật. Thế nhưng, tình trạng sức khỏe hiện tại của bé lại phát sinh vấn đề. Chi bị nhiễm viên gan C do các chế phẩm máu không an toàn trước đây. Men gan liên tục tăng cao sẽ làm quá trình điều trị bị gián đoạn. Theo đó, thay vì thực hiện trong tháng 1, ca cấy ghép nhiều khả năng sẽ phải hoãn tới tháng 3. Chi phí, bởi vậy, có thể đội lên tới 1.5 tỷ so với dự kiến ban đầu.
Chấp chới giữa hai bờ hy vọng và tuyệt vọng, chị Quý gần như nức nở khi chia sẻ: "Làm sao có thể "coi con như chết đuối" và "sinh đứa khác thay thế"? Hai vợ chồng mình không thể cứng rắn được như thế. Mờ và xa lắm, nhưng hi vọng vẫn còn, nếu buông xuôi lúc này chắc mình suốt đời bị ám ảnh vì những câu cầu cứu, van xin của con khi đau đớn."
Điều ước duy nhất của cặp vợ chồng trẻ là con được sống.
"Cứ nắm chặt lấy tay mẹ, mẹ con mình cứ đi, rồi sẽ được về nhà!"
Nhớ về những ngày đã qua, anh Phong tâm sự:"Tuổi thơ con gắn liền với màu trắng bệnh viện, con đã rất dũng cảm vượt qua tất cả, luôn ngoan ngoãn, lễ phép, ai gặp cũng thấy có cảm tình, con còn được gọi là Chi "vui vẻ..."
Đúng như cái tên đầy lạc quan ấy, dù đau đớn, cô bé 5 tuổi vẫn giữ cho mình vẹn nguyên sự ngây thơ, hồn nhiên. Chi dõng dạc ước mong "bố mẹ luôn ở bên con" trong buổi tiệc sinh nhật 5 tuổi, có lúc thích thú vì được ăn một chút mì tôm, hay đôi khi, hóm hỉnh trêu đùa tật "quên quên nhớ nhớ" của mẹ. Nhìn những hình ảnh ấy, chị Quý - anh Phong lại dặn lòng phải thật sự cố gắng.
Nụ cười của con là động lực cho cha mẹ.
"Happy Chi" con à! Đường về nhà còn xa lắm nhưng cứ nắm chặt lấy tay mẹ, mẹ con mình cứ đi, rồi sẽ được về, con sẽ lại được gặp những người thân và bạn bè của con, mang hi vọng về cho những người cùng hoàn cảnh như mình, con nhé! Con ơi! Lâu cũng được! Xa thế nào cũng được! Đừng rời tay mẹ! Mẹ biết con đau nhưng xin con vì mẹ, cười hồn nhiên để mẹ có thêm nghị lực con nhé!" -người mẹ trẻ rưng rưng chia sẻ trên trang cá nhân.
Năm mới Mậu Tuất, hai mẹ con chị Quý sẽ phải đón Tết ở nơi đất khách quê người. Một cái Tết không vui, nhưng vẫn còn le lói tia hy vọng. Chỉ mong rằng phép màu là có thật, để Quỳnh Chi có thể nắm tay mẹ, chiến thắng trở về.
Ảnh: NVCC