1. Thời điểm làm lễ gia tiên
– Lễ gia tiên được thực hiện ở cả lễ ăn hỏi và lễ cưới.
– Với đám hỏi, lễ gia tiên chỉ diễn ra tại nhà gái, khi đó cô dâu chú rể sẽ thắp hương ở bàn thờ nhà gái. Tới ngày cưới, lễ gia tiên sẽ tiến hành ở cả hai gia đình.
2. Lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên
Mỗi vùng miền khác nhau sẽ có những cách sắp xếp và trang trí bàn thờ gia tiên khác nhau nhưng nhìn chung, một bàn lễ gia tiên ngày cưới cần phải được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ, treo chữ hỷ hay câu đối về ngày cưới để thêm phần trang trọng nhưng cần có đủ: lư đồng, bát nhang, trà, nhang,…
Lễ gia tiên miền Nam còn đặc biệt ở chỗ không thể thiếu một phụ kiện cưới, đó là cặp đèn cầy lớn khắc hình long phụng. Nhà trai sẽ chuẩn bị đôi đèn cầy này đặt trong mâm tráp đem qua nhà gái, nhà gái sẽ chuẩn bị sẵn một cặp chân nến và thắp trên bàn thờ tổ tiên trong ngày đón dâu. Để chân và đèn cầy khớp nhau, hai nhà nên thống nhất trước kích cỡ, để khi làm lễ gia tiên không mắc phải những điều sai sót. Theo quan niệm tâm linh của người miền Nam, khi thắp đèn cầy (nến) trên bàn thờ như vậy, tình yêu của đôi trẻ cũng sẽ hạnh phúc, ấm áp như ngọn lửa đèn cầy.
3. Trình tự thủ tục lễ gia tiên tại họ nhà gái
Nhà trai khi đến nhà gái sắp xếp thứ tự ngay ngắn, chỉnh tề đội ngũ khoảng 100-200m trước khi vào nhà gái. Hoặc tuỳ điều kiện đường xá mà khoảng cách này có thể thay đổi.
Thứ tự sắp xếp của nhà trai sẽ là chủ hôn nhà trai hoặc ông bà đi đầu tiên, sau đến cha mẹ và chú rể, kế đến là đội bưng mâm quả, sau cùng là bà con họ hàng, bạn bè.
Người đại diện nhà trai (còn gọi là Chủ Hôn nhà trai) và người bưng khay trầu rượu (thường gọi là rể phụ) đi phía trước để tới thưa chuyện về hôn nhân của đôi uyên ương và ngỏ ý đón cô dâu mới về nhà. Người đại diện nhà gái đồng ý. Sau đó rể phụ rót ra hai ly rượu để hai ông đại diện cụng ly, uống rượu và bắt tay nhau.
Đoàn nhà trai theo thứ tự đã sắp xếp trước di chuyển đến trước cổng nhà gái. Tiến hành nghi thức trao mâm quả giữa đội bưng quả nhà trai và đội bưng quả nhà gái. Đoàn nhà trai bước qua cổng nhà gái. Các phụ dâu đỡ quả đi vào sau đoàn nhà trai.
Hai gia đình ổn định chỗ ngồi. Nhà gái mời nhà trai dùng trà và bánh kẹo. Hai chủ hôn giới thiệu thành viên gia đình, chủ yếu là các bậc cao niên để hai bên gia đình biết nhau. Sau đó đại diện nhà trai xin phép nhà gái để trình mâm quả – sính lễ và ý nghĩa của sính lễ. Mẹ của cô dâu sẽ đại diện nhà gái ra nhận sính lễ.
Chủ hôn nhà trai xin phép cho mời cô dâu ra mắt hai họ. Mẹ hoặc dì sẽ dẫn cô dâu từ nhà trong đi ra. Cô dâu ra mắt, cúi chào hai họ. Chú rể tiến đến trao hoa cầm tay cho cô dâu. Cô dâu – chú rể đứng giữa trao nhẫn cưới trước sự chứng kiến của hai gia đình. Đồng thời, Mẹ chồng hoặc bậc nữ trưởng thượng nhà gái trao nữ trang cho Cô Dâu: dây chuyền, bông tai…
Trước khi cô dâu về nhà chồng, cả chú rể và cô dâu phải lên làm lễ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên.
– Thành phần tham gia: Bố mẹ cô dâu, bố mẹ chú rể hoặc đại diện gia đình nhà gái và cô dâu chú rể.
– Nghi thức: Bố cô dâu hoặc đại diện trong họ nhà gái sẽ là người thắp hương, lên đèn trên bàn thờ. Cô dâu chú rể sẽ làm theo sự hướng dẫn của cha mẹ hoặc người đại diện. Lễ cúng gia tiên thường diễn ra nhanh chóng để cô dâu kịp giờ về nhà chồng.
Sau đó, cô dâu – chú rể mời trà cha mẹ và các bậc trưởng bối hai bên. Trong lúc này, gia đình nhà gái sẽ trao quà cho hai vợ chồng. Hai gia đình ăn bánh, uống trà, chờ đến giờ tốt để xuất giá. Đại diện nhà trai xin phép được đón dâu và rót rượu mời đại diện nhà gái. Hai chủ hôn bắt tay chào nhau.
Tiến hành nghi thức “lại quả” (trả quả, thường nhà gái sẽ giữ lại một nửa số lễ nhà trai mang qua sau đó nhà trai mang một nửa về). Hai gia đình xuất phát qua nhà trai để đưa dâu.
4. Trình tự thủ tục lễ gia tiên tại họ nhà trai
Khi đoàn rước dâu về tới nhà trai, cô dâu chú rể sẽ tiếp tục tiến hành trình tự thủ tục lễ gia tiên ra mắt tổ tiên tương tự như nghi lễ tại họ nhà gái.
– Thành phần tham gia: Một số gia đình chỉ có bố mẹ chú rể và đôi uyên ương tham gia vào lễ thắp hương trên bàn thờ. Tuy nhiên, một số gia đình khác lại sửa soạn một bàn thờ nhỏ đặt trong phòng khách để tượng trưng cho bàn thờ gia tiên và tất cả thành phần đoàn đưa, rước dâu đều được chứng kiến nghi lễ này.
– Nghi thức: Bố chú rể hoặc đại diện trong họ nhà trai cũng sẽ là người thắp hương, lên đèn trên bàn thờ và đọc bài khấn báo cáo tổ tiên. Cô dâu chú rể sẽ làm theo sự hướng dẫn của cha mẹ hoặc người đại diện. Sau khi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, cô dâu chú rể sẽ cùng cúi lạy bố mẹ chú rể và mời nước các bậc cao tuổi trong nhà.
Để trình tự thủ tục lễ gia tiên diễn ra tốt đẹp nhất, hai bên gia đình cần chuẩn bị các lễ vật chu đáo, sửa soạn, dọn dẹp bàn thờ cũng như hướng dẫn đôi trẻ thực hiện nghi lễ chỉn chu, trang trọng. Nếu các cặp đôi đang tìm kiếm một Wedding Planner đồng hành cho lễ gia tiên lẫn trang trí ngày vui, Marry chúc đôi uyên ương có một buổi lễ trọn vẹn nhất.