Đăng bởi Marry Doe - 19/09/2017 | Lượt xem: 1202
Đọc kỹ những bí kíp “chống sốc” sau đây sẽ giúp em tránh được vô vàn những “ô”,“a” và cả “hu hu” sau ngày cưới.
Đám cưới sẽ là dấu chấm hết cho những ngày em sống với người tình trong mộng. Giờ đây anh ta đã là chồng em – giống như mọi ông chồng bình thường khác trên đời. Đọc kỹ những bí kíp “chống sốc” sau đây sẽ giúp em tránh được vô vàn những “ô”,“a” và cả “hu hu” sau ngày cưới.
Bí kíp 1: Đàn ông là thế mà!
Ngày cưới em xinh như hoa hậu, chồng em bảnh bao như tài tử điện ảnh. Rũ bỏ phấn son váy áo, tân lang tân nương có một đêm tân hôn thật nồng nàn. Nhưng chỉ sáng hôm sau tỉnh giấc em sẽ có cảm giác “rớt bịch từ thiên đường”. Đó là bởi em thấy bên mình không phải một người đàn ông ăn mặc lịch sự (hoặc phong cách hay ấn tượng gì đó…) như những lần hẹn hò, thay vào đó là một gã đầu bù tóc rối, mặt mũi kèm nhèm trong bộ dạng khó coi. Từ đây em còn buộc phải thường xuyên nhìn thấy gã trong trang phục quần đùi cháo lòng, áo may ô gián nhấm, dép tổ ong rách, mặt mũi tẻ nhạt hoặc cau có tùy theo tâm trạng mỗi ngày. Em sẽ thường xuyên chứng kiến những lúc gã đói, mệt, cáu kỉnh, thậm chí say xỉn thay vì vẻ hớn hở mong gặp em như xưa kia. Những tin nhắn sặc mùi “ngôn tình” khi yêu sẽ giảm dần (và có thể sẽ tuyệt chủng), thay vào đó là những cú điện thoại đậm mùi “thông tấn” như “tối nay không ăn cơm nhà”…
Em sẽ chẳng phải thất vọng, hụt hẫng, đau khổ nếu biết được công thức chung: “Đàn ông là thế mà!” Không tin, cứ hỏi các đồng nghiệp nữ hay các chị em gái đã có gia đình mà xem. Em sẽ nhận được vô số chia sẻ, cảm thông bởi chồng họ cũng ngáy to khi vợ giận, thường xuyên quên tắm, lười thăm hỏi bố mẹ vợ… y như chồng em thôi, chả có gì khác nhau đâu. Đàn ông lúc mới lấy vợ nói chung giống như đúc cùng một khuôn, chỉ sau đó mới có “dấu ấn khác biệt” nhờ bàn tay “huấn luyện” vo tròn hay bóp bẹp của các bà vợ mà thôi. Chuyện này thì em hãy tham khảo trong bài “”kỳ tới nhé.
Em sẽ chẳng phải thất vọng, hụt hẫng, đau khổ nếu biết được công thức chung: “Đàn ông là thế mà!”
Bí kíp 2: Đừng quá kỳ vọng vào hôn nhân
Em chẳng đã biết câu châm ngôn: “Hôn nhân là dịch bài thơ tình ra văn xuôi” đó sao. Mà nói là “văn xuôi” kể cũng vẫn hơi “lãng mạn hóa”, hôn nhân chẳng phải là văn chương nghệ thuật gì đâu. Em hãy nghĩ đơn giản hơn, kết hôn là sống cuộc sống thường nhật của mình cùng với một người khác. Mà trong cuộc sống hằng ngày thì không có chỗ cho những điều “viển vông” như tuần nào cũng phải ăn tối ở tiệm dưới ánh nến hồng hay ngày nghỉ là phải “xách ba lô lên và đi”, “check in” ở những khu nghỉ dưỡng đẹp như thiên đường… Hôn nhân nghĩa là có thể không có hoa trong ngày sinh nhật, hay vợ sẽ đi khám thai một mình vì chồng còn bận đi họp lớp cấp 3 (cả năm mới có một lần). Hôn nhân nghĩa là cả hai hướng về một cái đích chung là tổ ấm gia đình nhưng không có nghĩa là em hay chồng em phải triệt tiêu những sở thích cá nhân lành mạnh như những buổi cà phê với bạn bè hay xem bóng đá cùng đồng nghiệp. Càng đơn giản hóa mọi việc, em càng dễ hài lòng với người bạn đời. “Nhắm một bên mắt” để bỏ qua những sơ suất và bao dung hơn với những sai lầm chẳng quá nghiêm trọng của đối phương, em sẽ thấy cuộc sống chung không đến nỗi tràn trề thất vọng như mọi người vẫn ca cẩm đâu.
Bí kíp 3: Quản lý tài chính có kế hoạch
Chẳng ai lấy tiền để ví với tình yêu, nhưng có thực mới vực được đạo. Một túp lều tranh hai trái tim vàng đã trở thành cổ tích. Cuộc sống gia đình với trăm ngàn mối lo toan, nhất là khi con cái ra đời sẽ khiến vấn đề tài chính trở thành gánh nặng cho cả hai. Tiền có thể khiến em trở nên cau có, xấu tính trong mắt chồng. Tiền cũng có thể khiến chồng em co mình lại trong cái vỏ ốc của đàn ông, nhu nhược và bất cần. Vì thế, một khi đã quyết định về sống chung thì điều đầu tiên cả hai cần phải thảo luận là vấn đề tài chính: thu nhập hằng tháng bao nhiêu, những khoản chi chung và chi riêng, trách nhiệm với bên nội, bên ngoại… Em đừng bao giờ cho đó là chuyện vặt. Cái thứ mà người ta không muốn đem ra bàn bạc lại chính là nguyên nhân đầu tiên khiến đời sống vợ chồng khủng hoảng trong những năm đầu chung sống. Nếu không có kế hoạch quản lý tài chính khoa học và cụ thể thì biết đâu đến một ngày xấu trời nào đó, em và gã sẽ chỉ còn nước gặm bánh mì (cho qua ngày đoạn tháng) để chờ kỳ lương tới.
Bí kíp 4: “Yêu” nhau nhiều hơn
Tình dục không phải là quyền và nghĩa vụ của hai người sống chung, mà là điều kiện để duy trì tình yêu đôi lứa. Thực tế 100% các cặp vợ chồng gặp bất ổn về tình dục đều dẫn đến ly hôn. Vì thế, chăm sóc, phát triển cảm xúc tình dục để hai người hài lòng, hạnh phúc về nhau và cảm nhận được tận cùng của hai từ “dâng hiến”, đó mới thực sự là “sống chung”. Những e ấp ngại ngùng thuở đang yêu đem áp vào đời sống chăn gối vợ chồng thì thất bại nhiều hơn là lãng mạn. Thay vì cứ nhất nhất chờ chồng khơi mào, em hãy chủ động âu yếm anh ấy và hãy học cách “yêu’ chồng thật nồng nhiệt. Một phòng ngủ ấm cúng, riêng biệt, một bản nhạc êm dịu hay một bộ phim tình cảm xen lẫn những pha yêu đương nóng bỏng sẽ tạo ra sự thoải mái, tăng hưng phấn giúp hai vợ chồng hòa hợp về tâm hồn và thể xác dễ dàng hơn. Chất xúc tác cho tình yêu đôi khi còn nằm ở những thứ vô cùng nhỏ bé như một ngọn nến thơm, một chút tinh dầu hay thậm chí là một bộ chăn ga mới, trong tầm tay em cả đó thôi!
Hy vọng những bí kíp trên đây sẽ giúp em nhanh chóng vượt qua thời thơ ấu vợ chồng một cách dễ dàng và vui vẻ. Chúc em hạnh phúc dài lâu!
(Sưu tầm)