Thanh toán

Thủ tục lễ ăn hỏi chuẩn không phải ai cũng biết

Đăng bởi Marry Doe - 03/05/2017   |   Lượt xem: 5936

Lễ ăn hỏi có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là thời điểm nhà trai trao lễ vật làm tín và chú rể ra mắt gia tiên nhà cô dâu. Tuy có nhiều cách tân so với ngày xưa, nhưng lễ ăn hỏi cần tuân theo một số thủ tục nhất định mà Voan Wedding & Event Consultants sẽ giới thiệu với bạn trong bài viết dưới đây.

  Với rất nhiều gia đình, thủ tục ăn hỏi được cho là quan trọng nhất vì họ quan niệm nếu ăn hỏi thành công thì các bước khác sẽ rất đơn giản và nhẹ nhàng. Có nơi kết hợp ăn hỏi với rước dâu thường trong trường hợp nhà cô dâu chú rể cách xa nhau. Lễ ăn hỏi là nghi thức truyền thống, nhưng tùy từng điều kiện mỗi người, vùng miền mà có thể có thay đổi cho phù hợp, nhưng hay phụ thuộc nhiều vào nhà gái. Tuy nhiên thường có những điều cơ bản sau và phải được chuẩn bị và phối hợp giữa hai nhà kỹ đến từng chi tiết.
  1. Phần chuẩn bị
Điều cần lưu ý trước tiên là số lượng tráp và số lượng lễ vật trong từng tráp - thông thường số lượng tráp ở miền Bắc là số lẻ, từ 3, 5, 7, 9 đến 15 tráp tùy nhà, số lượng lễ vật cũng là số lẻ, còn ở miền Nam, tráp lại là số chẵn. Căn cứ số lượng tráp, nhà trai chuẩn bị đội nam thanh niên ăn mặc lịch sự và nhà gái chuẩn bị đội hình nữ đẹp mặc áo dài để đỡ tráp. Với nhiều gia đình phải đi xa ăn hỏi thì nhà gái sẽ lo luôn đội hình này để giảm thiểu thủ tục. Về vật phẩm trên tráp và bài trí thường do bên Wedding Planner lo liệu, nhưng nếu nhà gái có yêu cầu đặc biệt thì phải thông báo trước để nhà trai lo liệu. Tiếp đến là “lễ đen”, tức là phong bì tiền tùy theo nhà gái định đoạt (có sự bàn bạc trước với nhà trai) Về giờ ăn hỏi do nhà trai quyết và có thông báo cụ thể đến nhà gái. Để đảm bảo tới nhà gái đúng giờ, gia đình nhà trai cần tính toán thời gian đi lại cũng như các trở ngại trên đường. Trong lễ ăn hỏi, hai bên gia đình thường cử người đại diện để phát biểu, nhà trai cần thông báo trước để nhà gái chuẩn bị, tìm người có vai vế tương ứng đáp trả. Hai bên thống nhất thời gian cho lễ ăn hỏi không quá ngắn, không quá dài, thường không quá hai giờ đồng hồ. Nhiều nơi, sau khi lễ ăn hỏi kết thúc, nhà gái mời nhà trai nán lại ăn cơm để thể hiện lòng mến khách, đồng thời, cũng là bữa cơm ra mắt hai bên họ hang. Phần nhà gái chuẩn bị hội trường để tiếp đón: có phông bạt, bàn ghế, ấm chén, nước, lọ hoa, bánh kẹo, hạt dưa, hướng dương, thuốc lá, thợ ảnh, pháo, chuẩn bị đội ngũ để chia quà,… Mọi thứ yêu cầu đều phải gọn gàng và sạch sẽ.
  1. Trao lễ vật ăn hỏi
Mở đầu lễ ăn hỏi chính là phần trao lễ vật. Khi tới giờ đẹp, đoàn ăn hỏi nhà trai sắp xếp đội hình theo thứ bậc trong gia đình, đi đầu là ông bà, bố mẹ, chú rể, đội bê tráp và các thành viên khác như anh em bạn bè, người thân. Đến cổng nhà gái, đại diện nhà trai và chú rể bước vào trước, đi ngay sau đó là đội nam thanh niên bê tráp ăn hỏi trên vai. Sau khi hai nhà chào hỏi, đoàn bê tráp nam sẽ trao lễ cho đội đỡ tráp nữ để đỡ lễ vật vào nhà. Đội bê tráp nam và đội bê tráp nữ sẽ trao phong bao lì xì, trả duyên cho nhau. Các phong bao này do hai nhà chuẩn bị, nhà trai sẽ chuẩn bị phong bao và đưa cho đội nam, nhà gái sẽ chuẩn bị số phong bao tương ứng đưa cho đội nữ. Số tiền trả duyên nên được hai nhà thống nhất trước.
  1. Hai bên gia đình trao đổi về lễ cưới
Sau khi trao tráp, đại diện nhà trai - nhà gái phát biểu và giới thiệu đại diện của gia đình. Hai nhà sẽ cùng ngồi uống nước, hỏi thăm nhau hoặc bàn bạc về lễ cưới sắp tới. Đại diện nhà trai sẽ phát biểu lý do và giới thiệu về các lễ vật mà nhà trai mang đến. Đại diện nhà gái đứng lên cảm ơn, chấp nhận lễ vật ăn hỏi của nhà trai. Mẹ chú rể và mẹ cô dâu sẽ cùng mở tráp. Gia đình nhà gái cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu xuống chào gia đình nhà trai (trước khi chú rể lên đón, cô dâu không được xuất hiện trong lễ ăn hỏi). Cô dâu sẽ xuống chào hỏi và rót nước mời gia đình chú rể, ngược lại, chú rể cũng sẽ rót nước mời gia đình cô dâu.
  1. Thắp hương trình gia tiên
Sau khi cô dâu ra mắt, bố hoặc mẹ cô dâu sẽ lấy từ mâm ngũ quả một số vật phẩm và lễ đen để mang lên bàn thờ thắp hương cúng ông bà, tổ tiên. Bố mẹ cô dâu sẽ đưa cô dâu và chú rể lên thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Sau khi cúng ông bà tổ tiên xong, bố mẹ hai nhà sẽ thống nhất ngày giờ đón dâu và lễ cưới. Trong thời gian đó, cô dâu chú rể mời nước quan khách và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người. Nhà gái sẽ chia đồ “lại quả” cho nhà trai và trả lại các mâm tráp. Theo dân gian truyền lại có một số kiêng kỵ khi chia đồ lại quả không được dùng kéo cắt mà phải xé bằng tay, đồ lại quả phải là số chẵn (thông thường là 10 lễ vật) và khi nhà gái trả lại mâm tráp phải để ngửa nắp lên, không được đóng lại. Sau đó, nhà trai xin phép ra về, kết thúc lễ ăn hỏi. Ăn hỏi và các thủ tục bắt buộc tuân thủ khi ăn hỏi là điều mà cả hai gia đình nhà trai cũng như nhà nhà gái phải nắm vững. Đồng thời đôi bên phải thống nhất với nhau về quan điểm và các trình tự để lễ cưới hỏi được suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió cho đôi uyên ương được mãn nguyện. Để chuẩn bị kỹ lưỡng từ thủ tục đến bài trí lễ vật, hãy tìm đến sự tư vấn của các Wedding Planner chuyên nghiệp, như VOAN Wedding & Event Consultants.

VOAN Wedding & Event Consultants

Địa chỉ: Số 8A, Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Hotline: 0983 468 308 | 0919 591 988

Website: voan.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/voan.vn

Email : [email protected]

 

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào