Đăng bởi Marry Doe - 11/08/2017 | Lượt xem: 54179
Trước cuốn thực đơn dày cộm của các nhà hàng tiệc cưới, dịch vụ nấu tiệc cưới chắc chắn bạn sẽ vô cùng bối rối và phân vân. Hãy cùng khám phá một số món ăn trong thực đơn đám cưới miền Nam phổ biến và quen thuộc ngay sau đây để việc lựa chọn trở nên dễ dàng hơn nhé!
Dường như đã có công thức bất di bất dịch cho thực đơn đám cưới miền Nam: Ở nhiều tiệc cưới, khách chỉ cần nhìn món gì dọn ra là đã đoán được món thứ hai, không cần đọc thực đơn cưới. Một số thực khách dự tiệc cưới hiện nay chỉ đi dự lấy lệ, một phần bởi sự đơn điệu, nhàm chán của tiệc cưới nào cũng giống nhau, một phần bởi chất lượng phục vụ kém chuyên nghiệp ở một số địa điểm
tổ chức đám cưới.
Vì vậy, để tạo nên sự khác biệt cho đám cưới của mình, bạn cần thật chỉn chu và tìm điểm mới lạ trong những món ăn quen vị với khách mời.
Thực đơn đám cưới miền Nam: Món ăn cũ cách chọn mới
Trước những
món ngon đãi tiệc cưới hằng hà từ các nhà hàng tiệc cưới, dịch vụ nấu tiệc cưới chắc chắn bạn sẽ bối rối và phân vân. Việc chọn thực đơn không hề đơn giản, thậm chí có thể gây ra mâu thuẫn với người nhà, và với gia đình chồng sắp cưới chọn thực đơn cưới không kỹ, một tiệc cưới mà Marry từng biết đã để lại một ấn tượng không tốt lắm cho khách dự tiệc.
Ví dụ như món càng ghẹ hay tôm hấp. Khách khi dùng phải dùng bằng tay, vỏ khi dùng xong để đầy ra bàn. Thời gian dùng món này lại kéo dài ra, mà không phải khách nào cũng thích thưởng thức và để làm một món khai vị trong bữa tiệc thì lại đem tới nhiều bất cập.
Nếu bạn có ý định chọn món tôm cho bữa tiệc của mình, Marry gợi ý hãy chọn món tôm đã được bóc vỏ, chế biến rồi như tôm chiên cốm, tôm nướng muối ớt... Hãy biến tấu nhẹ nhàng với những món ăn quen thuộc để đẹp lòng hai họ, vừa lòng khách mời.
Gợi ý các món ăn đậm đà phong vị miền Nam
Món khai vị
Món khai vị thường gặp trong thực đơn đám cưới miền Nam là: soup măng cua, soup hải sản, gỏi tôm, gỏi ngó sen, mực chiên xù, chả giò hải sản, gà hấp chanh muối... Nếu bạn thích món ăn mang chút vị Tây Âu có thể là nghêu bỏ lò, salad tôm cocktail, bacon cuộn cá...
Món khai vị đầu tiên nếu đã là soup thì món tiếp theo trong thực đơn tiệc cưới chắc chắn phải là một món chiên, nướng hoặc món khô nào đó. Bạn có thể chọn chả giò tôm cua hoặc ghẹ tẩm bột, gỏi mực... Thông thường khai vị gồm có ba món vì thế hãy linh động chọn cả soup, gỏi và một món chiên nào đó để thực khách không cảm thấy "ngán" nhé.
Sau khi đã có món khai vị, chúng ta có thể chọn tiếp phần quan trọng nhất là món chính cho bữa tiệc. Phần này thì bạn phải tránh những món hoặc thực phẩm đã có trong món khai vị rồi.
Món chính
Món chính trong mâm cỗ cưới có thể là: Gà quay, heo sữa quay hay cá chẽm Tứ Xuyên, cá lóc hấp, cá tai tượng, lẩu hải sản, cơm kim quy, cà ri bò và bánh mì
... Theo kinh nghiệm một số nàng dâu thì bạn nên chọn lẩu thay vì cơm. Khác với
thực đơn đám cưới miền Bắc, lẩu được coi là món ăn chính đặc trưng của miền Nam. Lẩu có rất nhiều loại như Lẩu Hải Sản Kiểu Nhật, Lẩu Miso, Lẩu Thái Lan bún tươi, Lẩu Hải Sản mì sợi...
Và có một số món ăn chúng ta cần kiêng kỵ trong thực đơn đám cưới miền Nam. Mặc dù nhà hàng đã giúp bạn làm việc này rồi, nhưng đây là một điều rất có thể bạn cũng nên biết. Trong thực đơn tiệc cưới của người Nam bộ ngày xưa, mà bất cứ ai dù giàu sang dù bần hàn đều phải nhớ tránh: Canh chua, canh đắng và món mắm. Dù miền Nam là nơi sản sinh ra các loại mắm cá đồng với những thứ chế biến từ mắm tuyệt ngon như mắm ruột, mắm kho và rau (ngày nay là lẩu mắm), nhưng không bao giờ mắm có trong thực đơn cưới.
Lý do là ngày cưới người ta kị những thứ gì gợi lên đắng cay, chua chát và có nặng mùi. Tương tự, cá lóc nướng trui dù là một trong những đặc sản miền Nam, nhưng cũng không bao giờ có mặt trong thực đơn đám cưới miền Nam, trong khi cá hấp thì có. Người ta kiêng bởi hình ảnh con cá nướng trui tượng trưng cho sự cháy xém đen đủi.
Có rất nhiều cặp đôi khi cưới hỏi, họ xem việc lên những món ăn đám cưới là để "khoe giàu" và để chứng tỏ được đẳng cấp của mình. Điều này hoàn toàn là sai lầm. Một số món đắt tiền, lạ và độc chưa chắn đã hợp khẩu vị của người Việt Nam. Trong khi đó những món ăn dân dã, được chế biến ngon miệng và giá cả phải chăng lại thích hợp hơn.
Món tráng miệng
Món tráng miệng có thể là: Trái cây, hoa quả tươi, rau câu, bánh flan, bánh ngọt... Thực đơn của một bàn tiệc cưới bao gồm 6-12 món. Tùy vào khả năng tài chính của hai bạn hay có thêm sự hỗ trợ của gia đình mà các bạn chọn cho mình một nhà hàng phù hợp. Thêm nữa, cũng cần quan tâm đến chất lượng phục vụ của mỗi nhà hàng: Sự nhiệt tình, chu đáo và phong cách chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên.
Chúc bạn chọn được một thực đơn đám cưới miền Nam đúng chuẩn cho một lễ cưới mang đậm đà phong vị quê hương.