Đăng bởi Marry Doe - 27/03/2009 | Lượt xem: 1048
Đám cưới là dịp vui hiếm có trong đời mỗi người, việc cần lưu tâm hàng đầu là chất lượng mâm cỗ cưới mời khách. Hãy cùng Marry tìm hiểu những nét khác biệt của cỗ cưới xưa và nay.
Đám cưới là dịp vui hiếm có trong đời mỗi người, việc cần lưu tâm hàng đầu là chất lượng mâm cỗ cưới mời khách. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những nét khác biệt của cỗ cưới xưa và nay.
Người Việt Nam vốn cầu kỳ trong truyện ăn uống, miếng ăn không chỉ là miếng no mà còn là bộ mặt của cả gia đình, dòng tộc, đặc biệt là trong các dịp lễ tết hay hiếu hỉ trọng đại. Việc “trăm năm” vốn được coi là tiệc cỗ trọng đại hơn cả nên dù trong thời đại nào, việc lo chu toàn cho lễ cưới, đặc biệt là mâm cỗ cưới vẫn được lưu tâm hàng đầu.
Khi xã hội cũ ở thời phân cấp giàu nghèo rõ rệt nhất ở đầu những năm 20, mâm cỗ cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa các tầng lớp. Mâm cỗ cưới nhà giàu có phản ánh đúng hình ảnh “mâm cao, cỗ đầy” với đủ bốn bát, sáu đĩa. Số 10 tròn trĩnh tượng trưng cho lời chúc hạnh phúc trọn vẹn cho đôi uyên ương trẻ theo quan niệm thời bấy giờ. Sáu đĩa bao gồm: Một đĩa thịt gà úp lật quân cờ vàng rượi, một đĩa thịt lợn quay xếp hình cánh hoa đều tăm tắp, một đĩa giò lụa , một đĩa chả quế, thêmmột đĩa xôi gấc, một đĩa nộm thập cẩm. Bốn góc mâm là bốn bát canh bao gồm: một bát măng hầm, một bát mọc nấu thả, một bát chim bồ câu hầm hạt sen, và một bát mực nấu rối gồm xu hào, cà rốt thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, giò lụa thái chỉ, mực khô thái chỉ xào cháy cạnh với nước mắm đường… Đó là chưa kể đến các loại đĩa bát phụ như đĩa rau thơm, chanh, ớt, nước mắm hạt tiêu … Ngoài ra, nhà nào sang còn có thêm đĩa hoa quả tráng miệng hay đĩa chè kho.Mỗi mâm đặt 1 chai rượu trắng và 6 chiếc chén nhỏ bằng hạt mít cho khách uống rượu.
Thực đơn đám cưới xưa phải hội tụ đủ các món: bóng cá sủ, súp yến, vi cá, v.v… mới được cho là sang trọng, cầu kỳ. Ăn cỗ cưới xong thì phải tráng miệng bằng bánh xu xê mới đúng chất đám cưới của chốn kinh kỳ sang trọng.
Mâm cỗ những nhà thuộc tầng lớp thấp hơn có thể giản tiện đi đôi chút, bớt đi 2 hoặc 4 món, miễn là số món vẫn là chẵn tròn. Nhưng có hai món không thể thiếu trong bất kì mâm cỗ nào là thịt gà luộc và xôi gấc – 2 món biểu trưng cho sự thinh vượng, may mắn và hạnh phúc.
Như có một quy ước ngầm, cách thức ăn đám cưới của người Hà Nội tuân theo quy trình nhất định. Bắt đầu ngồi vào mâm, khách bao giờ cũng đợi chủ nhà có lờ mời rồi mới mời lại nhau. Trong mâm luôn có một người của gia đình hay họ hàng nhà đám ngồi lẫn thay chủ nhà tiếp khách, rót rượu. Sau khi rời mâm cỗ, chủ nhà mời khách ra bàn uống trà, ăn trầu, cắn hạt dưa, hạt bí chung vui cùng gia chủ.
Trải qua thời gian, do sự phát triển của kinh tế cùng lối sống công nghiệp hóa, mâm cỗ cưới của hiện đại vì thế mà cũng có nhiều thay đổi. Dù tự làm hay đặt tiệc, gia đình nhà đám cũng luôn lưu tâm đến chất lượng cỗ cũng như đón tiếp khách mời rất chu đáo. Nếu xưa kia, mỗi dịp cưới xin, anh em họ hàng sẽ kéo tới “làm giúp” trước khi ăn cỗ thì ngày nay, nhiều gia đình ưa chuộng việc thuê nấu cỗ vì vừa tiết kiệm được thời gian, địa điểm, công sức mà chi phí cũng không bị đội lên quá cao. Giá một mâm cỗ gồm nửa con gà ta hấp lá chanh, tôm chiên loại 12 con/đĩa, cá diêu hồng chiên giòn, bò hầm bánh bao, nộm su hào bò khô, rau cải xào nấm hương, canh bóng hoặc canh măng, xôi, ngô chiên bơ, cơm gạo tấm… có giá khoảng 1 – 1,1 triệu/ mâm. So với việc tự mua nguyên liệu về nấu cỗ lấy thì mức giá này đắt hơn khoảng 20 – 30%. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đám cưới thường có đông người đến dự vì vậy đảm bảo chất lượng, sạch sẽ là điều quan trọng nhất. Khi đặt cỗ nên tham khảo ý kiến của bạn bè đã từng sử dụng dịch vụ này của cơ sở nào an toàn thì đặt chứ không nên đặt bừa.
Một loại hình mới cũng đang phổ biến không kém là tổ chức lễ cưới cùng tiệc cưới tại các nhà hàng,tuy giá thành có cao hơn một chút nhưng đảm bảo khách mời sẽ được thưởng thức cỗ cưới trong không gian sạch sẽ và sang trọng.
Trải qua thời gian, đã có không ít chuyển biến.Tuy không còn câu lệ như các cụ ngày xưa song không vì thế mà cỗ cưới ngày nay bớt đi sự cầu kỳ và chăm chút. Cỗ cưới dù cổ điển hay hiện đại vẫn mang dấu ấn nhất định của con người Việt Nam.