Thanh toán

Tiền mừng cưới: bao nhiêu thì đủ?

Đăng bởi Marry Doe - 15/06/2012   |   Lượt xem: 4140

Mỗi lần nhận được thiệp mời dự tiệc cưới, Hùng không khỏi lo lắng vì chẳng biết đi bao nhiêu thì được, ít quá thì họ nghĩ mình keo kiệt, nhiều thì lại không đủ tiền để trang trải những chi phí sinh hoạt khác. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều khách mời chuẩn bị dự tiệc cưới.

Ai cũng có cách riêng để tính tiền mừng

Để đỡ phải đắn đo thêm nữa, Hùng quyết định sau này sẽ đưa tiền mừng cưới bằng một con số cố định cho tất cả. Nghe nói bàn tiệc hiện giờ khoảng trên dưới bốn triệu đồng một bàn, vậy thì cứ đi chừng bốn trăm ngàn là ổn rồi. Như thì lại khác, cô là nhân viên văn phòng mới đi làm nên không có nhiều tiền cho lắm, mà trước khi đi tiệc còn phải đi trang điểm làm tóc nữa, ba buổi tiệc cưới trong vòng một tháng đã thách thức túi tiền của cô nhiều hơn những chuyện cô có thể nghĩ đến. Thế là, Như đi mỗi tiệc cưới chỉ ba trăm ngàn, tiệc cưới làm tại nhà thì cô chỉ dám gửi hai trăm ngàn và không đến dự. Cô biết làm vậy là không ổn, "nhưng mình mới đi làm, ít tiền nên đành chịu" - Như chia sẻ.

Giang chọn cho mình một cách gửi tiền có vẻ hợp lý hơn, gọi điện đến nhà hàng hỏi giá bàn tiệc rồi đưa tiền mừng nhỉnh hơn một tí so với giá sàn. Chẳng hạn giá bàn tiệc bên nhà hàng từ ba triệu rưỡi thì Giang bỏ phong bì bốn trăm ngàn. Riêng với Chi, cô lại dựa trên mối quan hệ với người mời để xác định số tiền sẽ mừng cưới, càng thân thì tiền mừng càng nhiều.

Cách của Hùng, Như, Giang hay Chi đều là những cách mà chúng ta hay lựa chọn. Các yếu tố quyết định tiền mừng của họ là: khả năng tài chính của bản thân, số tiền đủ để cô dâu chú rể trang trải phí đãi tiệc, mối quan hệ với cô dâu chú rể. Dù lựa chọn cách nào, đây cũng là một vấn đề không dễ để quyết định.

Gửi tiền mừng để đôi bên đều hài lòng thật là khó!

Phương lại nghĩ khác, anh đưa ra hẳn một quy trình cho việc tính tiền mừng sao cho phù hợp. Anh tận dụng cả ba yếu tố mà những người khác hay dùng.

- Xác định chi phí đãi tiệc: Đầu tiên, anh sẽ liên hệ hoặc tham khảo website của nhà hàng để biết mức giá tiệc tại đây. Anh cũng hỏi về loại bàn tiệc tại nhà hàng vì có nơi đãi bàn 10 người, có nơi đãi 12 người/ bàn.

- Mối quan hệ với cô dâu chú rể: Tùy theo mức độ thân thiết với cô dâu hoặc chú rể, Phương sẽ dựa trên giá tiệc thấp nhất trên đầu người cộng thêm 5 - 30% để tính mức tiền mừng lý tưởng anh có thể đưa.

- Khả năng tài chính của bản thân: Nếu lúc đó Phương không kẹt tiền và khá thân với cô dâu chú rể thì Phương có thể đưa nhiều hơn cả mức tiền mừng lý tưởng. Thế nhưng, khi trong túi không còn nhiều tiền, anh đành phải đưa ít hơn và nếu thân với cô dâu chú rể, anh sẽ nói thẳng với họ.

Tiền mừng cưới sẽ đánh mất ý nghĩa khi mọi người tính toán quá nhiều.

Đủ hay thiếu không phải là vấn đề

Dù cho bạn dùng cách nào, tính kỹ hay qua loa, tiền mừng vẫn là một yếu tố vô cùng nhạy cảm. Như chia sẻ: “Bây giờ, mình cảm thấy rất khó xử khi gặp bạn mình vì mừng cưới ít quá.”. Hùng lại nghĩ: “Sau này đến ngày cưới, chắc ai cũng gửi đúng bốn trăm ngàn như mình trước giờ quá. Có khi ít hơn nữa, mà tiền tiệc cưới lại tăng không ngừng mới khổ.”.

Thực ra, đủ hay thiếu không phải là vấn đề bạn cần lo lắng. Cô dâu chú rể có lòng thực sự khi đã quyết định mời bạn đều mong mỏi sự có mặt của bạn hơn là khoản tiền mừng. Đừng coi tiền mừng là một khoản đầu tư, hãy xem đó như một sự sẻ chia cho cuộc sống mới của cô dâu chú rể. Đó mới là ý nghĩa thực sự của tiền mừng cưới.

Quan trọng nhất vẫn là niềm vui chung trong tiệc cưới

Dẹp bỏ những sai lầm về tiền mừng cưới

Sai lầm đầu tiên nằm ở chính cô dâu chú rể và gia đình hai bên. Nếu bạn sắp cưới và coi tiền mừng cưới là một khoản bù lại cho tiền đãi tiệc thì bạn đã mắc phải sai lầm này. Hãy nghĩ theo cách khác, xem tiền mừng cưới là khoản chuẩn bị cho tương lai, cho cuộc sống mới của hai bạn. Như vậy, khi nhìn lại chi phí thực sự mình có, bạn sẽ biết nên đãi tiệc như thế nào để vừa với sức mình.

Sai lầm thứ hai nằm ở khách dự tiệc. Nếu bạn chuẩn bị đến dự tiệc cưới, đừng băn khoăn quá về khoản tiền mừng, hãy đưa nhiều hơn khả năng của mình nhằm chia sẻ tài chính với cô dâu chú rể. Ngoài ra, thay vì đưa tiền mừng, gửi kèm một tấm thiệp mừng hay quà cưới cũng sẽ giúp bạn đỡ áy náy hơn. Bạn nên lưu ý để tiền mừng riêng với quà và thiệp để cô dâu chú rể có thể nhận được dễ dàng, vì tiền mừng thường được kiểm đếm riêng bởi người nhà để tránh mất mát.

Vượt qua được hai sai lầm này, văn hóa mừng cưới sẽ được cải thiện hơn. Khi đó, ngày cưới chỉ còn đọng lại trong chúng ta là những niềm vui mà không phải là nỗi băn khoăn về tiền bạc.

Bình Thư

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào