Phần lớn là do duyên số quyết định. Tuy nhiên, nếu chỉ đổ thừa cho duyên số thì không thực tế . Chúng ta phải chọn lựa, mà trong sự chọn lựa của chúng ta có nghiệp, có nhân quả chi phối bên trong.
Ví dụ có hai người theo đuổi mình, mỗi người đều có ưu có khuyết, chứ không ai hoàn toàn (vì thực ra trên đời này không có ai là hoàn toàn cả, người mà hoàn toàn thì đã đi tu mất rồi , ta đừng trông đợi làm chi cho mất công): người thì cao, người thì lùn, người thì đẹp, người thì xấu, người mũi đẹp, người thì miệng đẹp, người thì hát hay, người thì nói hay. Người hát hay thì nói chuyện dở, người hát dở thì nói chuyện hay… Ta không biết chọn ai, bèn đến nhờ các thầy các cô tư vấn. Thầy nói: “Thôi thì duyên với ai thì con lấy người đó” . Ta ra về, mà cũng chẳng biết chọn ai. Nếu đổ thừa cho nhân quả thì cũng không biết phải chọn ai, cho dù ta có tin vào nhân quả. Vì vậy ta phải dùng lý trí mà chọn lựa.
Tuy nhiên sự lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về phước. Hễ có phước thì chọn đúng, không có phước thì sẽ chọn sai.
Đây là lý do tại sao mình thấy mình rất ưng ý, nhưng lấy nhau được vài tháng thì đổ vỡ, con người mình tưởng tượng, tô vẽ ngày xưa không ngờ mới sống chung vài ba tháng đã trở thành con người khác .
Ngày xưa anh như một thiên thần đến với mình, đầu tóc lúc nào cũng chải chuốt, đến tới nơi là chào hỏi lễ phép ba mẹ mình, thương yêu các em của mình, săn đón lo lắng cho mình từng chút,… anh đến với em như một thiên thần của cuộc đời , lấy nhau ba tháng, anh trở thành một con … quái vật !
Điều này thuộc về nhân quả. Không thể nào lường trước được!
Tuy nhiên, ta phải biết phân biệt người tốt và người xấu.
Đặt vấn đề mình là người tốt : biết đi chùa, biết lễ Phật, biết làm phước, tin nhân quả, … gặp người chồng cũng là người tốt, thì hợp nhau, bởi vì cái tốt là chân lý, mà chân lý là một, nên nếu hai vợ chồng là người tốt, thì sẽ có nhiều điểm giống nhau. Tuy có một vài sở thích khác nhau, như mình thích đọc thơ, ổng thì thích đọc truyện, mình thích Đan Trường , ổng mê Phương Thanh ,… sở thích có thể khác nhau, nhưng những điểm chung căn bản thì phải giống nhau.
Mình có lòng thương người, ổng cũng vậy, vì cái tốt phải giống nhau. Mình có hiếu với cha mẹ mình, thương quý cha mẹ chồng, thì chồng cũng vậy, cũng phải có hiếu với cha mẹ và biết thương quý cha mẹ vợ. Những điểm giống nhau như vậy làm cho cuộc sống dễ chịu, cuộc hôn nhân như vậy làm cho mình hạnh phúc.
Trừ những lúc đau khổ do bất trắc thuộc về hoàn cảnh như rơi vào cảnh nghèo túng một thời gian, hay con cái đau bệnh mà không có tiền,… dù khổ về hoàn cảnh nhưng trong lòng thương quý, tin cậy nhau giữa hai vợ chồng thì vẫn có hạnh phúc, là nơi nương tựa tâm hồn của nhau, dù trong sóng gió vợ chồng vẫn dắt dìu nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Có một ông già sống cả đời không lấy vợ. Hỏi vì sao, ông bảo “sợ cảnh vợ đẻ, con đau, nhà hết gạo”, sợ những hoàn cảnh bất trắc của hôn nhân mà không lấy vợ, để đến già vẫn cô độc một mình. Nhưng nếu trong cuộc hôn nhân hai vợ chồng cùng tốt, mà do một nghiệp xưa nào đó phải đi qua khó khăn thì nhờ niềm tin, tình yêu với nhau, họ sẽ vượt qua mà không đau khổ.
Như một bài hát “anh hứa đưa em về nơi chân trời tím, gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu” . Đúng là tưởng tượng trên cung trăng , nhưng thực tế cuộc sống thì cơm áo gạo tiền phức tạp vô cùng.
Nói yêu thì yêu , nhưng hết gạo thì … yêu hết nổi . Bởi vậy yêu thì yêu, nhưng cũng phải … có gạo mới yêu nổi. Nhưng khi yêu thì người ta quên mất chuyện đó. Tóm lại, tốt cũng là một tiêu chuẩn lựa chọn.
Còn hai người đều xấu thì sao ? Một người vợ ích kỷ, tham lam, ganh ghét, gian dối,… Một ông chồng nhậu, quậy, lăng nhăng, bồ bịch tùm lum, .. thì hai người sống với nhau như thế nào? Lạ một điều là tốt thì giống nhau, còn xấu thì không giống nhau, mà làm khổ nhau.
Mình thích đánh bài tứ sắc, chơi đề; ổng thì thích đi nhậu. Khi “sung” lên mình thích chửi bới, ổng thì thích đánh,… Xấu thì không có điểm chung, chỉ làm khổ nhau. Gia đình như thế không ai dám bén mảng tới lui thăm viếng.
Đặt trường hợp gia đình có một người xấu, một người tốt. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Đổ vỡ. Mình đã ráng lựa, nhưng lại chọn nhầm, về sống với nhau mới biết đó là người không tốt. Hôn nhân sẽ cực kỳ mâu thuẫn. Sự khác biệt về đạo đức sẽ làm cho ta khổ tâm day dứt.
Sự chênh lệch tài năng cũng là một điều cần suy xét. Hai người cùng giỏi, thì thật lý tưởng . Hai người cùng dở, chắc là nghèo cả đời . Còn một người chồng quá giỏi, một người vợ quá dở thế nào cũng bị chồng coi thường. Cứ tiếp tục xem thường một thời gian thì tình thương cũng mất.
Có chuyện một người vợ quá khờ, nhà làm ăn buôn bán mà thối tiền cũng không biết, người chồng phải gánh vác hết tất cả mọi việc, chịu không nổi phải thốt lên: “Thôi thôi em ơi, em ngu vừa vừa thôi, chừa cho hàng xóm người ta ngu với!”. Người chồng cũng khá nhã nhặn, không quá thô lỗ, nhưng cứ như vậy thì tình yêu dành cho người vợ cũng mất dần.
Tình thương yêu chỉ có khi mà còn có lòng kính trọng . Nhìn lại, ta cũng chỉ thương người nào mà mình có lòng kính trọng, nể phục. Chứ một người không tài không năng, không bản lĩnh thì làm sao mà thương yêu cho nổi ? Như vậy, chọn người hôn phối cũng nên chọn sao cho tài năng hai người tương đối ngang nhau mới dễ sống. Vợ chồng nể nang nhau vì tài năng, tình yêu mới lâu bền. Vì vậy mà bản thân ta cũng phải biết rèn luyện, trau dồi bản lĩnh trong cuộc sống, có nghề nghiệp vững chắc, thì hôn nhân mới hạnh phúc.
Tương tự, nếu một đôi đũa lệch: người vợ quá giỏi, người chồng quá dở thì đổ vỡ cũng khó tránh. Chịu đựng đến một lúc nào đó không được nữa, phải bỏ nhau. Khinh thường nhau rồi, không thương nhau được nữa. Không thương nhau, thì sẽ phải chia xa.
Ngoài đạo đức, tài năng, còn phải biết chọn người có phước tương đồng với mình mới có thể ăn đời ở kiếp. Phước mà không tương xứng với nhau, cũng sẽ chia tay. Đã là vợ chồng, thì giàu cùng hưởng, nghèo cùng chịu, nên phước phải tương xứng mới có thể sống đời với nhau. Mặc dù mình không biết tương lai mình như thế nào, giàu hay nghèo, nhưng mình vẫn có thể đoán được.
Nếu có phước, trong cuộc sống mình sẽ dễ có những may mắn nho nhỏ, mà gặp một người quá chật vật, đụng đâu hư đó, thì đừng ! Phước quá chênh lệch sẽ không sống với nhau lâu, dễ đổ vỡ. Nếu hai vợ chồng cùng ít phước, thì phải chịu cảnh nghèo, cảnh khổ.Tuy nhiên, phước không đánh giá trong một giai đoạn, mà qua nhiều thời kỳ. Biết đâu buổi đầu nghèo, nhưng về sau lại giàu . Khi mới lấy nhau thì còn nghèo khó, nhưng về sau hai vợ chồng làm nên.
Một điều nữa là chọn vợ chọn chồng cũng nên bình thản, từ từ mà chọn lựa, đừng nên sốt ruột quá. Có những miền quê, dù đã lớn tuổi, chưa có chồng người ta vẫn tỉnh bơ mà sống . Nhưng lại có những miền quê người ta rất sợ mang tiếng “bị ế” . Tới một tuổi nào đó mà chưa có chồng, họ cảm thấy như “xấu hổ” . Vì vậy mà họ khổ, do tới tuổi rồi, không có ai vừa ý nhưng bị buộc phải chọn . Do chọn lựa không ưng ý, về sống với nhau khổ sở mà phải chịu.
Hiểu đạo Phật rồi, ta hãy sống như miền quê không sợ ế, “tỉnh queo” khi tuổi đã lớn mà vẫn chưa tìm được người thích hợp . Không có chồng thì ở vậy … nuôi heo , hay ở vậy đi tu . Nhất là đệ tử Phật, không cần thiết phải lấy chồng. Vì vậy đừng sốt ruột hối ba mẹ mình , cứ bình thản mà chọn người thích hợp.
Một yếu tố cực kỳ quan trọng trong hôn nhân nữa là tín ngưỡng. Hai vợ chồng khác đạo, rất khó sống với nhau.
Trước hết, phải hiểu rõ Đạo là gì? Đạo là cách để sống trong cuộc đời. Đạo không phải là cái gì ở ngoài cuộc đời. Chúng ta không tìm Đạo trên mây cao, trên đỉnh núi xa, trong rừng vắng. Chúng ta phải sống giữa cuộc đời, sống cho đúng, cho tốt. Đó là Đạo.
Gặp một người nghèo khổ, ta cảm thấy thương. Lòng thương đó là ta đang ứng dụng đạo trong cuộc sống.
Khi ba mẹ rầy la, ta chịu đựng không giận. Cái chịu đựng không giận đó là đạo lý sống trong cuộc đời.
Khi có một người đến hẹn hò, rủ đi chơi tối, mình biết xin phép ba mẹ. Cái biết kiềm chế, không dễ lạc lòng, giữ cứng được lòng mình, chính là Đạo trong cuộc sống.
Mỗi tôn giáo có bề cạn, bề sâu khác nhau. Đây là một điều cần cân nhắc kỹ.
Trở lại, một người chồng tốt phải biết thương vợ . Có thương thì mới theo đuổi, mới cưới nhưng quan trọng là tình thương đó lâu hay mau.
Buổi đầu thương nhớ, nói đủ điều, đến nỗi ngồi nói chuyện, cô gái làm rơi chiếc khăn tay, anh chàng lật đật cúi nhặt, phủi bụi, mang đi giặt xà bông thơm,… làm cô gái cảm động mà ưng thuận . Cưới nhau về rồi, bà vợ té “cái ạch” trước mắt, ông chồng dòm cái rồi đi luôn, không thèm đỡ. .
Do vậy bổn phận của người chồng là phải thương vợ, mà phải thương lâu dài, thương sâu sắc . Cái khó của đàn ông cũng là ở chỗ đó. Họ thường khô khan hời hợt, trong khi phụ nữ lại sống tình cảm, dễ mủi lòng, hay khóc. Vì thế mà đàn ông cần bổ sung ở điểm này.
Thương lâu? Họ phải nhìn lại lòng mình: trước khi cưới phải thương, sau khi cưới phải giữ tình thương, sống với nhau 5 năm, 10 năm,… vẫn phải giữ tình thương đó, dù lúc này tình thương chỉ còn vun đắp bằng lý trí, bằng cái nghĩa. Lúc đó thương bằng suy nghĩ, không còn thương bằng cảm tính nữa. “Lúc đầu gặp em tinh tú quay cuồng – Lòng đang giá băng bỗng ngập tràn muôn tia nắng”, thương bằng cảm tính là thế đó.
Khi lấy nhau rồi cảm tính từ từ hết, người đàn ông phải biết thương bằng suy nghĩ, phải nghĩ thế này : Đây là người đã trao cho mình cả cuộc đời, đã bỏ cha bỏ mẹ đi theo mình, đã sinh cho mình những đứa con để nối tiếp dòng họ của mình, đã cực khổ với mình, đã chia sẻ với mình khi mình còn khó khăn lận đận …. Người chồng phải biết suy nghĩ như thế, vì lúc đó cảm tính đã hết, tình yêu đã hết rồi. Đây là bổn phận của người chồng. Khi tuổi đời càng lớn càng phải biết suy nghĩ về những điều đó để thương vợ.
Còn thương sâu sắc? Phải biết để ý từng chi tiết nhỏ nhỏ để làm vợ mình vui. Nhìn nét mặt người vợ thấy có gì không vui phải biết tìm nguyên nhân xem vì bệnh hay có điều gì làm vợ mình buồn. “Anh có lỡ nói điều gì làm cho em buồn chăng?” hay “Hôm nay em có mệt gì chăng?”… chứ không phải lúc rớt khăn thì lượm, sau thấy vợ té cái ạch, chỉ dòm dòm rồi đi thẳng.
Rồi những khi vợ nấu cơm bưng lên, dù hôm ấy vợ nấu ăn không ngon, nhưng người chồng phải hiểu công lao cực khổ của người vợ, vất vả vì mình. Vợ hỏi: “Hôm nay anh ăn cơm ngon không?” thì cũng trả lời: “Nấu ngon hơn bà nội anh nấu hồi đó?” Hỏi: “Bà nội anh nấu ăn thế nào?” “Hồi đó mỗi lần bà nội nấu cơm, anh toàn trốn ra ngoài ăn phở. Giờ em nấu ăn ngon hơn một chút”…. (chồng như vậy biết kiếm tìm ở đâu nhỉ? )
Ngoài ra, cách cư xử với nhau trong cuộc sống cũng cực kỳ phức tạp. Rồi bổn phận với họ hàng cha mẹ hai bên… Lỡ làm dâu mà nhà chồng không thương, mẹ chồng, em chồng thay nhau nói xấu,… Bao nhiêu điều phải học trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Rồi những khi khổ cực, thái độ mình phải sống như thế nào đối với vợ mình, chồng mình. Người ta hay nói: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Có những lúc khổ cực quá chịu không nổi, thấy có người khác mình liền đi theo, hoặc có khi vừa giàu thì mình bỏ người kia,… Đó là không “đồng cam cộng khổ”.
Đây là vấn đề đạo đức, khi cực khổ mình phải biết an ủi, dắt dìu nhau vượt qua, và cùng nhau làm phước. Không có gì quý bằng lúc nghèo mà làm phước. Giàu mà làm phước thì thường, phước không lớn. Nghèo mà biết làm phước, phước mới nhiều. Vừa làm phước, vừa vượt qua khó khăn, tình nghĩa vợ chồng thêm đẹp.
Rồi những lúc sang giàu, phải đối xử với nhau, với họ hàng thế nào, làm những việc công đức gì, cũng cần phải học.
Một vấn đề tế nhị khó nói mà không ai dám nói là đạo đức về tình dục. Cuộc sống vợ chồng trong đó buộc phải có quan hệ tình dục. Cha mẹ không nói, con cái không biết. Sách vở thì nói tùm lum, bậy bạ, tào lao. Trong quan hệ vợ chồng có cái gọi là ứng xử đạo đức của tình dục. Đây là vấn đề cực kỳ tế nhị, phải được trang bị kỹ trước khi bước vào hôn nhân.
Vấn đề lớn nữa là nuôi dạy con cái. Cha mẹ thương con, nhưng phải biết dùng lý trí. Không được thương con rồi nuông chiều. Đa phần chúng ta thương con rồi nuông chiều con. Người cha có thể cứng rắn dạy con, nhưng người mẹ khi nghe con khóc thì lại không chịu được. Người ta nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là vậy. Do đó mình phải biết thương con, và dạy con cho đúng. (Sẽ trình bày riêng ở một bài khác).
Một vấn đề thường gặp trong đời sống hôn nhân là lòng chung thủy. Chúng ta thường phải đối diện với vấn đề lớn là sự thiếu chung thủy của người hôn phối làm cho hạnh phúc, hôn nhân tan vỡ. Phụ nữ thường chung thủy hơn đàn ông, vì đàn ông dễ lạc lòng, sa ngã.
Lý do nào người ta không chung thủy lâu dài với nhau?
Thứ nhất, lòng thương yêu không đủ sâu đậm. Thương hời hời hợt hợt, một thời gian thì cưới. Sau đó gặp một người khác, thấy thương hơn, yêu hơn. Thế là lòng thương yêu với người cũ hết. Bị thay đổi. Đó là thực tế. Do vậy ngay từ buổi đầu phải chọn lựa người cho kỹ để đặt tình thương yêu sâu đậm.
Lý do thứ hai là một trong hai người bị đánh mất nhân cách dần dần, nên đánh mất lòng kính trọng của người kia.
Một bà vợ suốt ngày đi “tám” chuyện hàng xóm, có bao nhiêu tiền thì đem đi đánh đề, đánh bài tứ sắc, thì dù ngày xưa người chồng thương yêu lắm, nhưng nói mãi mà không được, thì ông chồng sẽ không còn thương yêu nữa. Mà khi không còn thương nữa, thì có thể ông sẽ đi thương người khác.
Hay người chồng bỗng trở nên nhậu nhẹt, chơi bời, đánh mất tư cách thì người vợ sẽ không còn thương yêu nữa. Có khi người vợ đi tìm người thương khác. Chung thủy mất dần.
Lý do nữa để mất lòng chung thủy là một trong hai người mắc bệnh đa tình, dễ lạc lòng. Mình có chồng rồi, mà gặp người khác đẹp trai, khéo ăn nói, thế là bị lạc lòng, thương người đó. Đây cũng là một cái nghiệp trong tâm. Nếu lỡ mắc phải bệnh này thì nên lạy Phật sám hối cho nhiều để hết nghiệp đa tình.
Một nguyên nhân nữa là một trong hai người có duyên tình ái với nhiều người trong kiếp xưa, bây giờ lần lượt gặp lại. Ví như người chồng ngày xưa làm vua, làm quan gì đó, mà thời xưa thì “năm thê bảy thiếp”, nên kiếp này gặp lại những người vợ cũ. Gặp lại người cũ thì cũng thương nhau, không nỡ bỏ. Đây là nguyên nhân của sự mất chung thủy mà rất khó trách, vì ngày xưa, ông thương người đó thật lòng, và luật lệ, tập quán ngày xưa cho phép. Và do đối xử tốt với nhau, thương nhau thật lòng nên gặp lại. Gặp nhau rồi, trong lòng ông tự nhiên xuất hiện tình thương trở lại, của duyên xưa, chứ không do sa ngã, truỵ lạc. Đây là trường hợp rất khó xử, và hôn nhân dễ dàng đổ vỡ.
Để tránh những điều đó, hai vợ chồng phải thường xuyên cùng nhau lạy Phật sám hối để cầu nguyện giữ được lòng chung thủy. Chung thủy với một người cũng là một bước gần đến chỗ vượt qua ái dục. Nếu mình còn lạc lòng nhiều thì gom hết lại để chung thủy với một người, rồi từ người đó mà dập tắt luôn ái dục, trải lòng thương yêu tất cả chúng sinh.
Từ bây giờ, ta hãy tránh những tiểu thuyết xây dựng nhân vật đa tình, nhất là chuyện điệp viên. Điệp viên 007, đi đến đâu là bồ đến đó. Những bộ phim, những câu chuyện truỵ lạc sẽ giết lần mòn đạo đức, tâm hồn mình, khiến con người không còn chung thủy nữa. Do đó ta phải biết phê phán những thứ văn hóa làm tấm gương xấu về sự lăng nhăng, không chung thủy.
Một điều cũng thường gặp trong hôn nhân là những tình cảm mới phát sinh. Người vợ đi làm gặp đồng nghiệp, xuất hiện tình cảm. Hay người chồng đi làm trên đường gặp một người mến mình, thế là một tình cảm mới phát sinh. Do đó phải biết dập tắt ngay từ đầu, ngay từ mầm mống. Biết lạy Phật thì mới vượt qua được những tình cảm như vậy. Điều này trong cuộc đời ta hay bị.
Một điều nữa là vợ chồng sống với nhau phải biết bày tỏ tình cảm với nhau. Đừng nên hời hợt. Đừng nghĩ rằng sống với nhau lâu rồi, hơi đâu mà màu mè. Đừng nghĩ vậy. Phải biết “màu mè” với nhau. Chồng mua ít hoa tặng vợ. Vợ lâu lâu tặng chồng một món quà nhỏ. Chăm sóc, để ý, hỏi han nhau để vun đắp thêm tình thương yêu dành cho nhau, để giữ lòng chung thủy.
Tuy nhiên cũng có trường hợp là định mệnh quy định hôn nhân sẽ tan vỡ. Là số phận an bài, hay nghiệp xưa phải trả. Đến một lúc nào đó hôn nhân đổ vỡ không tránh được. Đó là duyên số.
Cũng có khi là sóng gió trong hôn nhân mà phải tập độ lượng để vượt qua. Một lúc nào đó bỗng nhiên bạn đời của mình bị lạc lòng với người khác, cũng đừng vì vậy mà đánh vỡ hôn nhân. Có khi mình chịu đựng một chút, xây dựng lại, thì qua lúc sóng gió là hết, gia đình đầm ấm trở lại.
Có một nhà tư tưởng Châu Âu đã nói: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng”. Thông thường ban đầu khi mới yêu nhau, người ta chỉ muốn dành hết cuộc sống này cho nhau: “Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím – Mơ chúng ta in bóng trên lưng trời xa – Xin không thiếu trăng vàng trên tóc em…” Bao nhiêu điều thơ mộng người ta dệt nên, như trong cuộc sống này chỉ còn có hai người. Nhưng thực tế cuộc sống không phải vậy. Đó là một điều đau khổ, vì tình thương yêu ích kỷ chắc chắn sẽ đưa tới đau khổ. Vì vậy khi đến với nhau thì do duyên số, thương yêu tha thiết, nhưng phải biết “cùng nhìn về một hướng”, nghĩa là biết đem lý tưởng xây dựng điều tốt đẹp cho đời, làm lợi cho chúng sinh, tạo nên công đức lớn trong cuộc đời, hạnh phúc sẽ ngày càng lớn. Còn thứ tình yêu ích kỷ, chỉ biết “nhìn nhau”, một ngày nào đó sẽ quay lại mà “cào cấu” nhau. “Thương nhau lắm, cắn nhau đau” là vậy.
Hiện nay, tình yêu đang được đề cao quá mức. Những quyển tiểu thuyết, những bộ phim, những bản nhạc ướt đẫm tình yêu. Đó là một sự yếu kém trong giáo dục. Tình yêu không phải là tất cả. Có những thứ tình cảm cao đẹp khác tốt hơn: yêu quê hương đất nước, yêu cha mẹ, yêu cây cỏ, yêu thiên nhiên, yêu con người…
Tình yêu là tạm bợ, mong manh như khói, như sương. Tình yêu không bền vững, dù lúc đầu nó dữ dội như gió bão “không có anh em chết cả một đời”, nhưng không phải, xa rồi thấy tỉnh bơ, còn nhẹ cả bụng. Nhưng lúc đầu mình tưởng là như vậy. Lấy nhau rồi thì chỉ còn bổn phận, còn cái nghĩa. Vì vậy ban đầu khi tình yêu mới chớm, ta phải biết xây dựng một tình thương, một cái nghĩa tiếp theo sau, chứ thật sự tình yêu chỉ sau một thời gian ngắn ngủi là nhạt nhòa, là mất, không còn. Chỉ có cái nghĩa, cái lý trí là lâu dài. Lấy nhau lúc còn khổ cực, cái nghĩa lớn. Thương nhau, đỡ đần nhau, cái nghĩa nặng. Còn lấy nhau trong giàu sang, cái nghĩa ít. Hời hợt, không lo gì được cho nhau, cái nghĩa cạn. Cho nên tình yêu là tạm bợ, cái nghĩa mới là lâu dài, còn lòng từ bi mới là vĩnh cửu.