Đăng bởi Marry Doe - 12/02/2014 | Lượt xem: 9960
Có khá nhiều rắc rối nảy sinh trong quá trình tổ chức đám cưới mà bạn cần được chuẩn bị trước để xử lý
Có khá nhiều rắc rối nảy sinh trong quá trình tổ chức đám cưới mà nếu không chuẩn bị trước để xử lý, bạn và chú rể của mình sẽ thấy đau đầu và mất vui trong ngày trọng đại
Một số vấn đề đầu tiên mà bạn phải đối mặt khi tổ chức đám cưới bao gồm: ngân sách, thực đơn, nghi thức truyền thống...
Thực khách kén chọn
-Hỏi: Làm thế nào có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách ăn kiêng, khách ăn chay, khách mắc bệnh tiểu đường, khách dị ứng với món nào đó hoặc khách không thích món lạ?
-Đáp: Bạn không thể biết trước mọi nhu cầu ẩm thực của từng khách dự tiệc cưới. Để tổ chức đám cưới thành công nhất mà bạn có thể, tốt nhất là chọn một hoặc hai món đầu tiên có thịt và một món đầu tiên không chứa thịt, như vậy sẽ làm khách ăn kiêng, khách ăn chay và khách kén ăn đều hài lòng. Hoặc bạn cân nhắc chọn tiệc cưới buffet có nhiều món khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực khách. Thực ra, hầu hết những người có nhu cầu riêng về thức ăn không trông mong được tiếp đãi đặc biệt khi họ tham dự tiệc cưới như một khách VIP đâu.
Tiết kiệm một cách khéo léo
-Hỏi: Có cách nào giảm bớt chi phí mà không phải từ bỏ những thứ tôi cần?
-Đáp: Trong quá trình tổ chức đám cưới, mọi chi phí đều có thể đội lên so với tính toán ban đầu. Bạn sẽ cần một số cách cắt giảm ngân sách mà không ảnh hưởng lớn đến toàn cảnh đám cưới của mình. Dĩ nhiên, cách nhanh nhất chọn lọc kỹ càng danh sách khách mời. Điều này sẽ hạ chi phí phục vụ, thiệp mời và khoản trang trí đáng kể. Bạn cũng có thể tiết kiệm một khoản lớn bằng cách đặt tiệc cưới ngoài mùa cao điểm hoặc vào ngày thường trong tuần. Bạn cần cách tiết kiệm lặng lẽ hơn? Hãy tổ chức nghi lễ và tiệc cưới ở cùng một địa điểm, giải pháp này sẽ giảm thời gian di chuyển lẫn chi phí vận chuyển. Chọn hoa đúng mùa và tránh những loại đắt tiền. Đãi bia, nước ngọt hoặc một loại coctail cụ thể thay vì đưa ra quá nhiều lựa chọn. Và nếu có thể, nên dùng lại đồ trang trí trong nghi lễ cho nơi đãi tiệc.
Có qua có lại?
-Hỏi: Nếu từng đến dự đám cưới của ai đó, tôi có buộc phải mời họ dự lại tiệc cưới của mình?
-Đáp: Tiệc cưới này là của bạn, và bạn có quyền cân nhắc và quyết định ai sẽ tham dự. Nếu có ai đó mà bạn cảm thấy không nhất thiết phải mời, chỉ cần giải thích rằng đám cưới của bạn rất nhỏ gọn, chỉ có hai bên gia đình nên không thể mời tất cả.
Thỏa hiệp với truyền thống
Hỏi: Ba mẹ muốn chúng tôi làm đám cưới theo phong tục truyền thống, nhưng chúng tôi lại hoàn toàn không muốn vậy. Vợ chồng tôi nên làm thế nào?
Đáp: Nếu bạn là người quyết định về tài chính và ý tưởng trong quá trình tổ chức đám cưới, hãy thoải mái thực hiện ý tưởng của mình. Nhưng cũng đừng quên rằng đây cũng là ngày quan trọng với các đấng sinh thành. Nên cân nhắc ý kiến của họ, đặc biệt nếu họ là người chi trả hoặc hỗ trợ chi phí cho đám cưới. Hãy ngồi lại cùng nhau và cố xác định xem đâu là điều quan trọng nhất với tất cả, sau đó thực hiện theo một kế hoạch dễ chấp nhận nhất.
Dự tính ngân sách cho phù dâu
Hỏi: Phù dâu cũng là một phần quan trọng trong quá trình tổ chức đám cưới. Nhóm bưng quả kiêm phù dâu của tôi than phiền về chi phí cho váy áo và phụ kiện. Tôi nên xử lý thế nào?
Đáp: Bạn nên thận trọng. Cần chọn chiếc váy có giá hợp lý và bàn luận cùng nhau để tìm được kiểu váy hợp với phong cách lẫn túi tiền của cả hai bạn. Cô dâu không nhất thiết phải chi trả cho váy áo của dâu phụ, nhưng nếu bạn muốn “gánh” luôn những chiếc váy đắt tiền, nên thêm phần này vào chi phí riêng hoặc trả một nửa. Cố gắng giảm bớt gánh nặng ở khoản khác cho họ, chẳng hạn nếu họ mua váy, đừng bắt họ phải trả tiền trang sức lẫn giày.
Bảo Trâm