Đăng bởi - 02/07/2022 | Lượt xem: 3141
Khoảng cách gia đình cô dâu và chú rể quá xa hoặc điều kiện đi lại giữa hai nhà hạn chế thì việc gộp chung đám hỏi và đám cưới thành một ngày hoàn toàn là lựa chọn hợp lý, tiết kiệm được thời gian lại tiết kiệm được chi phí cho ngày cưới.Hiện nay thì vấn đề gộp hai ngày đại lễ là lễ ăn hỏi và lễ đón dâu và mời khách vào cùng một ngày đã khá phổ biến. Cách này sẽ giúp cho các bạn có thể tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí cho đám cưới, đặc biệt đây là giải pháp tốt nhất dành cho cặp đôi có khoảng cách địa lý cách xa nhau giữa các vùng miền khắp Việt Nam.
Vậy khái niệm của 2 nghi lễ này là gì? Và thủ tục để có thể nhập chung 2 lễ này với nhau ra sao? Hãy cùng Marry tìm hiểu ngay nhé!
Khái niệm
Lễ ăn hỏi là gì?
Lễ ăn hỏi là nghi lễ mà nhà trai mang đồ lễ là tráp ăn hỏi sang gia đình nhà cô dâu để thưa chuyện, chính thức xin phép cho đôi uyên ương được kết duyên trầu cau. Do đó lễ ăn hỏi được coi như lễ hỏi vợ, là ngày để cả hai bên gia đình cùng bàn bạc và chọn ra ngày lành tháng tốt để làm đám cưới cho cô dâu chú rể.
Lễ ăn hỏi được coi là phần nghi thức quan trọng nhất trong nghi lễ cưới hỏi của người Việt
Lễ đón dâu là gì?
Gia đình nhà trai sẽ cử những người đại diện (thường là mẹ, chú rể, cô dì, bác đại diện) sẽ mang lễ vật đến nhà gái để thắp hương gia tiên để báo và xin giờ rước dâu.Việc xin dâu là để hôn lễ sẽ được diễn ra suôn sẻ cũng như nói lên sự tự nguyện có có được sự đồng ý của cả hai bên cô dâu chú rể, nhà trai nhà gái.
Trình tự tổ chức lễ ăn hỏi và đón dâu cùng ngày
1. Chuẩn bị trước ngày ăn hỏi
Hai nhà trai gái sẽ bàn bạc sau đó thống nhất số lượng tráp hỏi hay mâm quả. Trong tráp phải có lễ đen (thường sẽ để trong tráp rượu thuốc hoặc có một tráp nhỏ riêng), là phong bì tiền mà nhà trai sẽ để thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Số lượng phòng có thể tùy thuộc vào số lượng bàn thờ hoặc do yêu cầu của nhà gái (thách cưới)
Tùy số lượng tráp đã nêu bên trên, nhà trai sẽ chuẩn bị đội nam thanh niên để bê tráp, song song đó nhà gái cũng chuẩn bị đội nữ cũng có số lượng tương ứng để đỡ tráp.
Mâm ăn hỏi cơ bản gồm có: trầu cau, trà, rượu,hoa quả,...
2. Chào hỏi và trao tráp, mâm quả
Tới giờ đẹp, đoàn ăn hỏi nhà trai đi đầu là trưởng đoàn tiếp theo đến là ông bà, bố mẹ, chú rể, đội bê tráp và các thành viên liên quan.
Sau khi hai nhà chào hỏi, đội bê tráp nhà trai sẽ trao lễ cho đội đỡ tráp nhà gái để đỡ tráp hay mâm quả vào phía trong nhà gái.
Đội bê tráp hai gia đình sẽ trao cho nhau những chiếc phong bao lại duyên với ý nghĩa mang lại sự may mắn. Phong bao này đã được hai gia đình thống nhất và chuẩn bị từ trước. Có thể trao sẵn cho các bạn từ trước khi đoàn nhà trai vào đính hôn hoặc có thể sau khi trao lễ xong cô dâu chú rể sẽ ra phát cho từng người trong đội bưng tráp nhà mình để hai bên trao qua lại cho nhau.
3. Mời nước, trò chuyện
Sau khi thủ tục trao nhận tráp kết thúc, gia đình hai nhà sẽ cùng ngồi uống nước, nói chuyện.
Đại diện nhà trai – trưởng đoàn sẽ giới thiệu về các mâm quả và phát biểu lý do nhà trai đến nhà gái hôm đấy.
Đại diện nhà gái sẽ đứng lên thay mặt nhà gái cảm ơn và chấp nhận tráp ăn hỏi của nhà trai.
Lúc này mẹ chú rể và mẹ cô dâu sẽ cùng mở tráp trao và cùng nhau chụp những bức ảnh đang trao cho nhau các những đồ lễ trong bộ tráp hỏi.
4. Cô dâu bước ra và ra mắt gia đình nhà trai
Gia đình nhà gái đồng ý cho chú rể lên phòng đón cô dâu xuống chào gia đình nhà trai ( Lưu ý: Trước khi chú rể lên đón, cô dâu tuyệt đối không được xuất hiện trong lễ ăn hỏi).
Cô dâu sẽ chào hỏi và rót trà mời gia đình nhà trai, và ngược lại, chú rể cũng sẽ rót nước mời gia đình nhà gái.
Ảnh: Jamex Production
5. Cô dâu chú rể cùng thắp hương thờ gia tiên nhà gái
Sau khi cô dâu và chú rể đã mời nước hai bên gia đình, mẹ cô dâu sẽ gỡ đồ lễ trên tráp mà gia đình nhà trai mang tới để mang lên thờ ban gia tiên nhà gái.
Tiếp sau đó ba mẹ cô dâu sẽ cùng cô dâu chú rể thắp hương trên bàn thờ gia tiên.
6. Bàn bạc về lễ cưới
Sau đó hai gia đình lại quay trở lại tiếp tục câu chuyện và bàn bạc và thống nhất về thời gian lễ cưới.
Trong thời gian đó, cô dâu và chú rể sẽ mời nước quan khách và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người.
7. Nhà gái lại quả cho nhà trai
Khi nhà trai chuẩn bị ra về, nhà gái sẽ tách đồ lễ trên tráp hỏi ra để cho nhà trai mang về như quà lại quả. Tuyệt đối không dùng dao kéo tác động vào tráp hỏi mà chỉ dùng tay để tách và đồ lễ để lại quả thường là số chẵn. Nhà gái trao đồ lại quả cho nhà trai và nhà trai xin phép gia đình nhà gái ra về.
Ảnh: Jamex Production
8. Lễ đón dâu
Nhà trai sau khi nhận đồ lại quả đi ra, người đại diện cho đoàn nhà trai trong đó có chú rể mang tráp xin dâu quay trở lại nhà gái nói chuyện thông báo về lễ xin dâu và sau đó dẫn cô dâu ra để cùng cô dâu thắp hương và di chuyển cùng đoàn nhà trai về nhà trai.
Trên đây là quy trình các bước cho lễ ăn hỏi và đón dâu cùng ngày các bạn có thể tham khảo. MARRY tin những thông tin này hữu ích dành cho các cặp đôi cho việc chuẩn bị hỷ sự cho những ngày sắp đến.