Đăng bởi Thuận Huỳnh - 30/04/2022 | Lượt xem: 2019
Cô dâu/chú rể phải thực sự thân quý bạn, để mời bạn đến lễ cưới của họ - một sự kiện hết sức trọng đại. Và chắc chắn, bạn sẽ không muốn mình trở thành một người “kém duyên” trong dip này, đúng không nào, cùng tham khảo những điều nên tránh sau đây nhé!
1. Không trả lời thiệp mời đám cưới - xác nhận tham dự đám cưới
Nếu ở nước ngoài thì đây là việc gần như bắt buộc đối với khách mời thì ở Việt Nam, hầu hết mọi người chưa có thói quen này. Việc tổ chức một đám cưới là khá tốn kém, nếu bạn không trả lời thiệp mời thì cô dâu/chú rể sẽ nghiễm nhiên nghĩ là bạn có đến. Nếu bạn không đến thì một phần tiệc sẽ bị bỏ phí và như vậy thì thực sự là không nên.
Đồng ý là sẽ có những trường hợp bất khả kháng xảy ra vào phút cuối nhưng đó chắc chắn là những trường hợp hy hữu. Vì vậy, hãy hình thành thói quen trả lời các thiệp mời mà bạn nhận được và cố gắng sắp xếp lịch trình của mình, nếu bạn thực sự muốn tham gia.
2. Nhầm ngày/nơi tổ chức tiệc cưới
Nghe thì rất vô lý nhưng lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, hãy chú ý đọc kỹ những thông tin quan trọng ngay khi nhận được thiệp cưới nhé! Nếu cần thiết, hãy ghi chú vào phần Calendar trên điện thoại của bạn, để nhận thông báo ngay trước ngày lễ quan trọng diễn ra.
3. Dẫn theo trẻ em (những vị khách không được mời tới bữa tiệc)
Đây có lẽ là cảnh thường xuyên xảy ra trong nhiều đám cưới tại Việt Nam. Khi có những vị khách dẫn theo không chỉ là 1 mà đến 2-3 đứa trẻ cùng đến. Điều này thực sự là điều không nên khi tham dự một bữa tiệc. Chưa kể đến những đứa trẻ có thể chạy nhảy, gây ồn ào hoặc đụng chạm đến những phần trang trí của tiệc cưới thì những vị khách “không mời” như vậy cũng sẽ khiến cho số lượng các phần tiệc được đặt sẵn có sự thiếu hụt và chênh lệch dù không đáng kể.
Có ý kiến cho rằng, trẻ em ăn được bao nhiêu đâu mà tính toán, nhưng xin thưa, đây không phải là sự “kém duyên” nằm ở phần “bao nhiêu tiền”, mà đó là sự thiếu hụt bất ngờ các phần ăn mà nhà hàng hoặc gia chủ đã đặt trước đó, khiến cho người tổ chức rơi vào tình thế bị động, trong khi đám cưới vốn đã rất nhiều công việc.
4. Trang phục: mặc sai dresscode hoặc mặc nổi bật và lấn át cô dâu
Trong các bữa tiệc cưới, nếu cô dâu/chú rể không quy định rõ về màu quy ước, bạn có thể lựa chọn những màu và trang phục nhã nhặn. Nên tránh màu trắng, quần jean áo phông,...và đặc biệt những thiết kế quá tạo bạo, phá cách, lấn lướt cô dâu và gây sự chú ý không cần thiết.
5. Quá chú trọng vào phần ăn uống
Đồng ý là không ai có thể từ chối những bữa tiệc ngon, nhưng xét đến bối cảnh lễ cưới trang trọng thì có lẽ đây là một điều khá tế nhị và cần phải được tiết chế!
6. Không “diễn văn bất ngờ”
Có thể bạn là người tinh nghịch và có nhiều ý tưởng bất ngờ, nhưng hãy tin tôi đi, lễ cưới là một dịp quá trọng đại để dành chỗ cho những bài diễn văn “bất ngờ không báo trước”.
Nếu bạn định bày tỏ tình cảm với cặp đôi một cách hài hước hay gần như vậy, hãy báo trước và lựa chọn thận trọng những gì bạn định phát biểu trước gia đình của hai bên.
7. Đến tay không: không gì cả
Đừng nghĩ rằng, đây là một lời khuyên vật chất. Tôi nghĩ rằng, khi đã mời bạn đến bữa tiệc, cô dâu/chú rể hẳn là rất quý mến bạn. Chỉ một bông hoa, một lời chúc, một quyển sổ tay ghi lại những tình cảm bạn dành cho họ...cũng là những món quà hết sức quý giá.
8. Rời khỏi bữa tiệc mà không một lời chào
Đừng ngại là đám cưới quá đông và chắc chẳng ai chú ý đến mình. Chào hỏi là nguyên tắc lịch sự tối thiểu mà chúng ta nên rèn luyện trong bất kỳ tình huống nào, không chỉ trong một lễ cưới.
Hãy lịch sự, gửi lời chào tạm biệt đến cô dâu/chú rể nếu bạn vô tình cần rời bữa tiệc sớm hơn nhé!