Đăng bởi Marry Doe - 16/05/2020 | Lượt xem: 4719
Gái 30 không phải gái ế và đàn bà sau 30 không phải lo chuyện lão hóa nếu như họ dành tuổi trẻ cho việc tẩm bổ trí tuệ và nhan sắc. Hơn cả là, sự bền vững của một cuộc hôn nhân không phụ thuộc vào ngoại hình của người đàn bà như truyền thuyết bấy lâu. Đó là lời của Trác Thúy Miêu.
Có một câu chuyện tiếu lâm đã trở thành kinh điển khi so sánh phụ nữ và quả bóng rằng: Phụ nữ 18 tuổi như quả bóng đá, 22 người tranh nhau 1 quả, cả cầu thủ dự bị cũng muốn mau mau vào sân; Phụ nữ 28 tuổi như quả bóng rổ, chỉ còn 16 người tranh; Phụ nữ 38 tuổi như quả bóng bàn, 2 người hất sang cho nhau; Phụ nữ 48 tuổi như quả bóng chày, ai cũng muốn đánh nó bay càng xa càng tốt…”
Hiển nhiên, câu chuyện mang tính hạ thấp giá trị phụ nữ này lại được không ít phụ nữ “tin dùng”, với nỗi bất an thường trực, rằng càng có thêm tuổi thì bản thân càng giảm đi giá trị. Đó cũng là cơ sở cho sự tin cậy vào tính đúng đắn của việc: Nên
kết hôn trước tuổi 30.
Cuộc trò chuyện với nữ MC - nhà báo Trác Thúy Miêu mang đến những góc nhìn thú vị về đề tài này. Cuối cùng thì, trước 30 hay sau 30 đều không phải vấn đề. Vấn đề nằm ở sự sẵn sàng và sự trưởng thành chân thật.
Kết hôn ở tuổi 38, có bao giờ chị tiếc nuối vì đã lập gia đình quá muộn theo quan điểm của “các cụ”?
Bản thân tôi kết hôn ở tuổi 38 và vẫn thấy tiếc nuối cuộc chơi.
Có phải vì ngày càng nhiều phụ nữ 38 tuổi vẫn “tiếc nuối cuộc chơi” nên xã hội phải thúc giục lẫn khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 hay không?
Không ai nói gì thì người sớm vẫn cứ kết hôn sớm, người muộn vẫn cứ kết hôn muộn. Mỗi người có một múi giờ sinh học khác nhau, không thể đồng hóa múi giờ lấy chồng sinh con được. Và quan trọng là đừng đặt cho họ một deadline lập gia đình.
Tất nhiên là vậy, song kết hôn trước 30 và kết hôn sau 30 có những mặt lợi mặt hại khác nhau.
Kết hôn và sinh nở trước 30 thì phụ huynh sẽ có thời gian lớn lên cùng con, ở với con lâu hơn. Khả năng cập nhật phương pháp sư phạm của họ cũng cao hơn so với các phụ huynh thuộc nhóm “cha già con mọn”. Sức khỏe của những người mẹ sinh nở trước 30 cũng tốt hơn những người mẹ sinh nở sau 30. Điều này khoa học đã minh chứng.
Tuy nhiên, ngày nay khoa học thai giáo rất phát triển. Người mẹ sau 30 có sự đồng hành của bác sĩ từ trước khi thụ thai để chuẩn bị cái nôi thật tươm tất cho em bé ra đời, không còn như ngày xưa, đẻ chỗ này nó lọt chỗ kia. Vậy nên, sự lo lắng về sinh nở của bà mẹ sau 30 là không quá cần thiết.
Trong cuộc sống, điều tốt nhất cho một em bé không còn là sức khỏe của người mẹ mà là người mẹ và người bố của nó đã sẵn sàng làm mẹ và làm bố hay không. Một ông bố trẻ chưa sẵn sàng đã bị "úp sọt” thì cả về mặt tâm lý lẫn sư phạm đều có nguy cơ gây hại cho đứa con của anh ta.
Có thể nhìn thấy điều này trong đợt cách ly xã hội vì dịch Covid-19 vừa qua. Không ít người loay hoay chăm sóc những đứa con do chính mình đẻ ra, kêu than sao xã hội không làm điều này điều kia vì tôi không thể tự làm điều đó. Những phụ huynh, phần đa trẻ tuổi, như một bầy trẻ con lớn. Mà khi bầy trẻ con lớn ở cùng bầy trẻ con nhỏ thì chúng sẽ lúng túng với nhau.
Nhưng chị biết đấy, việc kết hôn và sinh nở trước tuổi 30 không chỉ là quan điểm truyền thống mà còn là điều được nhà nước khuyến khích. Dường như mặt lợi vẫn nhiều hơn mặt không lợi chứ nhỉ?
Cần hiểu sự khuyến khích ấy theo nghĩa nhà nước đang báo động cho các công dân và gia đình trẻ nghĩ đến vai trò của họ với quốc gia, với xã hội thay vì chỉ ích kỷ nghĩ đến bản thân. Con số trước 30 cũng mang tính sinh lý học, đó là tuổi cơ thể sẵn sàng cho việc tình dục và sinh nở, là tuổi lý tưởng để có những đứa con khỏe mạnh cũng như đảm bảo sức khỏe của người mẹ. Đó là sự tính toán của những người hoạch định kinh tế xã hội nhằm đảm bảo sau khoảng thời gian nhất định ở tương lai gần, đất nước sẽ có một thế hệ lao động sung mãn nhất. Đó là bài toán phát triển phải tính đến.
Nhưng bài toán cuộc đời của mỗi con người có trách nhiệm với chính mình, có hoạch định với tương lai của bản thân thì không nhất thiết phải trước 30.
Chị nghĩ sao về việc có không ít người sau tuổi 30 kết hôn chỉ vì làm tròn chữ hiếu mà không tiếp tục chờ đợi tình yêu đến? Họ không có niềm tin vào tình yêu sau 30 chăng?
Mỗi người có hệ giá trị khác nhau và sự khác biệt trong hệ giá trị đó cần được tôn trọng. Nhiều người xem trọng sự hiếu đễ cao hơn tình yêu nhiều lắm. Hiếu dễ gây áp lực lên mỗi con người và tôi hoàn toàn thông cảm.
Tuy vậy, vấn đề ở đây là mỗi người trong gia đình đã không tự giải quyết được nỗi bất an của chính họ. Họ không thực sự tự lo để thực sự độc lập và tự do trong định đoạt tương lai và hạnh phúc của bản thân.
Đặt sang 1 bên câu chuyện xã hội, ta nói về câu chuyện lứa đôi. Nhiều người tin rằng, trước 30 là thời điểm phụ nữ còn như bông hoa đang nở, thanh tân nhất, rực rỡ nhất. Còn sau 30 họ đã già mất rồi trong khi đàn ông vẫn đang sung sức. Nói như “các cụ” là: Trai 30 tuổi đương xoan/ Gái 30 tuổi đã toan về già. Nghĩa rằng, cuộc sống giường chiếu sau tuổi 30 sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Một cơ thể thanh xuân, 1 nhan sắc đẹp, tất cả những thứ đó thật ra dành cho những cuộc phiêu lưu trải nghiệm ái tình, khám phá bản thân. Nhan sắc tuổi xuân cho người ta đặc quyền đặc lợi trong việc yêu và tình dục. Nhưng độ tuổi sau 30 mới phù hợp cho thể loại tình dục hôn nhân.
Sau 30, cơ thể người phụ nữ không còn đẹp đẽ như trước 30 trong khi nam giới vẫn đang độ sung mãn, đó là sự thật. Song, thứ đảm bảo độ bền vững trong hôn nhân không xét đến nhan sắc hay khả năng tình dục.
Khi mình nhìn cuộc hôn nhân của hai người già chưa từng hoặc đã qua nhiều lần đò đến với nhau thì lúc đó mình mới dám tin họ sẽ ở với nhau tới răng long đầu bạc. Nói vui thì, bởi vì khoảng thời gian còn lại để họ đi với nhau đến hết cuộc đời ngắn hơn.
Chị nói hôn nhân bền vững không liên quan tới tình dục, vậy lý giải sao đây về việc ngày càng nhiều các lớp học dạy phòng the cho chị em được mở ra và được ủng hộ?
Vẫn là tại sự bất an mà phụ nữ mang theo bên mình. Bất an đi cùng với tuổi tác khi nhan sắc, thanh xuân xuống dốc. Họ không có niềm tin vào nội tại mà cài cắm tất cả mọi vui buồn của cuộc đời mình vào một ai đó khác, thông thường lại là người chồng. Do đó, họ sẽ thương tổn tận cùng nếu họ mất đi người đàn ông của cuộc đời.
Xưa cha mẹ dạy phải cho đàn ông ăn thì họ mới yêu, tình yêu đi qua bao tử. Còn giờ người ta phải cho đàn ông ân ái thì họ mới yêu, tình yêu đi qua chăn nệm.
Những lớp học này cũng tốt thôi. Vì giáo dục tình dục của chúng ta rất nghèo nàn. Giờ có thể khai phóng, có thể thẳng thắn nói chuyện với nhau câu chuyện từng bị xem là cấm kị ấy cũng là điều tốt.
Nhưng mặt trái là các lớp học tình dục không giải quyết được sự bất an cho phụ nữ mà tạo ra chiêu trò trói buộc những ông chồng. Chưa tính đến khả năng trói buộc có khả thi hay không. Tôi cho rằng đó là cách phản bình đẳng giới, coi thường nam giới rất nhiều vì gán cho họ lý do ngoại tình là tình dục. Trong khi các anh cũng thích tình cảm, thích lãng mạn, thích tâm lý như các chị em vậy.
Việc nở rộ các lớp học như thế này và việc phụ nữ đổ xô nhau đi học để giữ chân chồng chẳng khác nào dành sự khinh bỉ cho người cha của những đứa con của chúng ta bằng suy nghĩ đàn ông bị dẫn dắt chỉ vì tính dục.
Tuy thế cũng có câu chuyện tiếu lâm thế này: phụ nữ 18 tuổi như quả bóng đá, 22 người tranh nhau; phụ nữ 28 như quả bóng rổ, chỉ còn 16 người tranh; phụ nữ 38 như quả bóng bàn, 2 người hất qua hất lại; phụ nữ 48 như quả bóng chày, hất càng xa càng tốt. Trước 30 rõ ràng các cô gái có nhiều sự lựa chọn hơn là phụ nữ sau 30...
Rõ ràng, khi mình ngày càng trưởng thành, mình bước vào một nơi đông người, những người quay lại nhìn mình không còn nhiều nữa. Nhưng trước 30, chẳng ai dám chắc những người quay lại nhìn bạn trên đường sẽ là chồng của bạn.
Trước 30 có quá nhiều lựa chọn nên chọn dễ sai. Sau 30 ít lựa chọn hơn nên lựa chọn dễ chính xác hơn. Bởi sau 30, những người đàn ông đến tìm bạn không ai có nhu cầu rong chơi, phiêu lưu tình ái nữa.
Khi mình dành tuổi thanh xuân để tẩm bổ cho trí tuệ, cho nhan sắc thì người đàn bà sau 30 sáng giá hơn mấy cô nàng đôi mươi rất nhiều. Sự hấp dẫn quyến rũ này mới là chân thật và được duy trì lâu dài. Đừng quá lệ thuộc vào thân thể hay làn da mịn màng của tuổi trước 30.
Cuối cùng vẫn là việc phụ nữ đừng đặt hạnh phúc của mình vào những thứ bề ngoài và bên ngoài đúng không chị? Khi ấy tuổi tác chỉ còn là con số vật lý...
Đúng. Muốn hạnh phúc thì phải độc lập, tự do, phải dựa vào nội lực bên trong của mình. Trước 30 hay sau 30 đều không phải vấn đề.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm: Sao Vbiz nói về việc kết hôn trước tuổi 30: Minh Hằng cà khịa, Huỳnh Lập thắc mắc không biết có ai chịu lấy mình không?